Dân Trồng “Mía Đắng”, Tư Thương "Ăn Dày"
Thời tiết nắng nóng, sức tiêu thụ nước mía ở Đà Nẵng tăng mạnh, nhưng đáng buồn, người trồng mía ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lại “nếm” thêm một mùa “mía đắng” do tư thương cấu kết thu mua với giá rẻ như bèo.
Nông dân lời một, tư thương lãi mười
Cây mía là một trong những cây trồng phổ biến trên địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), tập trung chủ yếu tại 3 thôn: Phò Nam, Nam Mỹ, Nam Yên với diện tích trồng trên 70ha, tương đương với diện tích trồng lúa của toàn xã. Theo nhiều người dân tại 3 thôn này, dải đất phù sa chạy dọc triền sông Cu Đê rất phù hợp cho việc trồng mía. Nhiều người thậm chí đã bỏ hẳn các loại cây trồng khác như bắp, đậu để chuyển sang trồng mía. Tuy nhiên, khi diện tích được mở rộng, năng suất cao, cũng là lúc người dân phải chịu thiệt đủ đường vì quá phụ thuộc vào tư thương, từ việc trồng trọt cho đến tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, nông dân đang bước vào giữa vụ thu hoạch mía, song, khác với những năm trước, năng suất mía năm nay giảm mạnh do thời tiết bất thường; cộng với việc tư thương cấu kết ép giá, buộc người trồng mía nơi đây phải bán với giá bèo.
Anh Nguyễn Cầu (ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc) than thở: "Người dân nơi đây chỉ biết sống nhờ vào cây mía, nhưng do thời tiết bất thường nên năm nay năng suất giảm mạnh, khiến người trồng mía lao đao. Nhà tôi trồng 1,5 ha mía, những năm trước được mùa, thu hoạch khoảng 80 - 90 bó/sào (1 bó = 25 cây), nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 50 bó/sào". Khó khăn nhất đối với nông dân trồng mía không phải vì năng suất kém mà là do năm nào cũng bị tư thương “trói” về giá. Chẳng hạn, vụ mía năm 2012, một bó mía, tư thương thu mua với giá 50.000 đồng, nhưng năm nay giá vẫn y nguyên, mặc dù phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công đã tăng lên vùn vụt. "Năm trước, mía được mùa, gia đình tôi cũng có lãi chút ít, nhưng năm nay năng suất kém, người trồng mía huề vốn là may rồi”, anh Cầu than phiền.
Theo anh Nguyễn Cầu, nếu như trước đây, một sào mía, người dân có thể thu được 13 - 15 triệu đồng cả vốn lẫn lời thì nay, con số đó chỉ đạt 3 - 4 triệu đồng là "hết đát". Anh Cầu tính toán, sau 10 tháng oằn lưng trồng và chăm sóc, nếu đạt năng suất, người trồng mía ở Hòa Bắc mới lời từ 1,5 - 2 triệu đồng/sào, nhưng ngược lại, tư thương mua mía lại lời tới 5 - 6 triệu đồng/sào. Đơn cử như, một bó mía, tư thương mua của nông dân với giá 50.000 đồng, cộng với công chặt, vận chuyển hết khoảng 15.000 đồng. Tính ra, chi phí mua một vác mía được vận chuyển về thành phố tổng cộng hết 65.000 đồng, trong khi đó, tư thương bán lại tận gốc cho các quầy ép nước mía với giá từ 135.000 - 145.000 đồng/bó. Chỉ cần tính qua cũng biết người buôn mía lời đến mức nào.
Trong vai tư thương đến hỏi mua mía của những người nông dân ở xã Hòa Bắc, một điều làm chúng tôi khá ngạc nhiên là tất cả các hộ trồng mía ở đây đều lắc đầu từ chối bán, mặc dù giá chúng tôi đưa ra cao hơn nhiều so với các tư thương đang thu mua mía tại đây. “Không bán, không được đâu. Các anh có đảm bảo mua lâu dài cho chúng tôi không, hay chỉ mua một mùa rồi “bỏ chạy”? Như thế, khác nào giết chúng tôi. Chúng tôi cũng biết tư thương “ép” giá, nhưng dù sao còn có đầu ra. Cây mía đến kỳ thu hoạch, chậm 3-4 ngày coi như chặt cho bò ăn. Hơn nữa, chỉ cần ai bán mía cho những tư thương “lạ mặt”, chắc chắn mùa mía sau sẽ có chuyện liền. Nhiều hộ trồng mía ở đây đã bị đốt mía vì lỡ làm “phật lòng” tư thương đang thu gom mía ở đây”, một người trồng mía ở Hòa Bắc tiết lộ.
Ông Lê Ngôn (79 tuổi, ở thôn Nam Mỹ) - người có thâm niên trồng mía ở Hòa Bắc cho biết: Thời tiết năm nay nắng nóng khác thường, cây mía tiêu thụ tốt, nhưng tư thương vẫn không tăng giá. Biết về phố họ bán giá cao gấp mấy lần, song dân tui vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để giữ mối lâu dài. Nếu có một đơn vị thuộc quản lý của Nhà nước, đứng ra bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra lâu dài cho người trồng mía thì chúng tôi sẵn sàng cung cấp mía cho họ. Nhược bằng, cứ thả trôi như hiện nay, thiệt thòi cuối cùng vẫn là người nông dân.
Lúng túng tìm đầu ra
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, người dân tại thôn Phò Nam đã xây 2 lò nấu đường thủ công (đường bát) nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho người trồng mía. Mặc dù vất vả trong việc chế biến nhưng mía ở đây được tận thu đúng thời vụ, không phụ thuộc vào thời tiết. Khoảng 6 năm trở lại đây, tư thương tìm về ngày một nhiều cũng là lúc 2 lò nấu đường hoạt động cầm chừng và ngưng hoạt động. “Thời gian đầu, người trồng mía rất được lợi vì tư thương cứ liên tục tăng giá để cạnh tranh nhau. Tuy nhiên, khi tư thương bắt tay nhau và làm giá thì người dân lại rơi vào thế bị động vì đó là đầu ra duy nhất”, anh Dũng, nông dân trồng mía ở thôn Nam Mỹ cho hay.
Ông Đỗ Viết Vỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bắc cho biết, hiện cả xã có đúng 5 tư thương thu mua mía của người dân tại xã Hòa Bắc. Không ồ ạt, tranh giành nhau như trước, họ thậm chí còn thống nhất luân phiên nhau để việc thu mua được diễn ra dễ dàng hơn. “Chúng tôi chỉ kêu gọi, động viên các tư thương thu mua đúng giá dựa trên cơ sở đạo đức trong thương mại, bởi dù ép giá hay phá giá thì cũng chỉ nằm ở mức độ là sự thống nhất giữa cung và cầu, tức là giữa họ và người dân”, ông Vỹ nói.
Cây mía trên địa bàn xã Hòa Bắc là một trong các cây trồng chủ lực bên cạnh cây bắp, lúa. Tuy nhiên, tm đầu ra cho cây mía thì cả chính quyền địa phương, ngành liên quanvà người nông dân đang lúng túng. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, bà Lê Thị Thu Hà cho rằng, chính quyền địa phương cũng đã và đang khuyến khích người nào có đủ điều kiện, khả năng đứng ra thành lập tổ hợp tác để bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người dân, tuy nhiên đến nay chưa có ai dám làm việc này(?!).
Còn ông Lê Đình Ca, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang lại cho rằng, trước đây toàn xã Hòa Bắc có khoảng 130 ha (bằng diện tích hiện tại của toàn huyện), sau quá trình vận động chuyển đổi cây trồng, đến nay ước còn khoảng 70 ha, nguyên nhân là không có đầu ra ổn định, không có nhà máy đường trên địa bàn thành phố. “Trước đây có lò nấu đường, nhưng do không hiệu quả nên lò này đã ngừng hoạt động từ lâu. Bên cạnh đó, Nhà máy đường Quảng Ngãi ở quá xa, việc thu mua, vận chuyển nhập về nhà máy này hoàn toàn không có hiệu quả. Tuy cây mía ở Hòa Bắc không hiệu quả về mặt công nghiệp, song vẫn đáp ứng nhu cầu lớn về nước giải khát vào mùa nắng trong thành phố nên cây mía vẫn có thể “sống khỏe”, ông Ca nói.
Nếu xét về quy mô và năng suất của việc trồng mía, đây được xem là vùng chuyên canh mang lại hiệu quả cao tại xã miền núi Hòa Bắc. Tuy nhiên, do không có đầu ra ổn định nên giá trị của cây trồng này không phát huy được hiệu quả, đời sống người dân trồng mía vẫn còn phụ thuộc vào “tình thương” của các tư thương. Và điều đáng buồn, dù chính quyền địa phương, các ngành chức năng đều biết rõ tình trạng tư thương “ép giá” người trồng mía, song khi hỏi về giải pháp tháo gỡ cho người dân, chúng tôi đều nhận được câu trả lời… "Rất khó!".
“Người trồng mía ở Hòa Bắc bây giờ không phải phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư giống (ngọn), phân bón… của các tư thương như trước đây. Và họ cũng chưa bao giờ biết đến khái niệm được giá mất mùa hay được mùa mất giá, tất cả đều do tư thương quyết định.”
Anh Nguyễn Cầu, hộ dân có diện tịch trồng mía lớn nhất ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc
“Cây mía và con bò vẫn được Đảng bộ xã Hòa Bắc xác định là cây trồng và con vật nuôi xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, do đầu ra cho cây mía không ổn định nên những năm qua, địa phương cũng rất lúng túng trong việc vận động bà con nên trồng cây gì để cho năng suất và giá trị. Đầu năm 2013, UBND xã Hòa Bắc đã hỗ trợ 13 hộ dân ở hai thôn Lộc Mỹ và Nam Mỹ với số tiền 60 triệu đồng để trồng "thử" dưa hấu vụ Xuân. Mặc dù, thu hoạch vụ dưa đạt năng suất trên 80%, nhưng dưa lại đau lòng hơn cây mía là không bán được, có hộ phải đem đổ đi”.
Có thể bạn quan tâm
Đến thời điểm này, nông dân trong huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã thu hoạch được gần 12.500ha lúa Thu đông, năng suất trung bình đạt 4,5 tấn/ha.
Tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn (RAT) ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành (Trà Vinh) thành lập năm 2010, có 56 thành viên tham gia, trên diện tích 12,5ha. THT chuyên canh tác các loại rau màu như: khổ qua, dưa leo, bầu, bí, ớt chỉ thiên… hàng năm đem về lợi nhuận cho các thành viên khoảng 200 triệu đồng/ha, từ đó đời sống kinh tế của các thành viên ngày càng ổn định.
Từ sau ngày hòa bình, nhiều gia đình ở vùng đồng bằng xã Hải Phú đã cơm đùm mắm muối phạt rừng tìm về K4 để khai phá. Ròng rã mấy chục năm bám trụ, cải tạo từng mét đất đầy đá sỏi, họ khắc trong mình niềm tin mãnh liệt rằng rồi đất sẽ hồi sinh… Và bây giờ đất K4 khắc nghiệt đã và đang mang lại những mùa no ấm. Dẫn chúng tôi thăm K4- được xem là vùng trọng điểm trồng cam ở Quảng Trị, ông Nguyễn Nhạc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú cho biết: “Chính sự cần cù, nhẫn nại của những người nông dân ở vùng đồi K4 đã làm đất hồi sinh, cho quả ngọt lành. Anh nhìn đấy, toàn bộ khu triền đồi bên khe suối này giờ đã là bạt ngàn cây cam, đồi chè và nhiều loại cây ăn quả, hoa màu khác… Người lạc quan nhất cũng khó có thể tưởng tượng được giờ đây vùng đồi K4 đã trở nên trù phú thế này”.