Prices / Tin nông nghiệp

Vì sao su su 300 đồng/kg vẫn ế phải đổ cho bò ăn, ủ làm phân bón?

Vì sao su su 300 đồng/kg vẫn ế phải đổ cho bò ăn, ủ làm phân bón?
Author: Cảnh Thắng
Publish date: Wednesday. February 15th, 2017

Sau Tết, giá lao dốc không phanh...

Bước vào vụ đông năm 2016, hàng trăm hộ nông dân ở tỉnh Nghệ An đã đầu tư cây giống và giàn để trồng cây su su. Đến vụ thu hoạch, hàng trăm hộ dân trồng su su kêu cứu vì giá rớt thảm và không bán được.

Tại xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai, những vườn su su vẫn đang sai trĩu, còn quả bị vứt bỏ nằm la liệt dưới đất hoặc gom thành đống không có người đến thu mua là cảnh tượng xót xa mà bà con nông dân tại đây đang chịu đựng.

Được biết, tại xã Quỳnh Liên, vụ đông năm 2016 có hơn 300 hộ dân trồng su su với diện tích hơn 80ha. Su su được trồng từ tháng 8 hằng năm và cho thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Đây được xem là một trong những loại cây nông nghiệp chủ đạo, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

Tuy nhiên, năm nay do thời tiết thuận lợi, nhiều loại cây trồng nông nghiệp được mùa nên su su không được giá là báo. Theo tìm hiểu, ngay từ đầu mùa, nông dân xã Quỳnh Liên vẫn bán được 5.000 -7.000 đồng/kg, nhưng từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, giá loại quả này rớt thảm hại chỉ còn 300 đồng/kg tại vườn.

“Năm nay gia đình tôi trồng hơn 3 sào su su, đầu tư hơn 30 triệu đồng mua giống và phân bón, làm giàn. Đến khi cây su su cho quả thì giá rớt thảm chỉ còn 300 đồng/kg. Giá như thế thì làm sao chúng tôi bán được. Chỉ mong có thương lái ở các tỉnh đến thu mua chứ nhìn cây su su sai trĩu quả mà chỉ để cho bò, dê ăn thì tôi thấy tiếc đứt ruột... Chắc mua su su năm nay gia đình tôi không thu được vốn rồi, chắc năm sau tôi không trồng loại cây này nữa” - anh Lê Văn Thắng, xóm 9, xã Quỳnh Liên, buồn bã cho hay.

Phóng viên NTNN trao đổi với ông Hồ Ngọc Tăng - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên về nguyên nhân khiến cho quả su su rớt giá thảm, ông nhận định: Do năm nay thời tiết khá thuận lợi, các loại rau quả phát triển tốt, những vùng khác su su cũng được mùa nên dẫn đến cung vượt quá cầu, giá cả hạ thấp. Tuy vậy, hiện tại mỗi ngày Quỳnh Liên vẫn xuất khoảng gần 100 tấn ra Hà Nội, ngoài ra nhập cho một số thương lái ở các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng… Nhưng lượng tiêu thụ này không đáng là bao so với sản lượng su su của người dân Quỳnh Liên.

Trồng theo quy hoạch và xây dựng thương hiệu

“Nhìn su su ra quả phải vứt bỏ xót xa lắm” - anh Lê Văn Thắng nói với phóng viên. Ảnh: C.T

“Cây su su là cây trồng chủ lực vụ đông của xã, nhiều năm liền đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con và địa phương. Cũng giống như năm ngoái, năm nay sau Tết Nguyên đán là quả su su rớt giá, khiến nhiều hộ nông dân ở địa phương trắng tay, thua lỗ. Sắp tới, chính quyền sẻ định hướng cho bà con nông dân trồng theo quy hoạch để tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Đồng thời chúng tôi đang trong quá trình xây dựng thương hiệu rau sạch cho su su để nâng cao giá trị sản phẩm...” - ông Hồ Ngọc Tăng cho biết thêm.

Phóng viên cũng đem câu chuyện su su được mua nhưng rớt giá trao đổi với ông Lê Công Thụ - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Hoàng Mai. Về hướng hỗ trợ nông dân khi quả su su rớt giá thảm, ông Thụ cho biết: “Tình hình đó chúng tôi đã nắm bắt được, tuy nhiên do kinh phí của Hội tại địa phương còn hạn chế nên không thể giúp đỡ nông dân được. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tham mưu cho chính quyền quy hoạch lại diện tích trồng cây su su để làm sao người nông dân ở đây có thu nhập ổn định”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết: Sắp tới Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo Hội Nông dân thị xã Hoàng Mai quy hoạch lại diện tích trồng cây su su. Đồng thời tổ chức hợp tác liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp; chẳng hạn từ khâu trồng, phân bón cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm... để tránh trường hợp nông dân bị các tiểu thương ép giá...

Giá xoài, nấm rơm tại Đồng Tháp cùng rớt

Hơn 1 tuần qua, giá xoài tại tỉnh Đồng Tháp có chiều hướng giảm mạnh so với trước Tết Nguyên đán 2017. Thời điểm hiện tại, xoài cát Hòa Lộc giá 90.000 đồng/kg (loại 1), giảm khoảng 30.000 đồng/kg, xoài cát chu 35.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với trước tết. Để người trồng xoài có thu nhập ổn định, ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn trồng xoài nên áp dụng các quy trình VietGAP và các biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng.

Tương tự mặt hàng xoài, nấm rơm đang giảm giá mạnh so với thời điểm trước tết. Theo nhiều hộ dân trồng nấm rơm tại huyện Lai Vung, giá nấm rơm bán tại ruộng đang giảm khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg. Cụ thể, nấm rơm loại 1 giá 40.000 - 45.000 đồng/kg, loại 2 giá 30.000 - 32.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ nấm rơm thời gian này cũng giảm khoảng 30%. Với mức giá như hiện tại, người trồng nấm rơm không còn lãi do chi phí tăng cao.

Theo lý giải, nguyên nhân giá nấm tại địa phương giảm là do thời gian gần đây nhu cầu sử dụng nấm rơm trên thị trường giảm mạnh, thêm vào đó là cạnh tranh khá lớn từ các tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh...


Related news

Ninh Thuận: Hướng đến xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao Ninh Thuận: Hướng đến xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao

Ngành Nông nghiệp đã tập trung triển khai nhiều chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững…

Wednesday. February 15th, 2017
Giải pháp nào cho chăn nuôi bền vững? Giải pháp nào cho chăn nuôi bền vững?

Năm 2016, Việt Nam có những biến động liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm,Và lúc này, khái niệm chăn nuôi bền vững được nhắc đến nhiều

Wednesday. February 15th, 2017
Chăn nuôi - trụ cột ngành nông nghiệp Chăn nuôi - trụ cột ngành nông nghiệp

Không phải vô cớ mà nhiều đại gia sẵn sàng bỏ hàng ngàn tỷ đồng để phát triển chăn nuôi, mà chủ yếu các nhà đầu tư dựa vào thị trường

Wednesday. February 15th, 2017