Giá / Tin nông nghiệp

Trung Quốc nhập heo mỡ của Việt Nam để tránh chất cấm?

Trung Quốc nhập heo mỡ của Việt Nam để tránh chất cấm?
Tác giả: Nam Thiên
Ngày đăng: 14/04/2016

Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, thương lái đẩy mạnh thu mua heo xuất khẩu sang Trung Quốc. Giá heo hơi đầu năm dao động ở mức 40.000-42.000 đồng/kg hiện đã lên đến 57.000-58.000 đồng/kg.

Phía Trung Quốc thường chuộng loại heo lớn (trên 120 kg/con). Đây hầu hết là heo mỡ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước, nhưng theo những người có kinh nghiệm, ăn loại heo này tránh được nguy cơ dính chất cấm, vì heo mỡ không bị “tạo nạc” siêu tốc trước khi xuất chuồng 10-15 ngày.

Nhiều chủ trại heo cũng cho biết, thông thường, heo nuôi đến trọng lượng trung bình 80-100 kg dễ bị gian thương thúc tăng trọng và tạo nạc bằng hóa chất cấm độc hại. Heo ăn chất tạo nạc sau 10 ngày chân sẽ rất yếu, thường phải quỳ khi ăn, nên được thương lái mua và đem đi giết mổ gấp, vì để sau 15 ngày heo rất dễ bị chết.

Liên quan đến việc lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi, tại Diễn đàn khuyến nông, tổ chức tại Bình Dương ngày 12/4, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong những năm 2014-2015, đã có 9.140 kg salbutamol được nhập về Việt Nam. Một phần ba trong số đó hiện vẫn còn lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp, và hơn 6 tấn đã được bán ra thị trường.

Hiện cơ quan này đã thu hồi được 2.050 kg, và có khoảng hơn 4 tấn được buôn bán trôi nổi, song không thể biết được số lượng cụ thể số salbutamol còn lại ngoài thị trường.

Ông Việt cũng cung cấp số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong tháng 1/2016, cơ quan này lấy 1.000 mẫu tại 14 tỉnh thành, phát hiện 98 mẫu dương tính. Tháng 2 lấy 1.157 mẫu tại 34 tỉnh, phát hiện 17 mẫu nhiễm. Gần đây nhất, trong tháng 3, lấy 457 mẫu phát hiện 3 mẫu nhiễm.

Đại diện Bộ Nông nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý không buông lỏng những chất độc hại này, mà chỉ “kiểm soát không hiệu quả”.

"Dù lượng mẫu nhiễm đã giảm đi rất nhiều. Nhưng nhìn vào số liệu được công bố, người tiêu dùng chưa hẳn đã yên tâm, vì 1 kg chất salbutamol có thể trộn với 100 tấn thức ăn chăn nuôi", ông Việt phân tích.

Ông Nguyễn Văn Thắng,  Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát môi trường (C49) khẳng định, toàn bộ hơn 9 tấn salbutamol nhập về đều được nhập chính ngạch. Hiện cơ quan này đã xác minh được cụ thể các đầu mối nhập khẩu về.

PGS. TS. Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho hay, hiện có 27 hóa chất, kháng sinh bị cấm trong chăn nuôi, trong số đó các chất kích thích tăng trọng chiếm tỷ lệ lớn, gồm 2 nhóm chính là β2-agonist và nhóm các steroid.

Nguy hiểm nhất là các chất tăng trọng nhóm β2-agonist, vốn là nhóm thuốc dùng để trị bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những chất này giúp làm giãn cơ trơn của đường khí phế quản dẫn đến mở rộng đường phế quản.

Những chất này sử dụng sai mục đích vào chăn nuôi có thể gây hậu quả khôn lường, người tiêu dùng ăn phải có thể gây ngộ độc cấp tính như: ói mửa, run chân tay, phù nề, viêm nhiễm, liệt cơ hoặc có thể gây mãn tính nhiễm độc gan… Những người cao huyết áp, tim sẽ nguy hiểm đặc biệt, vì có thể gây đột quỵ, trụy tim.

Người ăn thịt nhiễm chất cấm thường xuyên có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ, sơ gan, dị ứng, vàng da, rối loạn hóc môn (phụ nữ mọc râu, rụng tóc)… Với chất vàng ô có thể phá hủy ADN trong tết bào gan, thận và tủy xương, người mang thai có thể xảy thai hoặc dị tật thai nhi…


Có thể bạn quan tâm

5 giải pháp để nông nghiệp thích ứng hội nhập 5 giải pháp để nông nghiệp thích ứng hội nhập

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần phải có các giải pháp giúp cho nông dân hiểu được phải làm gì để chủ động trong quá trình hội nhập” - ông Lê Công Đỉnh - đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Long An đề xuất.

14/04/2016
Phân bón Bình Điền nỗ lực thâm nhập thị trường Campuchia Phân bón Bình Điền nỗ lực thâm nhập thị trường Campuchia

Ban lãnh đạo Công ty CP Phân bón Bình Điền do ông Nguyễn Minh Sơn – Phó Tổng Giám đốc công ty làm trưởng đoàn vừa có buổi thăm và làm việc với đối tác Tập đoàn Yetak (Yetak Group) tại Vương quốc Campuchia.

14/04/2016
Kiện gà Mỹ bán phá giá chậm vì Hiệp hội chờ Bộ? Kiện gà Mỹ bán phá giá chậm vì Hiệp hội chờ Bộ?

Tháng 7.2015 Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ tuyên bố sẽ kiên quyết theo đuổi vụ kiện gà Mỹ bán phá giá. Tuy nhiên, khi đã hoàn tất những khâu chuẩn bị, vụ việc vẫn chưa thể tiến hành bởi chưa có kết luận từ phía cơ quan chức năng là Bộ NNPTNN.

14/04/2016