Giá / Tin thủy sản

Nuôi tôm công nghệ cao - Thành công ngay trong đại dịch

Nuôi tôm công nghệ cao - Thành công ngay trong đại dịch
Tác giả: An Xuyên
Ngày đăng: 16/10/2021

Khi các tỉnh phía Nam bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 cũng là lúc giá tôm giảm dần. Trong thời điểm này, có rất nhiều hộ không bán được tôm hoặc thua lỗ vì giá xuống thấp. Tuy nhiên, những hộ nuôi tôm theo mô hình của C.P vẫn không hề nao núng nhờ nuôi được tôm về cỡ lớn, nhu cầu tiêu thụ và giá bán vẫn còn ở mức cao. Điển hình trong số đó là anh Nguyễn Hồ Nam, ở ấp 5, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Nuôi tôm size lớn

Anh Nam bắt đầu bén duyên nuôi tôm theo mô hình C.P từ năm 2018 và có những vụ nuôi thành công liên tiếp từ đó đến nay. Theo chia sẻ của anh Nam, từ khi chuyển sang nuôi TTCT theo mô hình này anh rất yên tâm vì hầu như tôm không hề bị rủi ro như khi nuôi ao đất trước đây. Tuy diện tích thực tế nuôi giảm đi hơn 80% do phải dành phần lớn cho khâu xử lý nước, nhưng nhờ mật độ thả nuôi hợp lý, tỷ lệ sống cao hơn, tôm nuôi về kích cỡ lớn hơn nên năng suất và lợi nhuận vẫn cao hơn trước rất nhiều lần. Anh Nam chia sẻ: “Nuôi theo mô hình này mình phải xiphong mỗi ngày để đảm bảo nước trong ao nuôi luôn sạch nên nhu cầu nước là rất lớn. Vì vậy, khâu trữ nước, xử lý đòi hỏi phải đủ lớn và được xem là rất quan trọng, quyết định đến thành công của mỗi vụ nuôi”.

Người viết vẫn còn nhớ tại Hội nghị vinh danh khách hàng C.P năm 2020, anh Nam là một trong số khách hàng được vinh danh nhờ thành tích nuôi tôm thành công có hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp nhất. Nhắc lại anh Nam chỉ cười khiêm tốn và nói: “Năm 2020 tôi chỉ mới nuôi tôm về được tới size 25 con/kg thôi, nhưng nhờ mình làm đúng theo quy trình kỹ thuật đã được cán bộ C.P hướng dẫn nên đến lúc thu hoạch tính lại FCR chỉ có 1,25. Do vậy mà có lợi nhuận khá cao nhờ giá thành tôm nuôi thấp. Từ kinh nghiệm nuôi đó, cộng thêm sự thường xuyên, tận tình hỗ trợ của nhân viên C.P phụ trách địa bàn nên vụ nuôi vừa rồi tôi thu hoạch tôm đạt size 22 con/kg. Kết hợp với nuôi tôm về size lớn nên dù bị giãn cách do dịch COVID-19 nhưng tôi vẫn bán được giá khá cao, tính ra vẫn còn lời khoảng 700 triệu đồng”.

Con đường đi tới thành công

Trở lại với câu chuyện nuôi nước nhiều hơn nuôi tôm khi chuyển sang nuôi theo mô hình C.P, anh Nam cho biết, dù tổng diện tích khu nuôi có đến 4 ha nhưng anh chỉ sử dụng có 1 ao 600 m2, 1 ao 1.000 m2 và 3 ao mỗi ao diện tích 1.200 m2, số còn lại dành cho ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng và khu xử lý nước thải, chất thải. Chia sẻ thêm kinh nghiệm thành công trong nuôi tôm theo mô hình C.P vừa qua, anh Nam cho biết thêm: “Chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học của C.P là rất tốt đã được chứng minh qua thực tế. Do đó, vấn đề quan trọng còn lại của người nuôi là phải xử lý nước cho thật tốt, đảm bảo môi trường ao nuôi thật sạch, chăm sóc tôm nuôi đúng theo quy trình kỹ thuật thì sẽ có được thành công”.

Dù chỉ mới trạc ngoài 30 tuổi, nhưng anh Nam đã gắn bó với nghề nuôi tôm khá lâu, từ mô hình nuôi ao đất lót bạt bờ cho đến mô hình nuôi ao bạt 2 – 3 giai đoạn CPF-Combine Model như hiện nay. Đó cũng là lý do để anh có sự so sánh, đi đến quyết định chọn mô hình, sản phẩm nuôi TTCT của C.P để làm hướng đi lâu dài, bền vững cho nghề nuôi tôm của mình.

Anh Nam tâm sự: “Nghề nuôi tôm càng lúc càng khó khăn vì thời tiết, môi trường, dịch bệnh và giá cả tiêu thụ thất thường nữa, nếu mình không chịu thay đổi suy nghĩ, cách làm thì khó mà có thể thành công được. Hiện cũng có nhiều mô hình nuôi tôm lót bạt 2 – 3 giai đoạn nhưng tôi vẫn chọn mô hình của C.P; vì ít rủi ro, tỷ lệ thành công cao, chủ động được mùa vụ và rất dễ bán được giá cao nhờ con tôm sạch và size lớn”.

Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch việc nuôi tôm của người dân càng khó khăn hơn khi ách tắc khâu tiêu thụ, giá nhiều thời điểm xuống thấp, hiệu quả nuôi không cao. Do đó, theo anh Nam, để thích ứng tốt với thị trường, người dân nên chọn mô hình nuôi có thể thu tôm nhiều size theo nhu cầu thị trường và một trong số đó là mô hình của C.P. Anh Nam đúc kết: “Với mô hình C.P mình có thể thu tỉa nếu thấy giá cả thuận lợi, còn không thì san thưa để nuôi về cỡ lớn. Nói chung là mình hoàn toàn chủ động được kích cỡ tôm lúc thu hoạch để cân đối lợi nhuận cho vụ nuôi”.


Có thể bạn quan tâm

Tối ưu tăng trưởng cá biển nuôi bằng việc bổ sung DHA hợp lý Tối ưu tăng trưởng cá biển nuôi bằng việc bổ sung DHA hợp lý

Đầu năm nay, các nhà khoa học Hàn Quốc đã đưa ra mức DHA tối ưu trong chế độ ăn của cá vẹt Nhật Bản. Và qua đó củng cho thấy Axit docosahexaenoic (DHA)

16/10/2021
Lưu ý thời điểm lột vỏ tôm Lưu ý thời điểm lột vỏ tôm

Xin tư vấn về thời điểm tôm lột xác và các lưu ý khi tôm lột để nhanh cứng vỏ? (Hoàng Xuân Tình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa)

16/10/2021
Bệnh máu nâu ở cá tra, cá basa Bệnh máu nâu ở cá tra, cá basa

Thức ăn chăn nuôi thừa và vật chất hữu cơ khác cũng phá vỡ và chuyển đổi thành ammonia, nitrite, nitrate theo một cách tương tự

16/10/2021