Vụ Lúa Hè Thu Khó Càng Thêm Khó
Mưa dầm làm cho trà lúa hè thu đang đến kỳ thu hoạch bị gãy đổ trên diện rộng. Nước ngập, lúa không thể thu hoạch bằng cơ giới mà phải thu hoạch thủ công. Các khoản chi phí không ngừng leo thang trong khi hạt lúa làm ra kém chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Chưa kết thúc mùa vụ, nhưng nông dân đã cầm chắc thua lỗ, phải “bán quạ bán diều” thành quả lao động của mình với hy vọng đủ tiền để trả cho các đại lý vật tư nông nghiệp.
Theo Sở NN&PTNT, sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, các địa phương cần tập trung làm tốt công tác chỉ đạo xuống giống lúa thu đông, cao sản và lúa trên đất tôm. Bên cạnh đó, hướng dẫn lịch xuống giống né rầy trên từng địa bàn huyện, thành phố; thực hiện xuống giống đồng loạt, tập trung trong khung lịch thời vụ và vùng quy hoạch; khuyến cáo sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn, diễn biến xâm nhập mặn và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống khô hạn, xì phèn, xâm nhập mặn, đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa.
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; tiếp tục chỉ đạo nông dân áp dụng quy trình canh tác lúa theo “3 giảm - 3 tăng” hoặc “1 phải - 5 giảm”; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, thông báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu, bệnh gây hại lúa, chú ý phòng trừ rầy nâu, bệnh đạo ôn, ốc bươu vàng, chuột...
Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn trên các trà lúa năm 2013; tập trung chỉ đạo tổ chức ra quân phòng trừ rầy nâu đồng loạt khi có dịch, hướng dẫn nông dân phòng trừ rầy nâu theo phương pháp “4 đúng”, kiên quyết không để xảy ra cháy rầy và lây lan bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, thông báo đột xuất khi có sâu bệnh phát sinh bất thường...
Lao đao mùa thu hoạch
Thời tiết dường như làm khổ người nông dân trong vụ lúa hè thu năm 2013. Mưa liên tục trong những ngày qua đã làm cho diện tích lúa đang vào thời kỳ thu hoạch thay nhau gãy đổ. Chỉ tính diện tích lúa sập của 2 huyện Phước Long và Hòa Bình đã hơn 3.200ha. Ở huyện Hồng Dân, diện tích lúa bị ngập do mưa cũng trên con số 260ha. Nhiều nơi, lúa chín nhưng nông dân không thể thu hoạch vì mưa kéo dài, đành xót xa nhìn lúa nằm “chịu trận”, phó mặc cho trời đất.
Năng suất lúa hè thu vốn không cao, lại gặp thêm trình trạng bị gãy đổ và thu hoạch thủ công nên thất thoát, sụt giảm sản lượng là điều không thể tránh khỏi. Ông Phạm Văn Tám (ấp Kế Phòng, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) than thở: “Tôi làm ruộng mấy chục năm rồi mà chưa có vụ hè thu nào như năm nay. Cả 6,5 công ruộng của tôi lúa sập nằm rạp như... sân banh! Lúa thì chín nhưng mưa hoài nên không cắt được.
Bây giờ, nếu có cắt thì cũng cắt bằng tay chứ không thể cắt bằng cơ giới. Vụ hè thu năm rồi được 40 - 45 giạ/công, còn vụ này mỗi công chỉ cần được 30 giạ là mừng. Coi như lỗ là cái chắc”. Lúa gãy đổ nếu thu hoạch càng trễ thì sản lượng thất thoát càng nhiều. Từ đó, nông dân phải thu hoạch gấp theo phương pháp thủ công như cắt, bó lại, dùng xuồng chở về rồi thuê máy suốt.
Đối với những nông dân giải quyết được khâu thu hoạch thì lại gánh thêm nỗi lo lúa ế. Lúa thu hoạch xong thương lái không mua, hoặc cố tình làm giá chèn ép nông dân. Những vụ trước, thương lái mua lúa tươi của nông dân ngay tại ruộng, nhưng vụ hè thu này, do lúa sập, chất lượng hạt lúa xấu nên thương lái không mua hoặc mua rất dè dặt. Không bán được lúa tươi, nông dân phải mang về sân phơi để bán lúa khô. Tuy nhiên, trong điều kiện mưa nhiều như hiện nay thì bà con chỉ có thể mang lúa từ ruộng vào sân để nằm chờ nắng chứ không thể phơi, bán.
Anh Diệp Văn Nhì, một “cò” lúa (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) nói: “Mình cũng cố gắng giới thiệu lúa của bà con với thương lái, nhưng khổ nỗi, do lúa quá xấu nên thương lái không thể mua. Nếu có mua thì cũng mua với giá rất thấp”.
Trắng tay vì chi phí tăng cao
Thời tiết bất thường, thu hoạch lúa khó khăn, năng suất lúa sụt giảm, lúa bán với giá rẻ đã làm cho “bài toán chi phí” của nông dân vượt ngoài dự toán.
Theo ông Nguyễn Duy Hân, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Bình: “Trận mưa kéo dài trong nhiều ngày qua đã làm cho chi phí của nông dân có lúa sập tăng lên khoảng 1 triệu đồng/công. Nhiều nơi xảy ra tình trạng “sốt” giá công cắt và công suốt. Giá công cắt dao động từ 500 - 800 ngàn đồng/công lúa sập. Công suốt dao động từ 400 - 500 ngàn đồng/công (loại máy suốt không phải máy gặt đập liên hợp). Bên cạnh đó, nhiều nơi, nông dân còn phải thuê thêm tiền kéo lúa bó từ 100 - 150 ngàn đồng/công. Những vụ trước, nông dân chỉ cần bỏ ra 300 ngàn đồng là có thể thu hoạch 1 công lúa, nhưng vụ này chi phí thu hoạch cho mỗi công là hơn 1 triệu đồng”.
Ngoài các khoản chi phí nói trên, nông dân phải gánh thêm chi phí từ các đại lý vật tư nông nghiệp. Anh Lê Văn Út (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) nói: “Nông dân chúng tôi quanh năm ăn chịu, vật tư hầu như mua thiếu ở các đại lý nông nghiệp. Đại lý thì nắm rất rõ lịch thời vụ của nông dân để điều chỉnh giá vật tư, như: đầu vụ thì thuốc diệt ốc và thuốc diệt cỏ lên giá, kế đến là phân bón và thuốc rầy, gần cuối vụ thì thuốc dưỡng hạt và trị bệnh tăng giá...
Năm nay, chi phí của nông dân ở đây cộng dồn lại từ đầu vụ đến giờ là 2,5 - 3 triệu đồng/công”. Tuy nhiên, hiện nay, với giá lúa trên thị trường dao động từ 4.600 - 4.900 đồng/kg lúa tươi; 5.400 - 5.500 đồng/kg lúa khô thì nông dân rất khó đạt được lợi nhuận 30%.
Thực tế, có nhiều nông dân sau khi thu hoạch, tiền bán lúa không bù được chi phí, tiêu biểu như trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình). Vụ lúa này, 2 công lúa của ông chỉ thu về 3,5 triệu đồng, nhưng chi phí hơn 4,5 triệu đồng!...
Khẩn trương cứu lúa
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất lúa hè thu, có địa phương đã khẩn trương đưa ra nhiều giải pháp để chủ động giúp đỡ nông dân ứng phó với thiên tai. Ông Lâm Thanh Phong, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Huyện đã tuyên truyền, vận động bà con chủ động bơm tát nước để tránh ảnh hưởng đến năng suất.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện đang đề nghị với Ban điều tiết nước tỉnh vận hành các cống đầu mối để rút nước, hạn chế thiệt hại diện tích lúa bị ngập. Trong những ngày tới, nếu không còn mưa dầm thì thiệt hại về năng suất không lớn. Vào thời điểm này, nông dân trong huyện đã thu hoạch hơn 100ha lúa hè thu trên tổng diện tích 11.550ha…”.
Còn huyện Hồng Dân cũng đang khẩn trương vận động nông dân tích cực bơm tát nước và tổ chức vận hành hệ thống cống đầu mối để xổ nước nhằm hạn chế lúa bị thiệt hại do ngập úng.
Những trận mưa trong tháng 7 thật sự làm khổ nông dân. Vậy mà mưa vẫn tiếp tục rơi và bao nỗi lo về một vụ mùa thất bát lại làm nặng trĩu đôi vai của người trồng lúa. Bao tính toán đầu tư về một vụ mùa mới giờ đầy ắp lo toan: Không biết vụ lúa đông xuân tới có tiền để trang trải?
Có thể bạn quan tâm
“Chúng tôi tự hào là những người trồng chè có tiếng trong vùng, nhưng mấy năm gần đây, do yêu cầu của thị trường về sản phẩm chè sạch, chè có phẩm cấp cao, việc chế biến thủ công truyền thống đã không thể đáp ứng nổi yêu cầu này nên giá bán ra thị trường thấp.” Một nông dân cho biết.
Dễ nuôi, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, lại có thu nhập cao nên mô hình nuôi lươn không bùn đang được nhiều bà con nông dân theo đuổi.
Hiện nay, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học đang được mở rộng trên toàn quốc vì đây là mô hình thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, an toàn cho người tiêu dùng và không hại đến môi trường. Tại huyện Bình Đại, diện tích trồng rau an toàn đang dần được mở rộng, đặc biệt hai xã Châu Hưng và Phú Long là 2 xã tiên phong trong phong trào chuyển đổi canh tác trồng rau theo hướng hữu cơ sinh học, đem lại an toàn và lợi nhuận cho người dân.