Giá / Mô hình kinh tế

Nhìn Đất Bón Phân Cho Lúa

Nhìn Đất Bón Phân Cho Lúa
Tác giả: 
Ngày đăng: 13/07/2013

Bón phân cho lúa là một kỹ thuật rất quan trọng giúp hạ giá thành sản xuất, tăng năng suất và phẩm chất lúa cũng như hạn chế sự đổ ngã, sâu bệnh cho lúa. Vì vậy, nông dân cần biết kỹ thuật bón phân cho từng mùa vụ cũng như từng vùng sinh thái khác nhau.

Thường vụ lúa hè thu và thu đông ở ĐBSCL thường có khuyến cáo mức bón phân tương đương nhau. Mức khuyến cáo chung trung bình cho 2 vụ này là 80+40+30 (N-P2O5-K2O; kg phân nguyên chất/ha). Quy ra lượng phân thương phẩm là 174kg urea + 243kg super lân + 50kg KCl. Tuy nhiên, do đặc điểm ở ĐBSCL có 3 nhóm đất chính gồm: Đất nhiễm phèn có diện tích 1,6 triệu ha (chiếm 41%); đất phù sa 1,18 triệu ha (chiếm 30%); và đất mặn 0,74 triệu ha (chiếm 19%).

Vì vậy, cần có sự điều chỉnh theo các mức khuyến cáo khác nhau cho từng vùng sinh thái này. Cụ thể như sau: Bón phân cho lúa thu đông trên vùng đất phèn: Vùng này có các tỉnh như Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang. Mức khuyến cáo N-P2O5-K2O (kg/ha) cho 1ha là: Mức cao: 80-80-50, mức trung bình 60-40-25 và mức thấp 40-40-25. Mức trung bình phân nguyên chất này tương đương với phân thương phẩm là 131kg urea + 243kg super lân + 42kg KCl.

Bón phân cho vùng đất phù sa: Vùng này thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP. Cần Thơ. Công thức phân bón khuyến cáo mức cao là 80-60-50, mức trung bình là 60-30-25 và mức thấp 40-30-25. Với mức trung bình phân nguyên chất này thì tương đương phân thương phẩm là 182kg urea + 42kg super lân + 42kg KCl.

Ở các vùng đất bị nhiễm mặn như Hậu Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang và một phần Long An, thường bị ngập mặn trên 3 tháng trong mùa khô. Mức phân bón khuyến cáo cao là 100-60-50; mức trung bình 80-30-30 và mức thấp 60-30-30. Mức trung bình nguyên chất này tương đương phân thương phẩm là 174kg urea + 182kg super lân + 50kg KCl.

Cách bón và liều lượng phân bón: Áp dụng cho khoảng 3 đợt bón. Đối với lúa có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày: Đợt 1 khoảng 7 - 10 NSS (ngày sau sạ); đợt 2 khoảng 18 - 22 NSS; đợt 3 từ 30 - 35 NSS. Đối với lúa dài ngày hơn từ 95 - 100 ngày thì đợt 1 từ 7 - 10 NSS, đợt 2 từ 22 - 25 NSS, đợt 3 là 40 NSS. Chia đều lượng phân làm 3 lần bón, đợt đầu bón 1/5 lượng phân, hai đợt kia mỗi đợt bón 2/5 lượng phân. Tùy cụ thể vào tình hình thời tiết, sinh trưởng và màu sắc lá lúa có thể bón thêm một lần nuôi hạt vào giai đoạn 55 - 60 NSS.


Có thể bạn quan tâm

Dạy Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản Ở An Giang Dạy Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản Ở An Giang

Đó là một trong những nội dung được nhiều xã, phường, thị trấn đặc biệt quan tâm và phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trung tâm Giống thủy sản, Hội Nông dân… tổ chức các lớp dạy nghề nuôi ếch, lươn, cá lóc… nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn, giúp nâng cao thu nhập kinh tế gia đình của các hộ nông dân.

13/07/2013
Tìm Giải Pháp Quản Lý Dinh Dưỡng Cây Trồng Tìm Giải Pháp Quản Lý Dinh Dưỡng Cây Trồng

Với lợi thế về đất đai, khí hậu, ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây lớn nhất nước ta. Tuy nhiên, trong những năm qua, do kiến thức còn hạn chế nên hầu hết bà con nông dân sử dụng dinh dưởng cho cây trồng chưa hợp lý nên dẫn đến năng suất chất lượng cây trồng chưa cao

13/07/2013
Hai Cty Phân Bón Lừa Nông Dân Hai Cty Phân Bón Lừa Nông Dân

Tại các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò và TX Sa Đéc (Đồng Tháp), nông dân đang bức xúc bởi chiêu lừa của hai Cty chuyên SX phân bón N-P-K kém chất lượng đó là Cty TNHH Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (APA) và Cty TNHH SX TMDV Hóa Nông.

13/07/2013