Tuy An Phát Triển Nghề Nuôi Bò Lai

Huyện Tuy An là địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh, trong đó 71,5% là bò lai. Chăn nuôi bò đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân.
Thống kê của Sở NN-PTNT, hiện tổng đàn trâu bò của tỉnh khoảng 184.000 con, tỉ lệ bò lai chiếm hơn 58% tổng đàn. Trong đó, huyện Tuy An có đàn bò nhiều nhất tỉnh, với 33.000 con. Tại xã An Hiệp có nghề nuôi bò lai phát triển mạnh nhất huyện Tuy An, nhiều gia đình tận dụng các diện tích đất trống để trồng cỏ nuôi bò.
Bà Ngô Thị Hoa ở thôn Phước Hậu, xã An Hiệp cho biết, gia đình bà nuôi 9 con bò lai sind. Để có thức ăn cho bò, gia đình phải tận dụng hết diện tích đất trống trong vườn nhà để trồng cỏ. Còn ông Dương Đại Hải ở cùng thôn với bà Hoa cho hay: “Trước đây, chúng tôi chỉ nuôi bò cỏ địa phương.
Giống bò này chậm phát triển, ít thịt nên giá trị kinh tế không cao, vì vậy nghề nuôi bò cũng không phát triển được. Từ khi được Phòng NN-PTNT huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của nuôi bò lai, bà con chúng tôi bắt đầu lai tạo đàn bò, đầu tư vốn xây dựng chuồng trại, trồng cỏ để đảm bảo thức ăn trong quá trình chăn nuôi. Cũng theo ông Hải, giống bò lai sind có thể trạng to khỏe, dày ăn, thịt nhiều nên giá trị kinh tế mang lại cao hơn giống bò địa phương rất nhiều.
Thấy được hiệu quả này nhiều người đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng quy mô chăn nuôi bò theo hình thức bán công nghiệp”. Theo ông Nguyễn Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND xã An Hiệp, hiện tổng đàn bò của xã khoảng 4.200 con, trong đó 76% là bò lai, trên 90% hộ dân của xã nuôi bò, hộ nuôi ít thì một vài con, hộ nuôi nhiều hơn chục con.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, thời gian qua, trọng lượng bò nuôi tại địa phương được cải thiện đáng kể. Trước đây, giống bò vàng có trọng lượng trung bình khoảng 220kg/con, thì hiện bò lai sind có trọng lượng trên 300kg/con. Ông Trần Sáu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: Những năm gần đây nghề nuôi bò lai phát triển mạnh tại các xã trong huyện, trong đó bò lai chiếm 71,5%, nhất là các xã An Hiệp, An Nghiệp, An Cư… đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.
Nghề chăn nuôi bò lai ở huyện Tuy An phát triển như hiện nay là nhờ tỉnh và huyện triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, tập huấn, tuyên truyền cho người dân trong thời gian qua. Thông qua chương trình sind hóa đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giai đoạn 2004-2012, nông dân huyện Tuy An được cấp miễn phí tinh bò và đào tạo miễn phí kỹ thuật phối giống cho 13 người. Ông Nguyễn Tấn Trì ở xã An Hiệp, một trong những người được đào tạo theo chương trình này cho hay: “Thông qua khóa đào tạo, tôi nắm được những kỹ thuật cơ bản về bảo quản tinh và phối tinh sao cho hiệu quả nhất, góp phần lai tạo đàn bò theo nhu cầu của người chăn nuôi”.
Ngoài ra, trong năm 2012, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Tuy An đã hỗ trợ 18 con bò cái giống lai sind cho xã điểm An Mỹ và An Cư. Ngoài ra, hàng năm, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn cho người dân chăm sóc và phòng trị bệnh cho gia súc nói chung và trâu bò nói riêng. Ông Trần Sáu, cho biết thêm: “Hiện nay bò lai nuôi trên địa bàn huyện đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Bò sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện chăn nuôi hộ gia đình, có tỉ lệ thịt cao, được thị trường chấp nhận. Nông dân trong huyện đang mở rộng diện tích trồng cỏ để chăn nuôi bò theo hướng bán công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, trong khi người dân nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lao đao vì dịch bệnh trên tôm hoành hành thì ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) người nuôi tôm đều trở nên khá giả với mô hình nuôi tôm sú. Năm 2012, Vĩnh Sơn được đánh giá là địa phương nuôi tôm đạt năng suất và hiệu quả cao nhất tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, từ khi Dự án 418 khép kín, ngọt hóa, các ấp: Thạnh Bình, An Thạnh, một phần Thạnh Quí B và Thạnh Quí A, người dân làm lúa được một vụ.

Thực hiện chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ cho bà con nhà vườn trong phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn, theo Công văn số 498/TTg-KTN, ngày 13/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã tiến hành các bước để làm cơ sở cho việc hỗ trợ nhà vườn trồng nhãn phòng, chống bệnh chổi rồng. Bước đầu tiên là thống kê sơ bộ diện tích nhiễm bệnh và mức độ thiệt hại để có cơ sở công bố dịch; bước tiếp theo là lập biên bản xác định diện tích nhiễm bệnh, tỉ lệ thiệt hại được lập cho từng hộ là căn cứ để hỗ trợ kinh phí phòng trừ bệnh; bước thứ ba là thẩm định việc phòng trừ bệnh của nhà vườn theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT để xác định chính xác số tiền được hỗ trợ của từng hộ trồng nhãn.