Prices / Tin nông nghiệp

Vì sao diện tích lúa Thơm RVT tăng nhanh ở ĐBSCL?

Vì sao diện tích lúa Thơm RVT tăng nhanh ở ĐBSCL?
Author: Đ.T.Chánh
Publish date: Friday. May 19th, 2017

Vừa du nhập vào ĐBSCL, nhưng do năng suất, chất lượng, hiệu quả và được đánh giá dễ tiêu thụ nên diện tích gieo cấy RVT đã tăng nhanh.

Ngày càng có nhiều cánh đồng lớn sản xuất lúa Thơm RVT tại ĐBSCL

Thơm RVT là một trong những giống lúa chất lượng cao thuộc nhóm giống lúa thơm ở Việt Nam. Giống đã được công nhận chính thức cho các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, sau đó Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) đã phối hợp với một số tổ chức, cá nhân đưa vào đánh giá sản xuất tại ĐBSCL từ năm 2013.

Vừa du nhập vào ĐBSCL, nhưng do năng suất, chất lượng, hiệu quả và được đánh giá dễ tiêu thụ nên diện tích gieo cấy RVT đã tăng nhanh. Điều tra tại 4 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An và Đồng Tháp- đại diện cho các vùng đất mặn ven biển, vùng phù sa ngọt và vùng đất phèn  cho thấy Thơm RVT được  người dân ở tất cả các điểm đánh giá là phù hợp và có tính chống chịu sâu bệnh hại khá (ít nhiễm sâu bệnh).  

Cụ thể, Thơm RVT nhiễm rầy nâu ở mức trung bình; chống chịu đạo ôn ở mức trung bình tương đương các đối chứng OM5451, OM4900, OM3673 và Nàng hoa 9; đặc biệt Thơm RVT chống chịu bệnh bạc lá tốt hơn hẳn so với 4 đối chứng, 3/4 điểm điều tra người dân đều đánh giá Thơm RVT chống chịu tốt với bệnh bạc lá.

Kết quả đánh giá sâu bệnh trong vụ Hè thu 2016 cho thấy, Thơm RVT có mức độ nhiễm sâu bệnh hại nhẹ hơn hẳn so với 2 giống đối chứng OM3673 và Nàng hoa 9 được gieo trồng phổ biến. Thơm RVT nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn và bạc lá (điểm 1-3), khô vằn (điểm 1), rầy nâu (điểm 3), giống cứng cây nên chống đổ tốt (điểm 1). Như vậy, Thơm RVT thể hiện tính chống chịu sâu bệnh tốt hơn so với các giống đối chứng đang trồng phổ biến tại địa phương.

Lúa Thơm RVT đang "phủ sóng" mạnh mẽ ở ĐBSCL

Ngày 23/5/2016, Bộ NN- PTNT đã phê duyệt đề án “Tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo đến 2020 và tầm nhìn 2030”, trong đó giải pháp KH- CN chọn tạo các giống vừa năng suất vừa chất lượng, chống chịu tốt với sâu bệnh hại và thích ứng biến đổi khí hậu được đặt lên hàng đầu. Thơm RVT hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí vừa nêu. Theo điều tra, rà soát của Cục Trồng trọt năm 2015, diện tích nhóm lúa thơm tại ĐBSCL đã chiếm trên 860.000 ha, chiếm trên 20% diện tích gieo trồng lúa cả năm; riêng giống lúa Thơm RVT đã chiếm gần 50.000 ha.

Điều đáng nói nhất ở giống lúa này là chất lượng gạo. Thơm RVT có tỷ lệ gạo xát tốt, tỷ lệ gạo nguyên thuộc nhóm rất tốt; hạt gạo thon dài, hàm lượng amylose thuộc nhóm thấp, đặc biệt có tỷ lệ gạo trắng trong cao (73,03%) nên thuộc nhóm giống chất lượng.

Giống Thơm RVT có cơm thơm nhẹ, mềm, dính, trắng, bóng và cơm ngon.  Với mục đích so sánh chất lượng Thơm RVT so với giống lúa thơm phổ biến tại vùng ĐBSCL, Vinaseed đã phối hợp cùng Viện Lúa ĐBSCL tiến hành phân tích chất lượng gạo cho thấy nhiều thông tin khá thú vị.

Cụ thể, so với Nàng hoa 9 thì Thơm RVT có tỷ lệ gạo trắng và gạo nguyên cao hơn (tỷ lệ gạo nguyên Thơm RVT đạt 60,6%; Nàng hoa 9 đạt 31,9%); hạt gạo thon dài và hàm lượng amylose 2 giống tương đương, phù hợp với tiêu chí gạo xuất khẩu.

Theo Viện Lúa ĐBSCL cơm của giống Thơm RVT có mùi thơm, độ mềm, độ dính và độ trắng, độ bóng cũng như vị ngon đều cao hơn so với Nàng hoa 9. Như vậy, xét về chất lượng cơm Thơm RVT có chất lượng hơn Nàng hoa 9.

Đây là lý do ngay từ năm 2013 giống lúa Thơm RVT đã được một số địa phương vùng ĐBSCL đưa vào sản xuất cho dù khi đó giống chưa được công nhận ở khu vực này. Kể từ đó, diện tích tăng qua các năm và các vụ.

Tại các tỉnh trải dài theo các vùng đất phù sa ngọt, vùng đất mặn ven biển, vùng đất phù sa hay phèn nội đồng trong cả 3 vụ Đông xuân, Hè thu và Thu đông tính đến năm 2016 tổng diện tích Thơm RVT đạt tới 84.327,4 ha.

Trong đó Sóc Trăng là tỉnh có diện tích gieo trồng cao nhất 37.061 ha và Cà Mau có diện tích gieo trồng thấp nhất 402,0 ha. Số liệu tổng hợp trên đã cho thấy tính thích ứng rộng rãi của giống Thơm RVT với tất điều kiện canh tác tại vùng ĐBSCL.

+ PGĐ Sở NN-PTNT Bạc Liêu Trịnh Hoài Thanh: Phát triển Thơm RVT thành vùng nguyên liệu lớn

Giống lúa thuần chất lượng cao Thơm RVT đã được Vinaseed trồng thử nghiệm thành công trên vùng đất chuyên lúa của tỉnh Bạc Liêu, đạt năng suất và cho chất lượng gạo tốt.

“Qua thực tế trồng thử nghiệm cho thấy giống lúa này thích nghi tốt với điều kiện sinh thái ở Bạc Liêu. Xét về mặt năng suất, Thơm RVT thuộc nhóm giống khá. Còn về phẩm chất thì đây là giống tốt, đáp ứng được các yêu cầu gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với nông dân để xây dựng cánh đồng lớn, hình thành vùng chuyên canh để cung cấp đủ nguyên liệu chế biến, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Thơm RVT – Bạc Liêu chẳng hạn”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu Trịnh Hoài Thanh đánh giá.

 Vụ ĐX 2015 - 2016, giống lúa này “Nam tiến” và đã trụ vững trên vùng đất Bạc Liêu ngay trong vụ đầu thử nghiệm. Theo ông Thanh, đây là giống lúa có triển vọng tốt, năng suất không hơn các giống cao sản tại địa phương nhưng chất lượng gạo tốt, đáp ứng được các nhu cầu chế biến gạo thơm xuất khẩu. Khi được đưa vào sản xuất chính thức, đây sẽ là giống lúa góp phần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Theo đánh giá của một số nông dân ở huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) tham gia trồng thử nghiệm Thơm RVT thì đây là giống lúa có khả năng thích ứng rộng, đẻ nhánh khá, khóm gọn, thời gian sinh trưởng 95-105 ngày (tùy theo vụ), cao cây từ 100-110 cm, lá đứng, dầy, chống đổ tốt, chống chịu khá với một số sâu bệnh hại chính như đạo ôn, khô vằn, bạc lá… Năng suất vụ ĐX đạt từ 7-75 tấn/ha, thích hợp cho chế biến xuất khẩu nên luôn bán được giá cao.

+ PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau Nguyễn Văn Tranh: Sẽ đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh

Theo ông Nguyễn Văn Tranh, giống lúa Thơm RVT đã được người dân địa phương đưa vào sản xuất từ năm 2015, cho đến nay diện tích đạt khoảng 4.000 ha/vụ. Nhìn chung, qua các vụ sản xuất, giống lúa này thích nghi tốt trên nền đất chuyên lúa của Cà Mau, cho năng suất ổn định, chất lượng gạo tốt nên giá bán thường cao hơn so với các giống lúa tại địa phương khoảng 1.000 đồng/kg.

Thời gian tới, tỉnh chủ trương đưa giống này trồng thử nghiệm trên nền đất tôm – lúa, nhằm đánh giá khả năng chịu mặn. Nếu thích nghi được sẽ khuyến cáo nông dân đưa vào sản xuất, vì giống lúa này có chất lượng gạo tốt, rất thích hợp sản xuất lúa sạch hưu cơ, mang lại giá trị kinh tế cao khi chế biến xuất khẩu vào thị trường khó tính.

“Lúc đầu, Thơm RVT mới được Vinaseed đưa vào sản xuất thử nghiệm tại một số tỉnh, trong đó có Cà Mau. Sau đó, nông dân thấy hiệu quả nên đã phát triển tự phát với diện tính lớn. Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, tôi đã được tham gia hội đồng đánh giá, đề nghị Bộ NN-PTNT đưa giống lúa RVT công nhận chính thức sản xuất tại phía Nam. Sau khi được Bộ NN-PTNT công nhận, cho sản xuất trên diện rộng ở ĐBSCL, tỉnh sẽ đưa Thơm RVT vào cơ cấu giống lúa khuyến cáo nông dân sản xuất”, ông Tranh cho biết.


Related news

Chuỗi cà phê ngoại và vị đắng! Chuỗi cà phê ngoại và vị đắng!

Mới đây, chuỗi cà phê nổi tiếng Gloria Jean’s Coffees của Úc đã nối gót chuỗi cà phê NYDC và Illy rời khỏi thị trường Việt Nam.

Friday. May 19th, 2017
Rau sạch Thành Nam từng bước tạo dựng được thương hiệu Rau sạch Thành Nam từng bước tạo dựng được thương hiệu

Tiêu biểu như mô hình trồng rau sạch công nghệ cao của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh (xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh).

Friday. May 19th, 2017
Lúa TBR225 'bén duyên' trên đồng Phú Thiện Lúa TBR225 'bén duyên' trên đồng Phú Thiện

Mặc dù chỉ mới được trồng ở địa phương một mùa vụ ĐX 2016- 2017 nhưng TBR225 đã được đông đảo bà con nông dân chú ý.

Friday. May 19th, 2017