Vĩnh Long Vui Mùa Khoai Mới
Hiện nay, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là vùng chuyên canh khoai lang với diện tích lớn và chất lượng nổi tiếng nhất, nhì khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mấy chục năm trước, sản phẩm khoai lang nơi đây được người dân chợ cầu Ông Lãnh – Sài Gòn, chợ Mỹ Tho, chợ Cần Thơ ưa chuộng và quen gọi là khoai lang Tân Quới.
Giờ đây, khoai lang Bình Tân đã vươn xa, tiêu thụ khắp các thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ nghề trồng khoai lang này, nông dân vùng Bắc Quốc lộ 1A thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long không chỉ thoát nghèo mà cuộc sống đã trở nên khấm khá hơn.
Ai đã một lần qua Quốc lộ 908 và Quốc lộ 54, đi xuyên đồng đất Bình Tân – một huyện mới được thành lập từ năm 2007 của tỉnh Vĩnh Long – sẽ có ấn tượng đặc biệt khi qua các địa danh Tân Thành, Tân Hưng, Tân Quới, Thành Đông… Đó là vùng khoai lang miệt vườn Tân Quới. Dù cho có công việc cập rập, vị ngọt khoai lang miệt vườn này đủ sức níu chân khách thập phương.
Khoai lang là món ăn dân dã nhưng được nhiều thực khách ưa chuộng. Hiện nay, duy chỉ có loại khoai lang tím Nhật là có thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản. Nhờ vậy, khoai lang tím Nhật được thị trường tiêu thụ rất mạnh và là loại khoai có chu kỳ sinh trưởng ngắn, từ 4 - 5 tháng với năng suất bình quân 50 – 60 tạ/công. Thời điểm hiện, giá của loại khoai lang tím này vào khoảng 350.000 – 390.000 đồng/tạ.
Vào mùa khoai, thanh niên nam nữ và cả người lớn tuổi đều đổ ra đồng để thu hoạch khoai "vần công". Từ người nghèo, ít đất sản xuất cho đến người có hàng mẫu khoai cũng không nề hà chuyện đi dỡ khoai "vần công". Người dân ở đây cho biết, nếu thu hoạch từ 5 công trở lên, cần tới hơn 20 người để cào giồng, giũ khoai, vô giỏ… Để giảm bớt chi phí, người dân thường "vần công" cho nhau.
Vụ khoai năm nay, dù giá vật tư phân bón có phần tăng cao, giá khoai chưa thật sự làm người dân hài lòng nhưng nhờ có kinh nghiệm và biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên khoai phát triển khá đồng đều, năng suất, sản lượng đều tăng hơn so với vụ trước. Vụ này, ngoài các loại truyền thống như: bí nghệ, bí đường, trắng, sữa… người dân còn trồng thêm tím Nhật vì có giá cao gấp đôi. Năng suất bình quân vào khoảng 60 tạ/công, tăng từ 5 – 10 tạ so với năm trước.
Trên cánh đồng khoai xanh mơn mởn của xã Tân Thành – xã có diện tích trồng khoai cao nhất tỉnh với gần 1.300 ha – vào những ngày thu hoạch rộ, từng tốp thanh niên nắm chặt chiếc cào lớn, phối hợp thật ăn ý, cào sâu vào mặt ruộng. Đất vỡ ra, những củ khoai lang màu đỏ bụ bẫm còn lấm màu đất mẹ lộ ra và được gom thành từng khúm nhỏ để rồi từng cần xé khoai đầy ắp được đưa vào trại – nơi đó có những tốp phụ nữ lặt rễ khoai và phân loại.
Đất vùng chuyên canh khoai này là đất “gan rùa”, nhiều sét nên trồng khoai thích hợp hơn trồng lúa. Khoai vùng này có tiếng bởi vị ngọt đằm, thơm dẻo. Trong tổng số trên 4.000 ha khoai được xuống giống của huyện Bình Tân năm nay, riêng xã Tân Thành có xấp xỉ 1.300 ha, chiếm gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã.
Điều thú vị là từ khoai lang, Bình Tân đã hình thành nhiều tổ chức dịch vụ hoạt động khá hiệu quả. Các xã trồng khoai lang trọng điểm của huyện đã hình thành các tổ, nhóm chuyên cung cấp lao động, dịch vụ trồng và thu thập khoai lang, thu hút hàng trăm lao động tham gia, vừa giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động, vừa giúp người trồng khoai giải quyết nỗi lo thiếu nhân công mùa vụ.
Các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ khoai lang như HTX Tân Thành, HTX Tân Bình, HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Thành Lợi đã góp phần ổn định thị trường tiêu thụ khoai lang trong nước và xuất khẩu thông qua các công ty trung gian như Công ty Thực phẩm rau quả Bình Thuận, Công ty TNHH Vĩnh Hưng, Công ty Rau quả Tiền Giang…
Có mặt tại hợp tác xã khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân những ngày thu hoạch, không khí mua bán khoai rất là nhộn nhịp. Nhộn nhịp không chỉ vì kẻ mua người bán, mà còn vì bất kỳ biến động lên, xuống của giá khoai ở các chợ đầu mối từ TP. Hồ Chí Minh cũng đều được cập nhật thường xuyên qua điện thoại di động.
Hiện, khoai tím Nhật (loại xuất khẩu) đang đứng đầu bảng giá. Khi khoai “nằm đất” – tức mua tại ruộng - đã được kêu giá 7.000 – 7.500 đồng/kg (tương đương 420.000 – 450.000đồng/tạ (60 kg)); khoai dạt thành tím bi – tức khoai củ nhỏ, tròn, làm hàng bán chợ - và “tím cá” dùng làm thức ăn cho cá có giá cũng không dưới 70.000 đồng/tạ. Tiếp theo là các loại khoai bí cao sản: 6.300 đồng/kg (378.000 đồng/tạ), khoai ngọc: 6.000 đồng/kg (360.000 đồng/tạ), khoai đỏ: 5.000 đồng/kg (300.000 đồng/tạ). Loại thấp nhất là khoai sữa cũng đạt 3.500 – 3.600 đồng/kg (210.000 – 220.000 đồng/tạ). Theo các thương lái, giá năm nay đã cao gấp 3 lần so với mức giá cao nhất trước đó.
Đi qua xã nào trong huyện Bình Tân cũng thấy những cánh đồng khoai lang trải dài tít tắp chứng tỏ cây khoai đang thực sự lên ngôi trên vùng đất này. Trồng khoai cực lắm, nhưng rồi khoai đã không phụ lòng người bởi chính nhờ loại cây màu này mà đời sống của người dân vùng Bắc Quốc lộ 1A thuộc huyện Bình Tân – Vĩnh Long đang ngày một khấm khá hơn.
Có người nói vui rằng, nước sông Hậu còn thì khoai lang Bình Tân không bao giờ hết được. Khoai Bình Tân vẫn nhiều, vẫn ngon và càng ngon hơn khi giúp vị mặn mồ hôi người nông dân trên đồng trở nên ngọt ngào trong mỗi mùa khoai mới.
Related news
Ở đâu người trồng rau lo khâu tiêu thụ, còn với người trồng rau Văn Đức thì không sợ rau "bị ế." Hiện nay, Hợp tác xã có hơn 20 đầu mối tiêu thụ rau ổn định với số lượng lớn ở nhiều tỉnh, thành phố nên bà con trồng rau ở địa phương rất yên tâm sản xuất.
Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm thường thải ra lượng lớn chất thải. Nếu không được xử lý triệt để, chất thải xả ra môi trường sẽ ảnh hướng đến sức khỏe con người cũng như các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, đồng thời còn là một trong những yếu tô gây ra các dịch bệnh phổ biến hiện nay. Đề giải quyết vấn đề này, nhiều cơ sở chăn nuôi hiện nay đã áp dụng công nghệ đệm lót sinh thái và thu được nhiều kết quả tích cực. Áp dụng công nghệ đệm lót sinh thái trong chăn nuôi
Cá hồi vân, tên khoa học là Oncorhynchus mykiss, là loài cá nước lạnh có giá trị kinh tế lớn, đặc biệt là các sản phẩm được chế biến từ thịt và trứng cá. Từ năm 2005, nước ta đã du nhập loài này và nuôi ở nhiều địa phương như: Sapa (Lào Cai), Lâm Đồng.., bước đầu mang lại hiệu quả lớn về kinh tế.