Mô Hình Trồng Dừa Ta Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Nhờ sưu tầm trồng nhiều giống dừa chất lượng và có cách chăm sóc phù hợp, vườn dừa của ông Đỗ Thành Thưởng (mọi người thường gọi là ông Tám Thưởng), ở ấp 2, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm đã đem về thu nhập cao cho gia đình ông.
Ông Tám Thưởng được mệnh danh là “vua dừa”, ông được Tổ chức Hiệp hội dừa Châu Á Thái Bình Dương trao giải thưởng Người trồng dừa giỏi nhất Việt Nam và được Viện tài nguyên giống cây trồng quốc tế cùng Ngân hàng phát triển Châu Á và Mạng lưới phân phối nguồn giống cây dừa quốc tế cấp bằng công nhận là nông dân tiêu biểu của phong trào trồng Cây xanh Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2010 vừa qua, ông được Ban chỉ đạo diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL khen thưởng là người đã có công "đóng góp tích cực vì sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long".
Để đạt được những thành tích trên, ông Tám Thưởng là người đam mê, gắn bó đời mình với cây dừa. Ông dày công sưu tầm nhiều giống dừa lạ, chất lượng về trồng trên mãnh vườn rộng 2,5 hecta của gia đình. Vườn dừa của ông hiện có trên 20 giống dừa các loại như: dừa ta xanh, dừa ta vàng, dừa ta đỏ, dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa dâu đỏ; dừa núm, dừa dâu, dừa dứa, dừa sọc,...
Biết ông Tám Thưởng là người dành nhiều tâm huyết đối với sự phát triển của cây dừa trên đất Bến Tre, khoảng năm 1994, Viện nghiên cứu Cây có dầu thực vật đã tìm đến và hợp tác với ông trồng thử nghiệm một số giống dừa lai. Ông được giao 60 trái dừa giống PB121 (giống dừa lai giữa dừa cao Tây Thi và dừa lùn Malaysiaa) và được cán bộ của viện hướng dẫn kỹ thuật trồng dừa, chăm sóc và bón phân. Các giống dừa này sau 3 năm trồng đã cho năng suất rất cao, bình quân 140 – 150 trái mỗi năm.
Ông Tám Thưởng kể lại: “Trồng dừa lai, chăm sóc dừa theo hướng dẫn của các nhà khoa học, cây dừa tươi tốt, năng suất cao, tôi đã đúc kết cho mình kinh nghiệm: muốn trồng dừa đạt hiệu quả thì cũng phải chăm sóc cây dừa như các loại cây trồng khác. Và Tôi đã áp dụng kỹ thuật chăm sóc dừa lai đối với các giống dừa khác trong mảnh vườn của mình. Mỗi năm Tôi bón phân cho dừa 2 lần bằng cách đào đất xung quanh góc dừa khoảng 2 mét, sau đó bón vào các loại phân lân, urê, kali theo tỷ lệ 1,2 – 0,8 – 1; bình quân mỗi năm 1 cây dừa tôi bón 3 kg phân. Trong năm 2011 này, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, tôi tiếp tục nâng số lần bón phân cho dừa lên 3 lần mỗi năm để cung cấp đủ dưỡng chất cho dừa phát triển”.
Cơn bão số 5 năm 1997, vườn dừa của ông Tám Thưởng bị ngập hoàn toàn, năng suất dừa giảm đáng kể. Từ thực tế này, ông nhận định nguồn nước cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây dừa, vì vậy ông đầu tư bờ bao khép kín cho cả mãnh vườn và gia cố hàng năm để điều tiết nước không cho vườn bị ngập úng và độ mặn cao xâm nhập vào vườn.
Nhờ được đầu tư, chăm sóc đúng mức mà vườn dừa của ông Tám Thưởng trái rất sai vào mùa thuận và ít treo vào mùa nghịch. Bình quân một cây dừa ta ông Tám Thưởng thu họach từ 70 – 80 trái mỗi năm. Hàng năm, trong khi nhiều vườn dừa vào mùa treo giảm 70 – 80% sản lượng trái, nhưng vườn dừa của ông chỉ giảm khoảng 50% sản lượng. Từ đầu năm 2011 đến nay, tháng thấp nhất ông Tám Thưởng thu hoạch trên 1 thiên dừa, tháng cao nhất trên 3,2 thiên và ông đã đạt thu nhập gần 200 triệu đồng từ vườn dừa của mình. Ngoài thu nhập từ cây dừa, trên mãnh vườn ông Tám Thưởng còn trồng xen bưởi da xanh, bưởi năm roi đạt thu nhập mỗi năm 20 triệu đồng.
Biết ông Tám Thưởng trồng dừa giỏi, nông dân nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Bến Tre đã tìm đến nhà ông để tham quan mảnh vườn và học hỏi kinh nghiệm trồng dừa của ông. Nhiều cuộc hội thảo liên quan đến phát triển cây dừa cũng đã mời ông để ông nói lên những kinh nghiệm thực tiễn giúp các nhà khoa học, ngành chức năng đúc kết, rút ra phương pháp trồng dừa đạt kết quả để chuyển giao cho nông dân trồng dừa đạt hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Năm 1984, ông Phạm Quang Hành ở thôn Hòa Bình, xã Hùng Sơn (Thanh Miện - Hải Dương) nuôi thử 5 đàn ong để lấy mật bồi dưỡng sức khoẻ.
Châu Thành (Tiền Giang) được xem là “vương quốc rau” của tỉnh và đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên triển khai mô hình sản xuất rau an toàn. Thế nhưng, qua hơn 10 năm từ khi mô hình đầu tiên được triển khai quá trình xây dựng vùng rau an toàn vẫn loay hoay tìm hướng đi.
Đến nay, vụ lạc ở Thừa Thiên - Huế đã thu hoạch xong được hơn 1 tháng, nhưng do giá xuống quá thấp và thương lái ít thu mua nên người dân khó bán được lạc.