Pinăng Xuân Làm Kinh Tế Giỏi
Sở hữu 5 ha đất, đàn bò 35 con, Pinăng Xuân (ảnh) ở tại thôn Suối Lở thuộc vào dạng khá giả nhất xã Phước Thành (Bác Ái).
Hơn 10 năm trước, trong khi các hộ dân ở địa phương còn mang nặng tập quán sản xuất lạc hậu, thì anh đã nghĩ đến việc mở rộng đất đai phát triển sản xuất. Ý chí và quyết tâm của anh mang lại những thành công ngoài mong đợi. Điều này thể hiện ở chỗ, dù thời tiết khô hạn, nhưng chưa có vụ nào anh bỏ đất hoang.
Kinh nghiệm sản xuất của anh là chủ động làm đất khi trời nắng, chớp lấy cơn mưa đầu mùa xuống giống, vì vậy khu rẫy luôn có màu xanh của bắp, đậu xanh…
Từ tinh thần hăng say lao động, biết chọn những cây trồng thích hợp ứng phó tốt với thời tiết, nên mùa rẫy nào anh cũng thu được một lượng bắp, đậu xanh lớn, đảm bảo cung cấp dư thừa lương thực cho gia đình có 6 thành viên.
Chuyện làm giàu của anh thực sự khởi sắc bắt đằu từ năm 2010, khi được hưởng lợi từ Chương trình 30a của Chính phủ về cải tạo ruộng bậc thang. Anh Xuân, tâm sự: Nhờ sự hỗ trợ của chương trình, liên tục trong 3 năm (từ 2010 đến nay) tôi thuê máy san ủi toàn bộ diện tích đất rẫy bằng phẳng để thuận tiện áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.
Hiện nay, anh đã cơ giới hóa được 90% trong khâu làm đất, đưa giống bắp lai vào sản xuất trên quy mô lớn thay thế giống bắp địa phương. Kết quả mang lại rất khả quan, năng suất bắp vụ nào cũng đạt trên 5 tấn/ha, cao gấp đôi so với giống bắp địa phương.
Trong làm kinh tế, anh Xuân luôn chú trọng kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi. Nghe anh kể chuyện nuôi bò, mới hay anh là người biết “nhìn xa trông rộng”. Năm 2006, khi khánh thành hồ chứa nước Sông Sắt, nhận thấy thảm cỏ tự nhiên rộng lớn xung quanh hồ là điều kiện lý tưởng cho chăn nuôi nên anh đã xây dựng chuồng trại, gom toàn bộ bò thả rông trên rừng về nuôi tập trung để có điều kiện chăm sóc, cải tạo nâng cao chất lượng đàn.
Nhờ biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ vào mùa khô cho gia súc, nên đàn bò của anh ngày càng phát triển, chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay sinh sản được 13 con bê. “Cứ đà phát triển như hiện nay, chỉ vài năm nữa đàn bò của tôi sẽ tăng lên cả trăm con” - anh Xuân, thổ lộ.
Hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của gia đình anh mỗi năm ước đạt 100 triệu đồng. Nhờ có số tiền tích lũy được, anh có điều kiện nuôi con học tập lên cao, xây nhà khang trang và sắm nhiều đồ dùng sinh hoạt tiện nghi. Đồng chí Chamaléa Nêu, Bí thư Chi bộ thôn Suối Lở, nhìn nhận: Anh Xuân không những làm kinh tế giỏi, mà còn có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng xã hội, sẵn sàng giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho những hộ khó khăn ở địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Từ những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp, anh vinh dự nhiều năm liền được UBND huyện, Hội Nông dân tỉnh tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Có thể bạn quan tâm
Hội Làm vườn Cao Bằng đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo. Không những vậy, Hội còn tập trung chú trọng xây dựng những mô hình sản xuất hàng hóa, cho thu nhập cao làm điểm học tập cho hội viên
Đến tỉnh Bến Tre vào những ngày cuối năm, đâu đâu cũng thấy người dân trồng bưởi da xanh hồ hởi, phấn khởi cười nói râm ran, bàn về cách chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, cách thu hoạch bưởi vào thời điểm nào bán được giá…
Qua theo dõi và chắt lọc sau nhiều năm nuôi cá, bác Thểu nhận thấy trong các loài cá truyền thống thì con trắm đen có nhiều triển vọng cho con đường làm giàu, vì nó vừa có trọng lượng lớn, thịt chắc ngon ngọt, lại đang phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của thị trường.