“Vua” Vịt Đẻ Trứng
Nghề nuôi vịt đẻ trứng lúc thăng lúc trầm, nhưng nhờ quyết tâm cao, chịu khó học hỏi mà ông Vũ Ngọc Quy (ấp 2, xã Phú Điền, huyện Tân Phú, Đồng Nai) được xem là vua vịt đẻ trứng ở xứ này.
Năm 1992, khi mới vào vùng đất Phú Điền để lập nghiệp, gia đình ông Vũ Ngọc Quy với 5 miệng ăn phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi trong vùng.
NốI lại nghề cũ
Cũng nhờ làm thuê mà ông Quy phát hiện ra rằng, nơi đây có rất nhiều đồng ruộng nhưng lại ít người tận dụng được nguồn phụ phẩm sau các vụ thu hoạch lúa. Sẵn có nghề nuôi vịt lấy trứng từ khi còn ở miền Bắc, năm 1993 ông Quy quyết định gom hết số tiền tích góp được trong nhà và vay thêm ngân hàng gần 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống. Ông Quy nói: “Thời điểm đó, tôi là người đầu tiên của xã Phú Điền dám đầu tư một số tiền lớn như vậy để theo nghề nuôi vịt lấy trứng. Sợ làm ăn thua lỗ, tôi phải đến tận nơi bán giống có uy tín mà lựa chọn từng con một, nhờ vậy đàn vịt luôn phát triển khỏe mạnh”.
Nhờ có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật chăn nuôi vịt đẻ trứng, lại thường xuyên tìm hiểu các loại cám và liều lượng cho ăn hàng ngày nên vịt cho trứng khá đều đặn. Hiện tại đàn vịt của ông Quy đã lên tới 1.200 con, trung bình mỗi tháng đàn vịt cho trên 30 ngàn trứng. Doanh thu từ bán trứng mỗi tháng đạt trên 100 triệu đồng. “Làm nghề này là phải chịu khó quan sát theo dõi để biết được con nào đẻ, con nào không mà xử lý” - ông Quy chia sẻ. Ông Quy còn cho biết, bí quyết của nuôi vịt thả đồng thành công là phải biết lựa chọn tăng, giảm đàn đúng thời điểm, có như vậy mới kiểm soát được lời lỗ và hạn chế nguy cơ thất bại.
Khổ vì cúm
Để có được như ngày hôm nay, ông Quy cũng đã trải qua tình cảnh vô cùng khó khăn. Nhớ nhất là năm 2002 khi dịch cúm H5N1 lan rộng, ông phải chôn sống đàn vịt trên 1 ngàn con. Mất trắng đàn vịt, không còn vốn liếng làm ăn, nợ ngân hàng không trả được, ông Quy rất lo lắng. Thế rồi ông quyết định bỏ nghề, cùng các con đến khu vực Cát Lái, TP.Hồ Chí Minh tìm việc, nhưng chủ ở đây chỉ hẹn khi nào cần thì gọi. Chờ mãi không được, cha con ông quyết định trở về vùng đất Phú Điền này để gầy dựng lại đàn vịt.
Cũng may, năm 2003 dịch bệnh trên gia cầm được khống chế. Với quyết tâm làm lại từ đầu, ông Quy đã chấp nhận vay vốn người quen để trả nợ ngân hàng, còn lại ít vốn ông đầu tư nuôi vịt. Thấy ông làm ăn có hiệu quả lại trả nợ đúng hạn, ngân hàng tiếp tục cho ông vay thêm vốn. Nhờ quyết tâm phục hồi đàn vịt, dần dần ông Quy vượt qua được khó khăn và trả hết nợ. Để đảm bảo chất lượng của đầu ra, ông Quy đã tự thiết kế 4 máy ấp trứng và 1 máy soi trứng. Các quả trứng trước khi đến tay người tiêu dùng đều được ông soi kiểm tra kỹ, những trứng không đủ tiêu chuẩn ông loại ngay từ đầu. Cũng nhờ vậy, trứng vịt của ông luôn ổn định chất lượng nên khách hàng rất thích và sẵn sàng mua với giá cao.
Có thể bạn quan tâm
Đó là khẳng định của ông Ngô Minh Hùng - Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận khi trao đổi với phóng viên về việc có hay không tình trạng ùn tắc giao dịch thanh long tại cửa khẩu trong những ngày qua…
Nhiều năm liền, anh Nguyễn Văn Thạo ở ấp Mỹ Thạnh B, xã Long Tiên (Tiền Giang) chủ động xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ, khắc phục tình trạng "được mùa, rớt giá", góp phần nâng cao mức sống gia đình.
Số lượng nuôi ước tính khoảng 700 con nhím, 1.100 con lợn rừng, 50 con dúi, 15 con hươu sao, tập trung ở xã Đồng Tâm, An Bình, thị trấn Chi Nê (Hòa Bình). Trong đó nuôi lợn rừng, nhím mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được người dân quan tâm nhân đàn, phát triển ra diện rộng.