Tự Tình Người Trồng Nấm Linh Chi
Nấm linh chi, một loại nấm có nhiều công dụng, có thể ngăn ngừa, chữa nhiều loại bệnh và được ví như “thần dược” có nhiều cơ hội xây dựng “kinh đô” ở Minh Thạnh (Dầu Tiếng - Bình Dương). Tiếp nối thành công của ông chủ trang trại Trần Minh Khải, một HTX trồng nấm linh chi tập hợp nhiều người dân Minh Thạnh có khát vọng làm giàu do anh Khải đứng ra làm chủ được gửi đến Liên minh HTX tỉnh xin thành lập. Tuy nhiên, niềm vui chưa hé mở, nỗi buồn lại ập đến, HTX thành lập không bao lâu… giờ phải xin giải thể vì không hiệu quả!
Nỗi lòng “ông chủ”
Ngược lại, nấm linh chi của ông chủ Trần Minh Khải lại phát triển rất tốt, mũ nấm tua tủa đua nhau giăng giăng khoe màu. Vì vậy, người ta đổ lỗi cho người chủ xướng giấu nghề khiến HTX phải giải thể. Việc này anh Khải cũng không vui: “Tôi vừa có đơn xin giải thể HTX. Tôi muốn nhiều người cùng hợp tác xây ước mơ với loại “thần dược” này, nhưng không xã viên nào thành công. Thất bại này do đâu tôi cũng chưa đánh giá chính xác. Nhiều người tỏ ra bực bội cho rằng tôi giấu kỹ thuật, giữ bí quyết riêng để độc quyền. Tôi không giấu giếm bất cứ một chi tiết kỹ thuật nào, dù rất nhỏ”.
Anh Khải cho biết, bản thân anh cũng không phải là một chuyên gia, một nhà nghiên cứu về nấm linh chi. Anh là người của một tu viện, một công dân trình độ thường thường, thông thạo giáo lý hơn khoa học. Anh Khải kể: “Tôi từng tìm đến những giáo sư đầu ngành hiện đang mở trang trại và giảng dạy tại Đà Lạt và nhiều trại nấm trong cả nước. Họ không hề tiết lộ một tí nào về kỹ thuật, thậm chí muốn được ngắm nghía “dung nhan” nấm họ cũng không chấp nhận. Tôi bắt đầu với nấm linh chi khi biết được dược tính và công dụng của nấm qua internet. Vì vậy, khi có được thành công ban đầu, tôi muốn mọi người cùng tham gia chứ không có ý định giấu nghề”.
Duyên phận
Anh Khải trải lòng rằng, ai muốn trồng nấm linh chi anh giúp. Nhưng anh cũng khuyên phải học cách chấp nhận thất bại để thành công, nếu quá dễ trồng, linh chi đâu đắt đỏ như vậy. Với anh, dù không được chỉ dẫn nhưng những quyển sách, những bài báo của những bậc tiền bối danh tiếng như giáo sư Cỗ Đức Trọng, tiến sĩ Lê Xuân Thám và những bài báo đăng trên các tạp chí khoa học hay trên các trang mạng anh đều lần mò nghiên cứu.
Trớ trêu thay, học cách trồng nấm linh chi nhưng anh lại bắt tay với nghề trồng nấm bào ngư xám Nhật, một loại nấm có dinh dưỡng rất cao và cũng rất có giá trị kinh tế. Các công đoạn từ nuôi ống nghiệm, phân lập giống, hấp thanh trùng đến lúc đưa ra môi trường của nấm bào ngư với anh đều thành công đến bất ngờ. Nhưng nghiệt ngã thay, dù có một mạng lưới tiêu thụ đáng mơ ước từ chợ Thủ Đức, chợ Bình Điềm cho đến các chợ nhỏ lẻ vùng thôn quê khắp miền Nam này vẫn không tiêu thụ hết nấm anh trồng, dù mỗi ngày thu hoạch chỉ một tấn nấm.
Dội chợ, đồng nghĩa với nguy cơ phá sản. “Tôi trồng nấm không có hóa chất hay thuốc men gì, hoàn toàn nấm sạch. Tôi đang tính tới việc xin cấp giấy chứng nhận VietGap, nhưng hành trình và thủ tục để được cấp rất gian nan. Nhưng phải có được bởi đó là giấy “thông hành” cho nấm ra thị trường”.
Trong lúc còn luẩn quẩn giải bài toán đầu ra cho nấm bào ngư, trong đầu anh Khải nhớ đến linh chi, loại “thần dược” mà anh ôm ấp ước mơ vươn tới trong những buổi chiều ngồi trên giáo đường. Quyết tâm trồng cho bằng được loại nấm này, anh bắt đầu bằng cách bỏ tiền ra đặt mua túi phôi từ các trại nấm trong nước. Giá bán bao nhiêu anh cũng bấm bụng, miễn nấm mọc tại trại nhà mình. Lui tới nhiều lần ở các trại nấm, anh “chớp lấy” quy trình sản xuất. Đầu tư hàng trăm triệu đồng xây phòng thí nghiệm, dựng trại nấm, tự tay xắt lát từng miếng quả thể đưa vào ống nghiệm có trộn lẫn thạch rau câu và một ít đường gluco nuôi phôi như cách làm của nấm bào ngư.
Kết quả
Cách làm của anh Khải là cho cấy giống vào các túi mọt cưa nguyên liệu được khử trùng, 20 ngày sau những túi giống này ăn tơ trắng, đến ngày thứ 35 những quả thể linh chi xuất hiện. Ngày ngày ra trại ngắm nhìn những quả thể vươn ra, mũ nấm chuyển từ màu vàng nghệ, vàng nâu, vàng cam sang màu nâu tím, mặt nấm nhẵn bóng như mặt ván gõ ai đó vừa đánh vecni, anh như sống trong giấc mơ đẹp về “người tình” linh chi chấp nhận trọn tình với anh.
Anh Khải cho biết, một năm có thể trồng nấm nhiều vụ. Nhưng đừng thấy cái lợi mà “đốt cháy” quy trình. Một năm chỉ nên trồng 2 đợt, từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 6 đến tháng 9. Thời gian còn lại phải gỡ hết mùn, lưới phơi dưới ánh mặt trời. Ánh sáng mặt trời sẽ tiệt trùng, diệt tất cả các bào tử nấm dại. Nhiều người phải phá sản hoặc phải chuyển đi nhiều nơi để trồng vì không hiểu lý do đơn giản này.
Dĩ nhiên không phải 100% túi giống đều cho ra linh chi. Những chiếc túi không ra nấm linh chi, anh tiếp tục cho vào hấp thanh trùng, cấy bào tử nấm bào ngư vào. Cứ như thế, linh chi không chịu ra thì anh trồng bào ngư, tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu. Dù bào ngư hay linh chi đều có thể giúp người trồng thoát nghèo và có thể làm giàu. Anh Khải nhẩm tính: Một trại nấm linh chi 2.500 bịch phôi diện tích khoảng 150m2, có thể cho ra 1,7 tấn sản phẩm, giá thị trường 250.000 đồng/kg (chưa qua chế biến) có thể mang về thu nhập trên 40 triệu đồng. Nấm bào ngư cùng diện tích số lượng phôi có thể cho 3 tấn, giá thị trường 120.000 đồng/kg, có thể cho thu nhập tương đương. Nhưng linh chi không bị hư nếu tiêu thụ chậm, còn bào ngư, bán không chạy là rất khó bảo quản.
Nấm linh chi Minh Khải mới xuất hiện ở Minh Thạnh (Dầu Tiếng) khoảng 3 năm nay. Vậy mà thương hiệu này đang lan tỏa rộng tại nhiều cửa hàng ở TP.HCM, quanh các tu viện ở Thủ Đức rất dễ dàng bắt gặp những túi nấm linh chi được xay nhuyễn thành bột bày bán. Thậm chí thương hiệu này đang được chú ý ở Singapore, khi một tiến sĩ người Pháp gốc Việt mang sang quốc gia này phân tích dược tính. Kết quả mang lại thật bất ngờ, nấm trồng ở Minh Thạnh dược tính còn cao hơn nhiều so với linh chi nhập từ Hàn Quốc về. Ông chủ Khải lại trải lòng rằng, linh chi vẫn còn nhiều cơ hội đến với ai mong đợi!
Anh Khải cho biết, cũng giống như trồng nấm bào ngư, với nấm linh chi cứ trộn lẫn tỷ lệ 2.500 túi mọt cưa dùng 15kg vôi rắc lên khử trùng. Dùng nước sinh hoạt, mà phải nước ngầm ở xã Minh Thạnh phun sương sao cho mỗi túi mọt cưa khi vào đầy cân nặng đúng 1,2 - 1,4kg, sau đó đem vào hấp thanh trùng đúng nhiệt độ từ 98 đến 103 độ C, không hơn, không kém. Khoảng 8 giờ sau đem túi mọt cưa này vào phòng cấy giống. Khi cấy giống thắp đèn cồn sát cạnh túi giống và túi nguyên liệu để khử hoàn toàn bào tử dại. Khi cấy giống xong đem ra nhà ươm có độ ẩm từ 75 - 85%, có ánh sáng yếu.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi tiến hành khảo nghiệm trên cả diện hẹp và diện rộng, các đơn vị nghiên cứu loại ngô biến đổi gen có chung ý kiến rằng loại cây này không ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo, kết quả nghiên cứu còn chưa đủ tin cậy và cần tiếp tục tiến hành khảo nghiệm thêm trước khi trồng đại trà.
Nuôi cá đồng đã góp phần nâng cao thu nhập của nhiều hộ gia đình ở nông thôn. Lượng cá nuôi này đã cung ứng một lượng lớn cho thị trường nội địa. Phát triển nuôi cá đồng theo hướng bền vững được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kinh tế nông nghiệp ở mỗi địa phương
Trong những hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Liêu (Quảng Ninh), mô hình nuôi giun quế do huyện Đoàn triển khai được đánh giá là “một mũi tên trúng hai đích”, vừa giải quyết được nhu cầu về nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm, vừa làm sạch môi trường...