Prices / Mô hình kinh tế

“Vàng Nổi” Vải Thiều Muộn Tân Sơn (Bắc Giang)

“Vàng Nổi” Vải Thiều Muộn Tân Sơn (Bắc Giang)
Author: 
Publish date: Friday. July 5th, 2013

Khi hầu hết các vườn vải thiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thu hoạch xong, thì những vườn vải thiều ở hai thôn Hóa và Hả, xã vùng cao Tân Sơn của huyện lại bắt đầu chín đỏ. Nhờ thế mà giá bán cũng cao gấp hai, gấp ba lần so với vải thiều chính vụ, giúp bà con kiếm được bội tiền từ quả vải thiều…

Những ngày đầu tháng 7, khi vụ thu hoạch vải thiều ở khu vực các xã vùng thấp của huyện Lục Ngạn cơ bản đã kết thúc thì tại xã vùng cao Tân Sơn, hoạt động thu hoạch và tiêu thụ vải thiều của nhân dân mới bắt đầu trở nên nhộn nhịp. Người dân kìn kìn chở vải thiều ra khu vực phố chợ - trung tâm xã tiêu thụ làm cho không khí thu mua vải thiều diễn ra sôi động.

Hàng chục “đại lý” thu mua vải thiều chủ yếu của thương nhân Trung Quốc mới rời vùng thấp lên đây để “ăn hàng” vải thiều đẹp Tân Sơn với giá cao từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, cảnh mua bán vải thiều tấp nập nhiều khi tắc cả Quốc lộ 279 đoạn qua khu vực này.

Trong ba năm gần đây, nhờ người dân xã vùng cao Tân Sơn chịu khó học hỏi kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật nhằm áp dụng vào chăm sóc cây vải thiều, nhất là những kiến thức trong sản xuất vải thiều chín muộn hiệu quả nên giá trị thu về từ quả vải thiều nơi đây đã tăng cao gấp nhiều lần so với trước.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đạo, ở thôn Hả có vườn vải thiều rộng 2 ha với 500 cây cho thu hoạch. Cách đây 4 năm, do chưa biết cách chăm sóc cây vải thiều hiệu quả nên năng suất, chất lượng quả vải thiều nhà ông đạt thấp, theo đó số tiền thu về từ bán vải thiều cũng chẳng được là bao.

Có khi ông Đạo chở 1 tạ vải thiều từ nhà xuống tận trung tâm xã Biên Sơn (cách xa khoảng 30 km) tiêu thụ nhưng tiền bán vải thiều xong chỉ đủ đổ xăng xe và mua được 2 cân thịt lợn(!) Nhưng vụ vải thiều 2013 thì mọi chuyện đã khác. Vườn vải thiều nhà ông Đạo ước cho sản lượng khoảng 15 tấn quả, đến nay gia đình ông mới thu hoạch được hơn 10 tấn. Với giá bán bình quân 25 nghìn đồng/kg, đã thu về cho gia đình ông được trên 250 triệu đồng.

Gần đó, gia đình anh Nguyễn Văn Dưỡng vụ này cũng dự kiến thu hoạch trên 10 tấn vải thiều tươi. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày nhà anh Dưỡng thu hái được khoảng 5 tạ quả và bán được giá từ 28 - 30 nghìn đồng/kg. Anh Dưỡng phấn khởi cho biết, có chuyến vải thồ nặng 1,7 tạ, anh bán được giá cao và thu về gần 5 triệu đồng.

Ông Nông Minh Đúng, Trưởng thôn Hả, xã Tân Sơn cho biết, thôn Hả rộng vào bậc nhất của xã, với 202 hộ dân sinh sống. Vụ vải thiều năm nay, thôn có gần 70 ha vải thiều cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 350 tấn, giảm 50 tấn so với vụ trước. Kéo lại, vải thiều năm nay tiêu thụ thuận lợi và được giá cao.

Nếu tính với giá bình quân 25 nghìn đồng/kg, thì người dân trong thôn sẽ thu về hơn 8,7 tỉ đồng từ cây vải thiều. Trong đó, tiêu biểu những hộ có thu nhập cao từ 200 triệu đồng trở lên như gia đình các ông: Nguyễn Xuân Vạt, Đoàn Văn Sắc, Nông Văn Mau, Nông Văn Mùa, Nguyễn Văn Hiến …

Không chỉ có làng Hả sản xuất vải thiều chín muộn hiệu quả, mà hiện nay bà con ở thôn Hoá, xã Tân Sơn cũng vậy. Đơn cử như gia đình ông Lường Văn May, có vườn vải thiều rộng gần 2 mẫu với 200 cây vải thiều cho thu hoạch. Trong ba năm gân đây, chưa khi nào vườn vải nhà ông May bị mất mùa, sản lượng luôn đạt từ 8 - 12 tấn quả/năm.

Không những vậy, do ông May đã biết cách chăm sóc quả vải thiều chín muộn cho mẫu mã đẹp, chất lượng quả cao nên gia đình ông luôn bán được giá cao. Điển hình vụ vải năm 2012, gia đình ông thu hoạch được 12 tấn quả, bán được giá bình quân 26 nghìn đồng/kg, thu về trên 300 triệu đồng.

Còn vụ vải năm nay, vườn nhà ông May cũng cho thu hơn 10 tấn quả và đang bán được giá cao từ 28- 30 nghìn đồng/kg. Ông May phấn khởi cho biết, trung bình mỗi cây vải cho thu hoạch được từ 1,2- 1,5 tạ quả, trị giá gần 4 triệu đồng/cây. "Đúng là “vàng nổi” rồi chứ làm gì có cây nào trồng trên đất này cho giá trị cao hơn được nữa", ông May tâm đắc nói.

Ông Chu Văn Then, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, tổng diện tích vải thiều của xã hiện có hơn 660 ha. Năm nay, do vải bị mất mùa nên sản lượng ước chỉ đạt 1.500 tấn quả tươi (giảm 500 tấn so với vụ trước), trong đó sản lượng vải tâp trung chủ yếu ở hai thôn Hoá và Hả. Tuy bị mất mùa nhưng bù lại việc tiêu thụ vải thiều rất thuận lợi. Người dân chỉ việc chở vải thiều ra ngay trung tâm xã bán cho thương nhân Trung Quốc mà vẫn được giá cao, không phải vận chuyển đi xa hơn 30 km mới tiêu thụ được như những năm trước.

Thời gian tới, Đảng uỷ, UBND xã Tân Sơn sẽ thành lập Hội làm vườn trong xã, đồng thời tổ chức hội nghị mời những hộ có kinh nghiệm sản xuất vải thiều muộn hiệu quả lên truyền đạt kỹ thuật cho những hộ chưa biết làm. Từ đó nhân rộng mô hình sản xuất vải thiều chất lượng cao ra toàn xã.


Related news

Làm Giàu Nhờ Liều Làm Giàu Nhờ Liều

Từ một thanh niên chăn bò, chỉ sau vài năm chuyển sang nuôi động vật quý hiếm, Trương Thanh Phúc (29 tuổi, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã có của ăn của để.

Friday. July 5th, 2013
Nuôi Lợn Trên Đệm Lót - Cách Để Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Lợn Trên Đệm Lót - Cách Để Bảo Vệ Môi Trường

Người chăn nuôi ở Bình Thuận đang triển khai mô hình chăn nuôi lợn trên đệm lót để giữ ấm cho vật nuôi, giảm ô nhiễm môi trường.

Friday. July 5th, 2013
Nông Dân Krông Pa Lại Lao Đao Với Cây Mỳ Nông Dân Krông Pa Lại Lao Đao Với Cây Mỳ

Sau vài vụ được mùa, được giá, thì đột nhiên giá mỳ mùa này rớt thê thảm khiến hàng nghìn nông dân ở Krông Pa (Gia Lai) phải đắng họng vì thua lỗ. Lối thoát được trông đợi nhất là Nhà máy mỳ Phú Túc lại “làm eo” quay lưng với lợi ích của nông dân trong khi đó diện tích trồng mỳ toàn huyện đã tăng lên chóng mặt…

Friday. July 5th, 2013