Giá / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Chẽm Trong Ao Tôm

Nuôi Cá Chẽm Trong Ao Tôm
Tác giả: 
Ngày đăng: 17/08/2013

Để tìm hướng đi mới thay thế nghề nuôi tôm nước lợ nhiều rủi ro, đầu năm nay anh Trần Văn Nhựt (thôn Thanh Tân, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cá chẽm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đầu tháng 3.2013, anh Nhựt mua 1.500 con cá chẽm giống với giá 6 nghìn đồng/con về thả nuôi trong hồ tôm có diện tích 1.200m2. Đây là đối tượng nuôi mới, cần kỹ thuật và sự chịu khó của người nuôi.

Vì vậy, anh Nhựt luôn thức khuya dậy sớm lội hì hục trong nước để nhủi tép làm thức ăn cho cá. Dụng cụ để tạo oxy trong nước anh luôn đặt tại hồ, nếu thời tiết thay đổi là đưa vào vận hành ngay; nếu nắng nóng kéo dài thì làm mái che bằng lá dừa để có bóng mát cho cá trú ẩn, tránh trường hợp cá nổi đầu lên mặt nước.

Với cách làm này, chỉ hơn 2 tháng sau, cá đạt trọng lượng bình quân 300g/con, phát triển đồng đều, tỷ lệ hao hụt ít. Sau 5 tháng nuôi, đến nay cá có trọng lượng bình quân 800g/con, trong hồ hiện có khoảng 7,5 tạ cá thương phẩm. Với giá bán thời điểm hiện nay 80 nghìn đồng/kg, anh có thể thu được gần 60 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, lãi ròng trên 30 triệu đồng.

Cá chẽm còn có tên là cá sặt hay cá vượt, thuộc loại cá dữ, ít dịch bệnh, thích nghi với môi trường khí hậu miền Trung và là một trong những loại cá tạp ăn. Thức ăn chính của cá chẽm là các loại cá tươi, nhỏ được khai thác ở sông hoặc biển. Thịt của cá chẽm thơm, dai và ngon được người tiêu dùng ưa chuộng. Phát huy hiệu quả từ mô hình này, dự kiến đầu năm 2014 anh Nhựt sẽ giảm diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, sử dụng diện tích hồ để phát triển mô hình nuôi cá chẽm thương phẩm.

Tuy nhiên điều lo ngại nhất hiện nay là đầu ra không ổn định bởi cá chẽm chỉ khai thác, tiêu thụ trong những tháng mùa nắng vì để lại vào mùa mưa sẽ có độ rủi ro cao, đồng thời mỗi lần khai thác cá có số lượng lớn, trong khi thị trường hẹp.

Tam Thanh hiện có 35ha mặt nước nuôi trồng thủy sản mà chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng hiệu quả không cao, người nuôi ngày càng gặp khó khăn như nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá thức ăn tăng cao… Vì vậy chuyển đổi đối tượng nuôi như anh Trần Văn Nhựt là cần thiết nhưng chuyển đổi như thế nào cho phù hợp là vấn đề cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và địa phương để nông dân chuyển đổi phương thức, nâng cao hiệu quả sản xuất, tránh trường hợp “được mùa, mất giá”.


Có thể bạn quan tâm

Cá Lồng Bè Lại Chết Hàng Loạt Ở Long Sơn Cá Lồng Bè Lại Chết Hàng Loạt Ở Long Sơn

Trưa 9-9, hàng chục lồng nuôi cá bớp trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu của bà con ngư dân đã chết hàng loạt.

17/08/2013
Giống Lúa Lai 3 Dòng GS9 Cho Năng Suất Rất Cao Ở Quảng Nam Giống Lúa Lai 3 Dòng GS9 Cho Năng Suất Rất Cao Ở Quảng Nam

Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vừa tổ chức hội nghị đầu bờ nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình sản xuất trình diễn giống lúa lai 3 dòng GS9.

17/08/2013
Sâu Biển Tấn Công Bãi Nuôi Sò, Hến Ở Kiên Giang Sâu Biển Tấn Công Bãi Nuôi Sò, Hến Ở Kiên Giang

Người dân nuôi sò huyết, hến vùng ven biển thuộc huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) đang phải đối đầu với nạn sâu biển.

17/08/2013