Prices / Tin thủy sản

Tương lai ảm đạm của ngành thủy sản Mỹ

Tương lai ảm đạm của ngành thủy sản Mỹ
Author: Tuấn Anh (Theo SeafoodNews)
Publish date: Saturday. July 14th, 2018

Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ nóng trở lại sau khi Trung Quốc tuyên bố mức thuế 25% với hơn 600 mặt hàng Mỹ. Ngành thủy sản Mỹ bị giáng đòn nặng nề khi 170 sản phẩm thủy sản của nước này cũng bị đánh thuế và nhiều rủi ro còn đang chờ đợi ở phía trước.

Xuất khẩu tôm hùm Mỹ sẽ thiệt hại nặng nếu mức thuế mới của Trung Quốc có hiệu lực. Ảnh: ST 

Áp lực giá

Tuyên bố của Trung Quốc về mức thuế bổ sung mới được dự báo sẽ tạo ra hàng loạt biến cố trên thị trường thủy sản Mỹ. Biến cố đầu tiên đó là việc các công ty Trung Quốc ngừng  mua mực ống, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành xuất khẩu mực ống của Mỹ. Trong khi, nhiều hãng xuất khẩu thủy sản tại Alaska đang “đứng ngồi không yên” vì chưa biết liệu mức thuế mới có áp dụng cho các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến và tái xuất không. Trước đó, Trung Quốc phải điều chỉnh hệ thống thuế dành riêng cho mặt hàng tái xuất vào năm 2016. Các sản phẩm thủy sản được nhập khẩu vào Trung Quốc để chế biến được xếp vào nhóm giảm thuế; trong đó cũng có một số mặt hàng được miễn thuế nếu phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, tia hy vọng “thoát” mức thuế 25% mà Trung Quốc đặt ra rất mong manh. Cá hồi hồng và cá tuyết H&G sẽ là những sản phẩm thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về doanh số xuất khẩu nếu như không được miễn giảm thuế vì nguồn cung nguyên liệu để chế biến các sản phẩm phục vụ thị trường Mỹ như cá hồi burger và fillet cá tuyết đông lạnh đều xuất trực tiếp sang Trung Quốc. Nếu Trung Quốc áp thuế trả đũa sẽ dẫn tới giá của các sản phẩm này lập tức tăng tại Mỹ, bởi Mỹ không có đủ năng lực chế biến thay thế Trung Quốc tại thời điểm này.

Nguy cơ mất thị trường

Khi mức thuế 25% có hiệu lực, các nhà nhập khẩu thủy sản Trung Quốc sẽ đổ dồn sang nguồn cung khác để tránh việc phải mua hàng với giá cao. Nga có thể trở thành sự lựa chọn đầu tiên để thay thế nguồn cung thủy sản Mỹ. Nếu Trung Quốc không tìm kiếm được nguồn cung thay thế Mỹ, khi đó Alaska mới có hy vọng được giảm thuế. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra, vì ngành thủy sản Nga đủ khả năng cung cấp cá hồi hồng và cá minh thái H&G cho Trung Quốc - cũng là những sản phẩm mà Alaska đang có thế mạnh tại Trung Quốc.

Ngành công nghiệp tôm hùm được dự báo sẽ chịu tổn hại nặng nề nhất trong cuộc chiến thương mại thủy sản Trung-Mỹ.

Tại Mỹ, thị trường tôm hùm nội địa suy yếu và giá bán thấp hơn năm ngoái. Xuất khẩu bị trì trệ khi cả Trung Quốc và EU đều tăng thuế với tôm hùm Mỹ sẽ dẫn tới tình trạng sản phẩm bị ứ đọng tại thị trường nội địa. Phần lớn tôm hùm Maine của Mỹ được xuất khẩu sang Canada để chế biến nhưng dù nhu cầu nhập khẩu tôm hùm để chế biến tại Canada có tăng cao đi nữa thì cũng khó cứu vãn ngành tôm hùm Mỹ để kéo được giá tôm cao trở lại.

15 năm qua, nhiều công ty Mỹ và Viện Marketing thủy sản Alaska (ASMI) đã chi hàng triệu USD để mở rộng thị trường thủy sản tại Trung Quốc. Nhờ sự phát triển của thương mại điện tử và thị hiếu ưa chuộng hải sản ngoại của người Trung Quốc, việc xây dựng thị trường cho thủy sản Mỹ tại Trung Quốc trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại leo thang, các công ty thương mại điện tử - cầu nối để thủy sản nhập ngoại như tôm hùm, cua, cá than và cá hồi tiếp cận được người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang gây áp lực với các hãng cung cấp thủy hải sản để ép giá. Khi thị trường thủy sản Trung Quốc tăng trưởng, việc cạnh tranh giá bán giữa các hãng kinh doanh cũng trở nên khốc liệt hơn. Do đó, việc áp thuế 25% sẽ là một đòn giáng nặng vào ngành thủy sản Mỹ nhưng rủi ro nào còn chờ đợi phía trước vẫn là điều chưa ai dám chắc.

>> Cuộc chiến thương mại thủy sản Trung-Mỹ sẽ khiến giao dịch thương mại thủy sản toàn cầu giảm sút và một lượng lớn hàng hóa sẽ bị tồn đọng tại thị trường nội địa. Trong khi, thủy sản lại là một sản phẩm đặc biệt dễ bị tổn thương vì là hàng hóa có tỷ lệ giao dịch thương mại toàn cầu cao nhất.


Related news

Lão nông vay 10 tỷ đồng đào ao thả cá giống Lão nông vay 10 tỷ đồng đào ao thả cá giống

Sau 30 năm nỗ lực, trừ toàn bộ chi phí, hiện ông Phạm Văn Quất (Hải Dương) thu về khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm.

Saturday. July 14th, 2018
Nuôi cá hô trong ao trứng nước, 1 vốn 5 lời Nuôi cá hô trong ao trứng nước, 1 vốn 5 lời

Trong khi đàn cá tự nhiên không còn thì việc bảo tồn loài thủy sản quý hiếm trong sách đỏ được nhiều nông dân ở tỉnh An Giang ứng dụng thành công

Saturday. July 14th, 2018
Nuôi lươn trong bể bạt, sau 8 tháng lãi 70 triệu đồng Nuôi lươn trong bể bạt, sau 8 tháng lãi 70 triệu đồng

Anh Nguyễn Văn Thanh ngụ ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đầu tư nuôi lươn thịt không bùn giá thể là tràm cây chất xen kẻ trong bể

Saturday. July 14th, 2018