Tỷ Phú Nhờ Trồng Keo Lá Tràm
Việc phát triển mạnh cây keo lá tràm góp phần làm thay da đổi thịt vùng đất Thạnh Phú (xã Đại Chánh, Đại Lộc, Quảng Nam), tạo điều kiện để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định.
Với 3/4 diện tích là đất rừng, người dân thôn Thạnh Phú chủ yếu sống dựa vào lâm nghiệp. Thôn hiện có 363 hộ dân, hầu hết đều có đất trồng keo, ít nhất là 8ha và nhiều nhất là 75ha. Keo lá tràm được người dân chọn làm cây chủ lực do thích hợp tốt với đặc tính thổ nhưỡng, đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Chi hội trưởng nông dân thôn Thạnh Phú cho biết: “Keo lá tràm phát triển rất nhanh, 7 năm có thể thu gỗ. Công chăm sóc không đáng kể, chỉ 10 công/vụ và 30 công/7 năm/ha. Thu gỗ xong, đốt đồi, chờ thời gian là keo con mọc lên dày ken nên không tốn tiền mua cây giống vụ sau”.
Từ khi con đường bê tông trước nhà máy cồn Đại Tân thông mở, việc vận chuyển của người dân trong sản xuất gặp nhiều thuận lợi. Họ chỉ việc hạ keo, tách vỏ và chờ thương lái điều xe đến tận đồi thu mua rồi vận chuyển tập kết về cảng Tiên Sa (TP.Đà Nẵng) mà không còn lo sợ cảnh ngăn non cách suối. Bán tại chỗ, đầu ra ổn định, nhiều hộ mạnh dạn mở rộng quy mô trồng keo, khuyến khích lẫn nhau làm giàu, tạo công ăn việc làm cho con em thất nghiệp hồi hương.
Năm nay, giá keo lá tràm tăng đột biến với mức 1,2 triệu đồng/tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 350 nghìn đồng. Keo được giá, nhiều hộ thôn Thạnh Phú trở thành tỷ phú trong thời gian ngắn, thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như hộ ông Huỳnh Văn Mễ với 75ha keo thu về 1,9 tỷ đồng; hộ ông Đặng Văn Công với 65ha thu về 1,5 tỷ đồng; hộ ông Mai Văn Anh với 50ha thu về 1,2 tỷ đồng; những hộ ít đất rừng trừ hết chi phí cũng thu về vài trăm triệu đồng.
Diện mạo thôn Thạnh Phú giờ đây đã thay đổi đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. “Nhờ keo lá tràm mà tôi xây được nhà cửa khang trang, nuôi con cái học hành, đời sống vật chất dư dả” - anh Nguyễn Thanh Thu phấn khởi.
“Năm 2012, tại Hội nghị nông dân điển hình tiên tiến huyện Đại Lộc, xã Đại Chánh đã báo cáo đạt tổng doanh thu 37 tỷ đồng từ việc bán keo lá tràm. Đó là điều đáng mừng đối với một xã có tới 17% dân số nghèo và tin rằng con số doanh thu này sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới” - Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Vẫn biết là cuộc sống không hiếm những lối rẽ bất ngờ, những sự đổi thay vượt quá những điều ta vẫn nghĩ, tôi không thể kìm được tiếng thốt ngạc nhiên khi đứng trước vườn cao su trồng mới năm 2008 của Nông trường An Phú thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông…
Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri (Bến Tre), diện tích thả nuôi giống tôm biển ước đến hết 6 tháng đạt khoảng 1.200 ha, tập trung tại các xã: An Đức, Bảo Thuận, An Thủy, Tân Xuân, Vĩnh An, An Hòa Tây.
Khi việc tìm kiếm tôm sú ngày càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là với các mức giá hợp lý, có một vài cuộc thảo luận của những người trong ngành cho rằng nó đang trở thành một sản phẩm cao cấp của thị trường ngách