Prices / Trồng lúa

Ve đen hại lúa

Ve đen hại lúa
Author: ThS. Phan Anh Thế
Publish date: Saturday. May 16th, 2020

Những năm qua, các vùng trồng lúa tại khu vực các tỉnh miền Bắc thường xuyên xuất hiện một loài ve đen gây hại, nông dân quen gọi là “ve đen 8 chấm”.

Triệu chứng gây hại của ve đen 8 chấm nhìn từ xa, tại Yên Thành, Nghệ An, 2020.

Đây là loài dịch hại nông nghiệp tuy không mới, nhưng các thông tin còn quá xa lạ với nông dân Việt Nam.

Chúng chích hút nhựa cây và gây vàng lá lúa thành từng cụm có thể từ một vài khóm lúa đến cả một khoảnh ruộng. Triệu chứng vàng lá rất dễ nhầm lẫn với bệnh vàng lá chín sớm do nấm Gonatophragmium sp, nếu nhìn từ xa chúng ta cũng có thể nhầm lẫn với bệnh vàng lá di động do virus RTYV hoặc triệu chứng ban đầu của bệnh bạc lá vi khuẩn.

Tập tính loài ve đen 8 chấm chỉ tập trung gây hại các khu ruộng gần bờ, đặc biệt các thửa ruộng giáp với đồi núi, bụi cây, trên các lá lúa phía trên, lá có bản to… Sau khi gây hại xong chúng về đó trú ngụ, nên chỉ phát hiện thấy chúng trên ruộng lúa chủ yếu buổi chiều tối.

Ve đen xuất hiện tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Chúng gây ra triệu chứng vàng nhưng không lùn lụi, để chúng ta phân biệt với bệnh vàng lá di động do virus RTYV. Chỉ vàng một số lá chúng gây hại, khi quan sát từ xa chúng ta thấy một khu ruộng lá vàng, nhưng khi quan sát từng khóm lúa, lá vàng này chỉ ở một số lá, tập trung các lá phía trên, các lá có bản lá to, dài.

Triệu chứng ve đen 8 chấm gây hại làm vàng ngọn lá lúa nhưng không có điểm khởi phát vết đốm như bệnh vàng lá do nấm Gatophragmium sp. Ve đen gây hại làm lá lúa vàng cả phiến lá nhưng gân lá vẫn xanh, chóp lá thường bị vàng toàn bộ nếu hai bên phiến lá cùng bị chích hút.

Đối với triệu chứng vàng do bệnh bạc lá vi khuẩn, khi bị khô, vàng thì phần trên cùng của lá sẽ cong hóp hình lòng mo (nông dân quen gọi hóp mo cau) còn do ve đen gây hại không có triệu chứng cong hóp phần trên của lá như bệnh do vi khuẩn.

Ve đen 8 chấm gây hại trên lúa tại huyện Anh Sơn, Nghệ An, 2020.

Đối tượng gây hại là một loài ve, thuộc họ ve sầu bọt Cercopidae, có tên khoa học là Callitettix versicolor được Fabricius phân loại năm 1794. Chúng phân bố chủ yếu ở Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Campuchia, Lào và Thái Lan và gây hại chủ yếu trên lúa và ngô.

Tên địa phương mỗi nơi gọi bằng những tên khác nhau, thế giới gọi là “bọ xít lúa”, tuy nhiên nếu gọi tên này ở Việt Nam dễ nhầm tưởng với bọ xít dài hại lúa (Leptocorisa acuta) và một số loài bọ xít khác. Vì vậy, chúng ta có thể gọi bằng tên tiếng việt là “ve đen 8 chấm” như nông dân vẫn sử dụng nhiều năm qua.

Giai đoạn sâu non, ve đen 8 chấm được bao bọc bởi một khối bọt, khối bọt này rất dễ vỡ, mỗi khối bọt có thể có từ 1-8 con non, thông thường 1-2 con, giai đoạn này chúng ăn rất mạnh. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, khối bọt này có chứa một số loại pheromon và có liên quan đến hành vi tập trung của loài này.

Ruộng lúa bị ve đen gây hại tại Nghệ An.

Một số trong sáu hợp chất được xác định trong khối bọt được tạo ra bởi Callitettix versicolor có vai trò là pheromone tổng hợp trong một số loài thuốc bộ cánh nửa. Ngoài ra khối bọt này có thể chứa đến 4 loài khác nhau. Chúng ta cần lưu ý điểm này, thứ nhất là chúng có tập tính gây hại tập trung, thứ 2 là nếu kiểm tra khối bọt có thể có nhiều loài khác nhau.

Trong một số năm gần đây, một số tỉnh phía Bắc đều ghi nhận thấy loài này gây hại trên lúa. Vụ xuân 2020 tại Nghệ An xuất hiện rải rác các huyện như Anh Sơn, Yên Thành, Diễn Châu,… mức độ không lớn, chỉ cục bộ một số thửa ruộng. Chủ yếu trong vụ xuân hàng năm, giai đoạn lúa đòng - trỗ.

Đây là loài sâu hại còn rất ít thông tin phổ biến tại nước ta, sau đây là một số biện pháp quản lý ve đen 8 chấm:

Nhận diện đối tượng ve đen 8 chấm bằng quan sát khá đơn giản. Cơ thể chúng có màu đen, trên cánh có 8 chấm màu, gồm 4 chấm màu trắng phía trước và 4 chấm màu đỏ phía sau cánh, được phân bố đều 2 bên.

Khi các khu ruộng gần bờ thấy lá lúa vàng thì tiến hành kiểm tra, nên kiểm tra đồng ruộng vào buổi chiều, kiểm tra vùng xuất hiện hiện tượng lá vàng, các vùng ruộng gần bờ.

Nên phát quang bờ cỏ, bụi rậm quanh các thửa ruộng, hạn chế nơi trú ẩn của của chúng.

Điều tra phát hiện, xác định mức ảnh hưởng, tiến hành phun phòng trừ nếu cần thiết, chỉ cần phun thuốc khu vực có triệu chứng, không cần phun cả thửa ruộng.

Vì là côn trùng chích hút và không hiện diện liên tục trên ruộng, nên chúng ta chỉ nên sử dụng các thuốc có khả năng nội hấp (lưu dẫn). Có thể sử dụng thuốc có chứa hoạt chất thiamethoxam, imidacloprid,…để phun phòng trừ nếu cần thiết.


Related news

Biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô, lúa vụ Đông Xuân Biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại ngô, lúa vụ Đông Xuân

Bệnh lùn sọc đen hại lúa, ngô là bệnh do virus gây ra, có khả năng gây mất trắng trên diện tích lớn. Bệnh bắt đầu gây hại nặng từ vụ mùa năm 2017 đến nay

Saturday. May 16th, 2020
Phòng chống bệnh đạo ôn lúa, khó mà dễ Phòng chống bệnh đạo ôn lúa, khó mà dễ

Không có vụ lúa xuân nào ở Nghệ An không bị bệnh đạo ôn phá hoại với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau.

Saturday. May 16th, 2020
Phòng trừ sâu cắn gié hại lúa Phòng trừ sâu cắn gié hại lúa

Lúa trong giai đoạn chuẩn bị làm đòng đến trổ bông ngoài bệnh đạo ôn, cuốn lá, rầy nâu thì bệnh sâu cắn chẽn (sâu cắn gié) có thể gây hại trên diện rộng.

Saturday. May 16th, 2020