Prices / Tin thủy sản

Vì sao cá đang nuôi, bỗng chết hàng loạt?

Vì sao cá đang nuôi, bỗng chết hàng loạt?
Author: NGÔ CHUẨN
Publish date: Wednesday. June 1st, 2016

Chết trắng ao chỉ trong một đêm

Gần UBND xã Lương An Trà, có ao cá rộng khoảng 14 công đất (14.000m2), được đầu tư khá hiện đại. Đây được xem là ao cá có quy mô lớn nhất trên vùng đất mà nghề nuôi cá vẫn còn xa lạ, nông dân chỉ quen làm lúa. Ao nuôi được đầu tư hệ thống điện hoàn toàn, bao gồm moteur bơm nước từ kênh Tám Ngàn vào ao, quạt nước tạo oxy, hệ thống bóng đèn treo trên mặt ao (nhằm tập trung côn trùng vào ban đêm cho cá ăn)… Ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Lương An Trà, cho biết, ao cá do một số cán bộ, công chức xã cùng cải tạo và hùn vốn thả nuôi được khoảng 2,5 tháng đã đầu tư trên 300 triệu đồng, dự kiến khoảng 1,5 tháng nữa sẽ thu hoạch.

Khoảng 3 giờ sáng 11-5-2016, người nuôi phát hiện cá đột ngột chết hàng loạt, nổi trắng trên mặt nước, số lượng vớt lên hơn 6 tấn. Những ngày tiếp theo, cá tiếp tục nổi lên chết lai rai. “Không những cá he, cá mè vinh bị chết nhiều mà 150 con cá hô được thả nuôi hơn 1 năm nay, đạt trọng lượng từ 3-4 kg/con, cũng chết luôn. Hiện nay, dưới ao còn chưa tới 10% số cá (chủ yếu là cá nhỏ) là sống sót. Với gần 1 tấn cá giống (he và mè vinh) thả nuôi, nếu không xảy ra sự cố, có thể cải thiện thu nhập đáng kể cho các cán bộ, công chức hùn vốn nuôi” – ông Vĩnh thông tin.

Theo Chủ tịch UBND xã Lương An Trà, từ lúc thả nuôi đến nay, cá vẫn phát triển bình thường, không xuất hiện dịch bệnh. Nguồn nước cung cấp cho hầm cá được lấy trực tiếp từ kênh Tám Ngàn luôn sạch, không ô nhiễm. Ngay sau khi xảy ra sự cố, đại diện Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Tâm Sông Việt (xã Vĩnh Hanh, Châu Thành), đơn vị cung cấp thức ăn nuôi cá và cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn đã xuống lấy mẫu nước, mẫu cá chết để kiểm nghiệm, tìm nguyên nhân.

Kỳ vọng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp

Ở xã Lương An Trà còn nhiều diện tích đất do Nhà nước quản lý nhưng do đặc tính đất còn nhiễm phèn, sản xuất nông nghiệp không mấy hiệu quả. Theo ông Nguyễn Hoàng Vĩnh, đối với những diện tích đất gần UBND, trước đây có cho thuê trồng sen nhưng năng suất không cao. Địa phương đã xin chủ trương cấp trên, thuê lại để cải tạo thành ao nuôi cá. “Do địa hình đất lồi lõm nên chi phí cải tạo 14 công đất cũng hơn 100 triệu đồng. Năm 2015, anh em thử nuôi cá sặc rằn nhưng có vẻ như điều kiện không phù hợp, năng suất thấp. Tuy nhiên, số cá mè vinh, cá he con theo máy bơm từ kênh Tám Ngàn vào ao nuôi lại phát triển tốt. Thấy vậy, anh em quyết định chuyển hướng sang nuôi cá he và cá mè vinh. Qua tự nghiên cứu, biết loài cá trắng cần nhiều oxy nên chúng tôi đầu tư thêm máy quạt nước, bơm nước vào thường xuyên, mắc bóng đèn thu hút bồ hong, côn trùng, tạo thức ăn tự nhiên cho cá ban đêm… Khi nước có dấu hiệu dậy phèn thì xử lý rải vôi bột để lắng xuống” – ông Vĩnh chia sẻ.

Vào cao điểm nắng nóng từ khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5, nhận thấy nước trong ao quá nóng, nhân viên nuôi chỉ dám cho cá ăn vào sáng sớm và chiều tối. Tuy vậy, cá vẫn chết đột ngột. “Việc thí điểm cải tạo ao nuôi cá là phù hợp với quy hoạch của huyện về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Nếu không xảy ra sự cố bất thường, với 4 tháng thả nuôi, mô hình này sẽ cho hiệu quả cao hơn rất nhiều so với các mô hình trồng trọt khác. Một số cán bộ, công chức xã đang hùn vốn cải tạo thêm ao nuôi cá cặp bên ao nuôi hiện tại với diện tích tương đương. Tuy nhiên, khi thấy cá chết hàng loạt, nhiều anh em cũng ngán ngại, phần vì hụt vốn, phần vì lo nuôi tiếp chẳng biết có hiệu quả không” – Chủ tịch UBND xã Lương An Trà phân vân.

Ông Vĩnh cho biết, theo quy hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, trên địa bàn xã dự kiến sẽ phát triển 30 héc-ta nuôi thủy sản. “Bà con đang chú ý vào ao nuôi hiện tại gần UBND xã để có thể học tập, nhân rộng. Nếu mô hình này thành công thì địa phương mới dám tuyên truyền cho người dân cùng chuyển đổi. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng tỉnh, huyện có giải pháp hỗ trợ về vốn, tư vấn kỹ thuật, khuyến cáo về thời điểm, mật độ thả nuôi, cách xử lý trước diễn biến thời tiết bất thường để anh em có thể yên tâm đầu tư” – ông Vĩnh kỳ vọng.

Theo kiểm tra của Công ty Tâm Sông Việt, mẫu cá, mẫu nước lấy từ ao nuôi ở xã Lương An Trà không có hiện tượng ngộ độc, các chỉ số H2S, sinh hóa đều trong ngưỡng cho phép. Nguyên nhân ban đầu có thể là do mật độ nuôi dày, cá bị thiếu oxy do nắng nóng kéo dài.


Related news

Chưa phải là bất lợi! Chưa phải là bất lợi!

Giá tôm từ đầu năm đến nay luôn ở mức khá cao, nhưng phần lớn người nuôi không có tôm để bán. Nguyên nhân chính là do tình hình năng nóng gay gắt và độ mặn tăng cao, khiến người nuôi dè chừng, chỉ dám thả nuôi thăm dò, đành tiếc rẻ nhìn cơ hội trôi qua.

Wednesday. June 1st, 2016
Đắng cay hạt muối miền Trung một tấn muỗi lãi 4 bát phở! Đắng cay hạt muối miền Trung một tấn muỗi lãi 4 bát phở!

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ NNPTNT trình Chính phủ phương án cụ thể về tạm trữ muối. Trước đó, các địa phương ở miền Trung đã kiến nghị Bộ NNPTNT, Chính phủ xem xét hỗ trợ bà con diêm dân tạm trữ muối. Phía Bộ NNPTNT đề xuất mua tạm trữ 200.000 tấn...

Wednesday. June 1st, 2016
Cá ngừ đại dương rớt giá Cá ngừ đại dương rớt giá

Những ngày gần đây, ngư dân trên các tàu câu cá ngừ đại dương của Khánh Hòa khi cập cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) đều kém vui bởi sản lượng khai thác đạt thấp, cá rớt giá.

Wednesday. June 1st, 2016