Vấn Đề Tái Canh Khiến Nông Dân Trồng Cà Phê Đau Đầu
Tại Đăk Lăk, nơi chiếm giữ 1/3 diện tích cà phê cả nước, tái canh vẫn đang là chuyện của riêng nông dân, trong khi doanh nghiệp, chính quyền còn đứng ngoài cuộc.
Đứng thứ 2 về sản lượng cà phê cung cấp cho thị trường thế giới nhưng cà phê Việt Nam lại đối mặt với nhiều vấn đề. Trong hơn 600.000 ha cà phê đang sản xuất thì hiện có khoảng 25 - 30% diện tích già cỗi ở mức từ 15 - 25 năm.
Theo nhiều chuyên gia, nếu không khẩn trương phá bỏ và trồng lại (tái canh) thì trong 5-10 năm tới sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm một nửa. Thế nhưng, sống bằng gì trong 4 - 5 năm đầu thực hiện tái canh và vốn đâu để thực hiện tái canh khi 1 ha phải đầu tư ở mức trên trăm triệu, nhiều nông dân đã không có câu trả lời.
Chặt bỏ cà phê già năng suất thấp là công việc của anh Hào mấy năm nay. 2 ha cà phê mà anh nhận khoán từ công ty cà phê Eaktur đến giờ cây nào cũng xấp xỉ 30 tuổi.
Anh Hào muốn phá bỏ hết trồng lại thì công ty chưa có chủ trương mà cũng không hỗ trợ. Vì thế, để có thu nhập và để mỗi năm có đủ 2 tấn cà phê tươi nộp cho công ty cũng như thuế đất nông nghiệp, anh Hào đành phải chuyển đổi ít một. Cố lắm thì mỗi năm anh cũng trồng tái canh được 10 - 15 gốc. Chỉ có điều kết quả cà phê tái canh lại rất hạn chế vì anh không có đủ điều kiện kinh tế để làm đúng quy trình.
Anh Phạm Bá Hào, xã Eaning, huyện Cư Kuin, Đăk Lăk chia sẻ: “Tôi chỉ áp dụng một nửa quy trình vì quy định của công ty là cây chết phải trồng lại ngay không cho đất nghỉ. Trong khi đó, vốn lại khó khi hiện nay chúng tôi chưa có một ưu đãi gì, may thì vay được anh em, còn không phải vay lãi ngoài với lãi suất cao”.
Còn ông Thắng, đến thời điểm này đã bỏ ra hơn 100 triệu để làm tái canh 5 ha cà phê. Theo quy trình thì phải bỏ ra 2 - 3 năm luân canh cây trồng khác nhưng ông Thắng làm theo cách của mình là trồng lại ngay cà phê.
Đến giờ, 20% số gốc vẫn phải trồng đi trồng lại vì mắc bệnh. Tự làm tái canh, tự chịu hậu quả, thế nhưng ông Thắng vẫn băn khoăn về việc tại sao các công ty cà phê trên địa bàn có đất giao khoán cho những người dân như ông lại đứng ngoài cuộc.
Ông Trần Hữu Thắng cho biết: “Cây cà phê chu kỳ 25 năm nhưng nhà tôi kéo dài đến 30 năm. Tôi đã viết đơn nhiều lần lên công ty nhưng họ không cho phá. Gia đình tôi vẫn liều phá đi để tái canh mà nông trường vẫn bắt nộp sản”.
Cả xã Eaning có hơn 1.000 ha nhưng có đến một nửa là cà phê già được trồng từ năm 1986. Điều đáng nói là ở xã có đến 3 công ty cà phê quản lý đến 80% diện tích nên việc triển khai tái canh còn rất chậm trễ.
Theo lãnh đạo xã, thực tế rất khó kết hợp chủ trương tái canh của chính quyền đối với đất và người dân nhận khoán thuộc các công ty cà phê vốn là những nông lâm trường trước đây.
Ông Nguyễn Xuân Phương, chủ tịch UBND xã Eaning nói: “Đối với chính quyền địa phương rất khó xử lý trong vấn đề này. Nếu thực hiện theo đề án của Chính phủ về tái canh cây cà phê thì xã không phải người quản lý trực tiếp đất và người dân cũng không trực tiếp làm được vấn đề này mà chỉ phụ thuộc vào chủ trương của Tổng công ty cà phê đưa ra”.
Chính sách cho thực hiện tái canh chỉ mới được tháo gỡ khi gần đây, lần đầu tiên Bộ NN&PTNT ban hành quy trình tái canh cà phê vối. Tiếp đến, ngân hàng Agribank cam kết hỗ trợ gói tín dụng hơn 10.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay khoảng 10 - 10,5%/năm.
Ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng: “Với lãi suất 10 - 10,5% vẫn chưa đủ kích thích để nông dân thực hiện tái canh nên có những ưu đãi hơn. Ví dụ, áp dụng lãi suất huy động và phần lãi của ngân hàng thì Nhà nước trả lại cho ngân hàng, điều này giúp ngân hàng tích cực cho vay”.
Theo tính toán của Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì năm 2015 Việt Nam sẽ có 200.000 ha cà phê già cỗi và năm 2017 là 350.000 ha, chiếm 60% diện tích cà phê cả nước. Thực tế đã ở mức cấp bách nhưng tại nhiều nơi, chuyện tái canh cà phê lại mới chỉ được đặt ra với một kế hoạch còn nhiều chắp vá.
Related news
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức áp thuế chống trợ cấp đối với con tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ chịu mức thuế chung là 4,52%. Hệ lụy của việc áp thuế này, vựa tôm sú ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn và thách thức mới.
Sản phẩm cá tra xuất khẩu đã rơi vào tình trạng thừa, thị trường xuất khẩu khó khăn vì rào cản thương mại, kỹ thuật. Làm gì để phát triển bền vững ngành cá tra là vấn đề một lần nữa được đặt ra tại Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL ngày 21-8, tại TP Cần Thơ. Dịp này, Tổng Cục thủy sản trình bày Dự thảo về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và lấy ý kiến đóng góp từ các DN.
Do diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp, nhiều người dân ở xã Dương Hoà (Thừa Thiên Huế) nuôi trâu, bò bằng cách chăn thả rong trong rừng, thỉnh thoảng mới vào kiểm kê và thăm nom. Nắm được quy luật này, bọn trộm trâu đã ra tay khiến người dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng.