Tỷ Phú Chân Đất Miền Đông: Đại Gia "Vịt"
Xuân Lộc (Đồng Nai) có 2 mô hình nuôi gà, vịt lớn nhất, hiệu quả nhất không chỉ ở Đồng Nai mà cả khu vực Đông Nam bộ. Xét về quy mô, mức độ thành công thì các mô hình này chưa có đối thủ.
ĐẠI GIA "VỊT"
Sinh ra trên mảnh đất khô cằn, đầy nắng gió Phù Cát, Bình Định, ông Nguyễn Văn Tánh (ngụ ấp Bình Minh, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) vốn có bản tính chịu khó, kiên trì.
Từ 2 bàn tay trắng, ông Tánh đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi vịt siêu thịt. Không chỉ lo làm giàu, ông còn đầu tư cho các con ăn học và chẳng bao lâu nữa, trong nhà ông sẽ có 4 kỹ sư, bác sĩ.
TAY TRẮNG LẬP CƠ NGƠI
Đến Xuân Hiệp, hỏi ông Tánh kèm theo biệt danh “vịt” tức Tánh vịt” thì ai cũng biết, và chỉ cần hỏi một lần thôi sẽ tìm đến tận nhà ông. Vậy nhưng gặp được ông lại không dễ, tôi phải đợi gần 2 tiếng đồng hồ bởi ông quá bận rộn với 3 trang trại vịt 15 ngàn con của mình.
“Ở quê khổ quá nên năm 1983, mới 21 tuổi, tôi và người trai quyết định khăn gói quả mướp từ Phù Cát vào Đồng Nai tìm cơ hội làm ăn. Trong lúc đang bí việc làm, thấy có gia đình nuôi vịt cần người làm nên chúng tôi xin làm thuê luôn. Hồi đó họ nuôi vịt chạy đồng, chúng tôi chưa có nhà cửa gì nên cùng đàn vịt hơn ngàn con rong ruổi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác.
Khi Đồng Nai hết thức ăn, lại chất vịt lên chiếc xe lam chở đi khắp 12 tỉnh miền Tây. Hơn một năm làm thuê, chúng tôi đã có số vốn ban đầu là 60 con vịt giống, góp chung vào đàn của chủ. Có chút tài sản, anh em tôi mừng lắm. Nó giống như một động lực kích thích mình nên từ đó trở đi, làm được bao nhiêu tiền, tụi tôi dồn hết vào mua vịt tăng đàn. Cứ thế, đàn vịt lớn dần. Đến năm 1986 tôi không đi làm thuê nữa mà gom hết tiền mua mảnh đất này. Ban đầu cũng chỉ mua được mấy chục mét đất để dựng tạm cái chòi cho có chỗ trú mưa tránh nắng và… cưới vợ (cười) thôi.
Sau đó sinh 4 đứa con, vợ chồng tôi vừa lo con cái, vừa cật lực làm, mỗi năm lại góp tiền mua thêm đất, đầu tư tăng đàn vịt. Mấy năm sau, thị trường bắt đầu bán thức ăn cho vịt, nhưng ít vốn nên tôi vẫn phải nuôi kiểu bán công nghiệp. Tức là khi đồng người ta gặt lúa xong thì mình thả vịt ra, hết thức ăn lại lùa về rải cám cho ăn”, ông Tánh kể.
Sau khi đã có đàn vịt kha khá, cứ tưởng việc làm ăn sẽ thuận buồm xuôi gió thì năm 2003, dịch cúm H5N1 bùng lên. Chứng kiến hàng ngàn con vịt của mình phải tiêu hủy, toàn bộ gia tài vợ chồng ông ky cóp hàng chục năm trời thoáng chốc biến thành đống tro tàn, ông Tánh như nghẹt thở, còn vợ ông chỉ biết khóc ngất.
“Sau đợt cúm này, người em tôi chịu không nổi nên đã bỏ nuôi vịt, đi làm rẫy. Còn tôi vẫn quyết tâm theo đàn vịt. Không thể ngồi “gặm” mãi nỗi buồn mà sống được. Nghĩ thế nên tôi động viên vợ quyết tâm làm lại từ đầu. Lần này tôi dốc toàn bộ gia tài, vay mượn thêm để đầu tư chuồng trại nuôi theo kiểu công nghiệp, khép kín hoàn toàn. Cuối cùng, ông trời đã không phụ lòng người cần cù, chịu khó”, ông Tánh nói.
Tôi hình dung ra những năm tháng lao động miệt mài, không mệt mỏi qua lời ông Tánh kể và thầm thán phục lão nông tạo dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng này.
Theo ông Tánh, nuôi chạy đồng vịt đẻ năng suất kém. Thông thường thả xuống đồng phải mất 1 tuần sau vịt mới ổn định và đẻ. Nhưng mỗi đồng cũng chỉ thả được chừng vài tuần đến một tháng là lại phải chuyển vì hết thức ăn. Cứ thế, nuôi vịt chạy đồng giỏi lắm mỗi tháng chỉ được 18 trứng/con. Còn nuôi theo kiểu công nghiệp, một năm vịt có thể đẻ tới 340 trứng!
KHOA HỌC LÀ THEN CHỐT
Để đạt được thành công, theo ông Tánh, ngoài kinh nghiệm 20 năm nuôi vịt, không thể thiếu việc áp dụng KHKT từ những chuyến tham quan, học hỏi các mô hình ở tận Hà Tây (cũ) và các tỉnh ĐBSCL. Quả thật, trên diện tích 10 mẫu, khu chuồng vịt được ông xây thành dãy với nền xi măng, vách gỗ, mái lá. Bên trong gắn đèn chiếu sáng, quạt. Cách đó vài chục mét phía dưới là hồ cá rộng mênh mông.
Khuôn viên cho vịt ăn uống, đi lại được quây lưới từ chuồng xuống đến hồ và chia thành từng khu. Sau khi xuống nước bơi lội thỏa thuê, vịt có thể lên bờ nằm rỉa lông, phơi nắng. Ông Tánh cho biết: “Mô hình khép kín này ngoài việc tránh được dịch bệnh, mưa nắng, vịt sẽ khỏe hơn và đẻ với năng suất cao nhất có thể”. Chỉ tay xuống hồ, ông nói tiếp: “Mỗi năm tôi thu khoảng 40 tấn cá các loại từ mấy cái hồ này. Chỉ tận dụng nguồn phân vịt cho cá ăn, không tốn tiền mua thức ăn”.
"Ông Tánh là một trong những nông dân giỏi nhất mà tôi biết. Trại vịt của ông được xây dựng rất khoa học nên hiệu quả cao, không bị dịch bệnh. Hiện Xuân Hiệp đã quy hoạch 17 trang trại, trong đó có 4 trang trại chăn nuôi gia cầm theo phương pháp công nghiệp, hiện đại với quy mô lớn. Trang trại của ông Tánh là một trong số đó”, ông Trần Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hiệp.Tôi thắc mắc tại sao không gom vịt thành một đàn thả chung mà phải chia từng ô như vậy? Ông Tánh giải thích: “Để phòng dịch, nếu phát hiện vịt trong ô nào có triệu chứng bệnh thì mình tách riêng hẳn ra ngay để chăm sóc, tránh lây lan; dễ theo dõi vòng đời của chúng”.
Trại vịt của ông Tánh đang nuôi 3 giống gồm siêu thịt, siêu đẻ và lai Bắc Kinh. Tổng đàn lên đến 15 ngàn con, trong đó 12 ngàn con đang đẻ. Theo ông Tánh, mỗi loại có ưu điểm riêng dành cho các đối tượng nuôi khác nhau. Loại siêu thịt nuôi thương phẩm đạt từ 4- 5 kg/con, có khi chỉ cần nuôi 50 ngày đạt trọng lượng trên 2 kg là bán thịt. Tuy nhiên, giống này chỉ nuôi công nghiệp chứ không thể chạy đồng. Loại vịt siêu trứng rất giỏi chạy đồng, thời gian đẻ dài gấp 3- 4 lần loại siêu thịt. Riêng giống vịt lai Bắc Kinh có thể vừa nuôi lấy trứng, vừa bán thịt vì trọng lượng tương đối (2 kg/con), có thể nuôi chạy đồng. Loại này thích hợp với hình thức nuôi bán công nghiệp.
Hiện mỗi ngày đàn vịt cho thu hơn 10 ngàn quả trứng. Sau khi được Trường ĐH Nông lâm TP HCM chuyển giao công nghệ lò ấp trứng công suất hơn 100 ngàn trứng, mỗi ngày ông Tánh cho ra lò 6.000 trứng lộn và cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 vịt con giống. Với giá chỉ 3.000 đồng/trứng lộn, một ngày ông thu ngót 20 triệu. Còn vịt giống có giá bình quân 20 ngàn đồng/con, mỗi ngày ông thu ngót trăm triệu.
Related news
Phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung theo hình thức bán công nghiệp đang là sự lựa chọn của nhiều hộ gia đình, giúp duy trì và ổn định nguồn cung sản phẩm ra thị trường. Từ hướng phát triển kinh tế này đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, điển hình là mô hình chăn nuôi gà bán công nghiệp kết hợp thả vườn đồi của gia đình bà Nguyễn Thị Thu thôn Cường Bắc, Xã Nam Cường, TP Yên Bái.
Theo nhiều điểm bán trái cây ở khu vực nội ô TP Cần Thơ, gần đây nhiều loại trái cây ở khu vực ĐBSCL đã vào mùa thu hoạch rộ, nguồn cung tăng dẫn đến giá giảm.
Để tận dụng diện tích mặt nước (hơn 30.000 ha) tại các hồ chứa thuộc các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ và Mỹ Đức, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tạo mọi điều kiện để người dân triển khai mô hình nuôi cá lồng, nhất là các loài cá có giá trị kinh tế cao như rô phi, điêu hồng, chép...