Giá / Tin thủy sản

Việt Nam là nguồn cung thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản

Việt Nam là nguồn cung thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản
Tác giả: Sơn Trang
Ngày đăng: 18/10/2021

Thủy sản Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản tăng về lượng trong 8 tháng đầu năm nay. Việt Nam đang là nguồn cung lớn thứ 3 cho thị trường này.

Việt Nam là nguồn cung thủy sản lớn thứ 3 cho thị trường Nhật Bản. Ảnh: TL.

Theo Cơ quan Hải quan Nhật Bản, 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản đạt 1,23 triệu tấn, trị giá 915,4 tỷ Yên (tương đương 8,16 tỷ USD), tăng 0,7% về lượng và tăng 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong tháng 8/2021, mức tăng nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản đã rõ rệt hơn so với tháng 7/2021. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Thái Lan, Ấn Độ tăng mạnh, trong khi nhập khẩu từ thị trường Chile và Hàn Quốc giảm mạnh.

Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Nhật Bản đạt 92 nghìn tấn, trị giá 696 triệu USD, tăng mạnh về lượng hơn so với 2 thị trường cung cấp lớn nhất cho Nhật Bản là Trung Quốc và Chile. Do đó, thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ 7,3% trong 8 tháng đầu năm 2020, lên 7,5% trong 8 tháng đầu năm 2021.

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản đã có dấu hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2021 khi tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Nhật Bản đang có những tín hiệu tích cực. Theo đó, ngày 10/10/2021, số ca nhiễm Covid-19 mới tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã giảm xuống còn 82 ca, mức thấp nhất kể từ ngày 19/10/2020.

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp và Biện pháp trọng điểm để ngăn chặn lây lan được ban hành tháng 4/2021 tại Nhật Bản đã được gỡ bỏ trên toàn quốc từ ngày 1/10/2021. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong bối cảnh dịch Covid-19 trong nước cũng đã cơ bản được kiểm soát. Hoạt động sản xuất của ngành thủy sản đang dần được khôi phục.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi tôm công nghệ cao - Thành công ngay trong đại dịch Nuôi tôm công nghệ cao - Thành công ngay trong đại dịch

Khi các tỉnh phía Nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 cũng là lúc giá tôm giảm dần.

18/10/2021
Cải tiến quy trình nuôi luân trùng Proales similis Cải tiến quy trình nuôi luân trùng Proales similis

Quy trình do PGS.TS Nguyễn Ngọc Phước và TS Lê Văn Bảo Duy (Khoa Thủy sản, Trường ĐH Nông Lâm, Đại học Huế) nghiên cứu thành công

18/10/2021
Nuôi tôm cỡ lớn nhanh - Giải pháp phục hồi hậu giãn cách Nuôi tôm cỡ lớn nhanh - Giải pháp phục hồi hậu giãn cách

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế – xã hội trong đó có ngành kinh doanh tôm. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tắc nghẽn

18/10/2021