Giá / Tin nông nghiệp

Kiện gà Mỹ bán phá giá chậm vì Hiệp hội chờ Bộ?

Kiện gà Mỹ bán phá giá chậm vì Hiệp hội chờ Bộ?
Tác giả: Đặng Minh
Ngày đăng: 14/04/2016

Từ tháng 5.2012 đến nay, ngành chăn nuôi gà trong nước đứng trước bờ vực phá sản bởi gà Mỹ nhập vào với giá rẻ chỉ bằng một nửa giá gà trong nước. Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ đã quyết định lập hồ sơ khởi kiện gà Mỹ bán phá giá. Tuy nhiên, từ lúc tuyên bố kiện đến nay, sau gần 10 tháng, vụ kiện vẫn chưa thể tiến hành dù ngành chăn nuôi gà ngày càng gặp phải nhiều khó khăn.

Phải chờ và “đang chọn thời điểm thích hợp”

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết: “Có một số thông tin cho rằng chúng tôi từ bỏ vụ kiện nhưng không phải như vậy. Chúng tôi kiên quyết theo đuổi vụ kiện này đến cùng. Các khâu chuẩn bị về hồ sơ, thủ tục pháp lý đều đã cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, hiệp hội đang chọn thời điểm thích hợp để tiến hành vụ kiện”.

Lý giải về việc này, ông Quyết cho biết, có 2 cơ sở để khẳng định thịt gà Mỹ nhập vào Việt Nam không đảm bảo chất lượng. Đó là mức giá gà Mỹ xuất khẩu thấp như thế này không nước nào có thể nuôi được và giá gà nuôi tại Việt Nam tương đương với các nước nuôi gà lớn trên thế giới như New Zealand, Mỹ…

Thêm vào đó, khi có ý kiến cho rằng đây là sản phẩm phụ, người Mỹ ít ăn nên bán cho Việt Nam là không đúng, vì tại nước họ, người dân ngoài ức gà vẫn ăn cánh, đùi gà với giá 60.000- 70.000 đồng/kg. Bởi vì, có thông tin về dịch gia cầm bên Mỹ khiến các nước Châu Âu không nhập hàng từ nước này. Thay vì phải tốn chi phí tiêu hủy hàng tồn, các công ty Mỹ đã xuất khẩu sang Việt Nam nên mới có giá rẻ như vậy.

“Thứ 6 tuần trước, trong một diễn đàn bàn về TPP, tôi đã nêu lại ý kiến rằng các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ NNPTNN phải trả lời cho người dân và hiệp hội biết. Bộ NNPTNN phải có kết luận cuối cùng về vụ việc này. Khi đó, chúng tôi mới có cơ sở để tiến hành vụ kiện. Còn nếu không, chúng tôi muốn kiện nhưng Bộ NNPTNN không có kết luận, không có hàng rào kỹ thuật thì cũng đành bó tay. Không khác gì con đi kiện mà bố lại đi bênh người ta” - ông Quyết nói.

Được vạ, má đã sưng

Hiện nay, có 2 vấn đề theo Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ muốn Bộ NNPTNN phải giải thích: Số gà Mỹ bán phá giá ở Việt Nam vừa qua có vấn đề gì không và có phải nước ngoài muốn tiêu diệt ngành chăn nuôi gà trong nước hay không? Bởi cho đến bây giờ, ngoài phát biểu mang tính chung chung của Bộ trưởng Cao Đức Phát, rằng người Mỹ chuộng ức gà hơn đùi gà, cánh gà nên giá rẻ, cho đến nay, Bộ NNPTNN chưa hề có thêm động thái nào.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, khẳng định Hiệp hội vẫn tiếp tục tham gia vụ kiện. Mặc dù thời gian đầu có một số doanh nghiệp ngại và chần chừ chưa đóng nhưng hiện nay các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều đã cam kết đóng góp chi phí để tham gia vụ kiện. Tùy vào sản lượng từng công ty sẽ có mức đóng góp phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết, quý 4 năm 2015, 50% các hộ nuôi gà công nghiệp trong khu vực đã phải dẹp bỏ trang trại gà. Trung bình mỗi con gà người dân lỗ từ 15.000 - 20.000 đồng. Mỗi tuần, toàn miền Đông Nam Bộ thả mới 2 triệu con gà. Thời điểm quý 4-2015, tính đến khi xuất chuồng, thiệt hại tổng 30-40 tỷ đồng. Bà con thua lỗ chỉ biết dẹp chuồng để giảm bớt phần nào thiệt hại. Nếu nuôi nữa, chắc chắn càng lỗ. Doanh nghiệp cũng bị lỗ tương tự.

"Mặc dù hiện nay giá gà đã tăng lên 26.000 - 27.000 đồng/kg, nhưng người dân vẫn còn nợ nần nhiều, chẳng có vốn để nuôi lại"- ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, tình hình này diễn ra đều có nguyên nhân. Nước ta chưa có chính sách rõ ràng, gà Mỹ cách đây không lâu nhập vào Việt Nam chỉ có 0,85 USD/kg nhưng đến giữa năm 2015 còn có 0,52 USD/kg, tức 11.000-12.000 đồng/kg. Giá này không thể lời được khi tính phí vận chuyển, giết mổ. Tuy nhiên, vì đây là gà thải loại, các nước khác không cho nhập, riêng Việt Nam thì mở cửa, một trong những nguyên nhân khiến cả ngành nuôi gà công nghiệp trong nước điêu đứng.


Có thể bạn quan tâm

Tưới tiết kiệm để cứu cà phê, hồ tiêu Tưới tiết kiệm để cứu cà phê, hồ tiêu

Đối với cây hồ tiêu, trong giai đoạn kiến thiết cơ bản cần che bằng lưới cản để giảm cường độ ánh sáng trực xạ, giảm bốc thoát hơi nước.

14/04/2016
5 giải pháp để nông nghiệp thích ứng hội nhập 5 giải pháp để nông nghiệp thích ứng hội nhập

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần phải có các giải pháp giúp cho nông dân hiểu được phải làm gì để chủ động trong quá trình hội nhập” - ông Lê Công Đỉnh - đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Long An đề xuất.

14/04/2016
Phân bón Bình Điền nỗ lực thâm nhập thị trường Campuchia Phân bón Bình Điền nỗ lực thâm nhập thị trường Campuchia

Ban lãnh đạo Công ty CP Phân bón Bình Điền do ông Nguyễn Minh Sơn – Phó Tổng Giám đốc công ty làm trưởng đoàn vừa có buổi thăm và làm việc với đối tác Tập đoàn Yetak (Yetak Group) tại Vương quốc Campuchia.

14/04/2016