“Vua Heo” Đất Đảo
Nói đến Lý Sơn, người ta thường nghĩ đến nghề trồng hành, tỏi và đi biển. Còn với nghề chăn nuôi dường như ít ai để mắt đến. Ấy vậy mà, ở hòn đảo này, có một lão ngư âm thầm phát triển nghề nuôi heo từ hơn chục năm nay và được người dân mệnh danh là “vua heo” đất đảo…
Sinh ra và lớn lên ở đảo Lý Sơn, năm 22 tuổi, Phạm Duyên nhập ngũ ở chiến trường Campuchia, làm lính trinh sát. Tám năm sau, ở tuổi 30 Phạm Duyên phục viên về với đất đảo, bám biển Hoàng Sa làm kế mưu sinh.
* Một thời sóng nước
Thuở ấy, chiếc la bàn- kỉ vật theo ông trong những lần hành quân giữa núi rừng Campuchia lại được ông mang ra Hoàng Sa để hành nghề biển. Ông kể rằng, ngày đó đi biển có được chiếc la bàn là nhất rồi. Cứ thế mà thẳng tiến ra biển Hoàng Sa, đánh bắt xong quay đầu 240 độ hướng thẳng là về đến Lý Sơn. Sau đó, tàu thuyền sắm thiết bị định vị, chiếc la bàn được ông nâng niu gìn giữ như một báu vật vì nó theo ông suốt gần cả một đời người.
Ông Duyên kể, những chuyến ra Hoàng Sa lặn hải sâm cùng anh em đội tàu là những chuyến đi đầy bất trắc. Từ năm 2005 – 2008, tàu ông 17 lần ra bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, lấy ngư cụ trái phép, nhưng ông cùng anh em đội tàu không hề nản lòng, kiên quyết bám ngư trường truyền thống để làm ăn.
Sự gan dạ của ông đã tạo dựng niềm tin cho bao thể hệ ngư dân Lý Sơn trong mỗi chuyến ra khơi Hoàng Sa, Trường Sa. “Nơi ấy đã trở thành máu thịt của ngư dân Lý Sơn nói riêng và ngư dân Quảng Ngãi nói chung, nên dù có bất trắc, hiểm nguy cũng không làm bà con ngư dân nao núng” - ông Duyên quả quyết. Với ông, dù vẫn còn nặng lòng với biển đảo quê hương, nhưng ở cái tuổi 60 không cho phép ông đối mặt với sóng biển khơi xa, ông quay về đất đảo làm nghề nuôi heo.
* “Đệ nhất” nuôi heo
Nhà ông Duyên ở tổ 6, thôn Đông, xã An Hải. Con đường dẫn vào nhà ngoằn ngoèo. Tuy vậy nhưng không khó để tìm ra nhà ông, vì ông quá nổi tiếng với biệt danh “Duyên heo”. Căn nhà nhỏ càng trở nên chật chội với những tấm bằng khen, giấy khen của ông và 7 người con treo kín trên tường.
Giải nghệ nghề biển, cuộc sống gia đình ông trở nên khó khăn vì phải nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi học. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo, đồng thời lặn lội vào đất liền tìm hiểu kỹ thuật và mua heo về nuôi thử nghiệm. Khởi đầu là 20 con, nhưng không may mấy tháng sau đàn heo được khoảng 4 - 6 kg thì đồng loạt chết sạch. Mất của, xót công, không còn lối thoát, ông lại ra biển với ý định “lấy ngắn nuôi dài”. Trong những chuyến biển, ông không quên dắt lưng cuốn sách kỹ thuật chăn nuôi heo. Và ông đúc rút ra bài học kinh nghiệm, muốn nuôi được heo phải là heo đẻ trên đảo, mới thích nghi môi trường, thời tiết khắc nghiệt trên đảo.
Năm 2000, ông bỏ 30 triệu mua 2 con heo nái về nuôi, rồi huy động vợ con cùng chăm sóc 2 con heo giống theo chế độ đặc biệt. Khi heo đến tuổi trưởng thành ông cho mời bác sĩ thú y từ đất liền ra phối giống nhân tạo. Lứa heo giống đầu tiên chào đời trên đảo ông để nuôi hết. Cứ như thế, năm này qua năm khác, chuồng trại của gia đình ông được mở rộng. Và người dân Lý Sơn quen gọi ông là Duyên heo từ lúc nào không hay. Mỗi năm ông xuất chuồng hơn chục tấn heo thịt phục vụ cho dân đảo Lý Sơn thu về trên 500 triệu đồng.
Đưa chúng tôi tham quan trại heo, ông thổ lộ: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo. Nhờ chuồng heo này mà tôi nuôi cả bầy con ăn học, cứu vợ thoát chết đấy chú à”. Chuyện là, vào năm 2010 vợ ông bị chứng bệnh tê liệt thần kinh, sống thực vật. Bán sạch đàn heo, ông vào Sài Gòn quyết thay máu cứu vợ. Nhờ đó vợ ông lành lặn trở lại. Mới đây, vợ ông lại đổ bệnh, ông lại bán heo chạy chữa.
Lúc chúng tôi đến thăm nhà thì vợ ông đang nằm ở bệnh viện Đà Nẵng hơn 1 tháng rồi. Vợ bệnh nặng ông phải giao con gái chăm nom, còn ông phải ở nhà chăm đàn heo để kiếm tiền chạy chữa cho vợ. Và ông có đến 7 người con nhưng không đứa nào theo nghiệp biển. Họ đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có công ăn việc làm ổn định.
Với bản lĩnh của một cựu chiến binh và lão ngư dày dạn kinh nghiệm, ông Duyên không cam chịu nghèo đói. Ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen với danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền.
Related news
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam vừa công bố kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường tại các khu vực sông nước lợ, nước ao nuôi và kiểm tra bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đợt 1, tháng 9. Các mẫu xét nghiệm cho thấy hiện tại độ pH trong nước các ao nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh nằm trong ngưỡng thích hợp, không phát hiện khí độc NH3; vi khuẩn vibrio có mặt ở hầu hết các mẫu nước ao nuôi với mật độ thấp; các mẫu kiểm tra không có ký sinh trùng, vi rút gây bệnh.
LTS: Hàng chục năm trước, những ngư dân vùng đầu nguồn An Giang đã gầy dựng nên nghề nuôi cá da trơn. Cũng từ đó, tiếng tăm con cá tra, cá ba sa vang xa và trở thành sản phẩm xuất khẩu chiến lược của quốc gia.
Ngọc Hiển (Cà Mau) từng một thời được biết đến là “thủ phủ” của vùng sản xuất tôm sú giống. Thời điểm cực thịnh, số cơ sở sản xuất tôm giống mọc lên nhanh như nấm sau mưa.