Giá / Mô hình kinh tế

Ưu Tiên Phát Triển Sản Xuất

Ưu Tiên Phát Triển Sản Xuất
Tác giả: 
Ngày đăng: 29/06/2012

Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa giống mới và cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân là những nội dung được ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Phú Xuyên.

Nâng cao hiệu quả canh tác

Vụ thu hoạch lúa Xuân 2012 tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên vừa kết thúc trong niềm vui được mùa của bà con nông dân. Đây là vụ đầu tiên xã Đại Thắng triển khai mô hình thí điểm gieo mạ khay và cấy lúa bằng máy. Anh Nguyễn Văn Mạnh, thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng phấn khởi cho biết, lúa cấy bằng máy nhanh bén rễ, ít sâu bệnh và tỷ lệ bông hữu hiệu cao hơn cấy tay, năng suất đạt trên 70 tạ/ha.

Ông Trần Ba Cao, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Thắng, xã Đại Thắng cho biết, vụ Xuân 2012 xã triển khai thí điểm mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng máy cấy trên diện tích 5ha với giống lúa Hương Ưu 3068. Qua vụ đầu tiên, năng suất lúa đạt trung bình 73 tạ/ha, cao hơn 5 – 7% so với cấy tay. 

Hơn nữa, nhờ giảm được lượng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận đạt được khi canh tác theo phương pháp này là 17,7 triệu đồng/ha, cao hơn 7 triệu đồng/ha so với cấy lúa truyền thống. Nhờ những chuyển biến trong sản xuất, đến nay thu nhập đầu người của người dân trên địa bàn xã đạt 17 triệu đồng/người/năm, cao hơn 5 triệu đồng so với thời điểm khi bắt tay vào xây dựng NTM năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã cũng chỉ còn 2,9%.

Ngoài xã Đại Thắng, trong vụ Mùa 2012, huyện Phú Xuyên tiếp tục triển khai chương trình gieo mạ trên khay, cấy lúa bằng máy tại 8 xã Nam Phong, Văn Hoàng, Bạch Hạ, Khai Thái, Phú Túc, Tri Trung, Chuyên Mỹ và thị trấn Phú Xuyên với tổng diện tích 100,5ha. Nhiều mô hình luân canh lúa – cá – vịt, trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc tập trung cũng đang được nhân rộng. “Huyện đã xác định lấy hai khâu đột phá trong quá trình xây dựng NTM là cơ giới hóa nông nghiệp và xây dựng quy ước NTM” – ông Nguyễn Đình Chiêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho hay.

Ưu tiên đầu tư

Dự kiến, vụ Mùa 2012 xã Đại Thắng sẽ triển khai cơ giới hóa trong khâu cấy tại cả 4 thôn trên địa bàn xã với diện tích 32ha. Ông Nguyễn Đức Soát, Bí thư Đảng ủy xã Đại Thắng cho biết, từ nay đến hết năm, nguồn vốn huy động được sẽ tập trung và các dự án phục vụ sản xuất. Cụ thể như phát triển lúa hàng hóa, cơ giới hóa nông nghiệp, ngành nghề, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông thủy lợi và cứng hóa một số tuyến kênh mương chính…

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Đình Chiêu cũng nhấn mạnh, huyện đã chỉ đạo các địa phương bố trí cơ cấu nguồn vốn hợp lý, ưu tiên cho công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng thu nhập cho người nông dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai đề án cơ giới hóa trong nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2014, toàn huyện có 50 – 60% diện tích lúa sử dụng máy cấy. Đây là giải pháp để đồng bộ hóa sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao và chuyển dịch cơ cấu lao động.

Với mức công suất mỗi máy cấy khoảng 10 – 15ha/vụ, để đảm bảo yêu cầu sản xuất, theo tính toán, huyện Phú Xuyên sẽ cần khoảng 400 – 450 máy cấy. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ 50% từ đề án khuyến nông của thành phố, huyện Phú Xuyên dự kiến sẽ hỗ trợ 10% và yêu cầu các xã đầu tư 10 – 15% để mua máy cấy. Như vậy, người nông dân chỉ phải bỏ ra khoảng 25 – 30% giá trị của mỗi chiếc máy, tương đương 30 – 40 triệu đồng/máy. Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn về vốn, huyện đã phát động nông dân hình thành các tổ, nhóm để cùng nhau góp tiền mua máy cấy.

Có thể bạn quan tâm

Nỗ Lực Cứu Ruộng Đồng Nỗ Lực Cứu Ruộng Đồng

Ruộng đồng khô hạn kéo dài và chuột cắn lúa non trên diện rộng khiến nhiều nông dân tại miền Trung bỏ lúa trồng các loại hoa màu chịu hạn để mong có cái ăn, cái mặc. Cùng lúc, nông dân Trần Văn Cạn, thôn Nam Phù, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế có cách diệt chuột độc đáo đang được nhân rộng.

29/06/2012
Thành Công Với Mô Hình Đa Canh, Đa Con Kết Hợp Khép Kín Thành Công Với Mô Hình Đa Canh, Đa Con Kết Hợp Khép Kín

Anh Trần Quốc Việt, cư ngụ tại ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) là người thành công với mô hình đa canh, đa con kết hợp khép kín với quy mô diện tích gần 05 ha. Nhờ biết tận dụng diện tích đất sẵn có và vận dụng sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm nên anh đã thực hiện mô hình sản xuất tổng hợp: 02 vụ tôm sú kết hợp 01 vụ cua, cá rô phi; 01 vụ lúa kết hợp với tôm càng xanh; nuôi cá sấu, cá bống tượng, mỗi năm thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng.

29/06/2012
Trồng Ớt Sừng Trâu Lời Gấp 10 Lần Trồng Lúa Trồng Ớt Sừng Trâu Lời Gấp 10 Lần Trồng Lúa

Gia đình anh Châu Văn Phương ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre có truyền thống trồng mía, nhưng mấy năm nay giá cả bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn. Được sự tư vấn của trạm khuyến nông huyện, anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại giống ớt sừng vàng châu Phi ngắn ngày cho thu nhập nhanh, giá bán cao.

29/06/2012