Trúng Đậm Vụ Tôm
14 năm triển khai nuôi tôm nước lợ, chưa khi nào bà con thôn Trường Định, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang - Đà Nẵng) trúng đậm như vụ một năm nay. Nhiều hộ, trừ hết các khoản chi phí, lãi ròng hơn 300 triệu đồng/ha.
Năng suất cao hơn mong đợi
Thời điểm này, 16ha ao hồ của 23 hộ nuôi tôm nước lợ ở thôn Trường Định đã thu hoạch xong. Niềm vui ngập tràn trên cánh đồng tôm khi không chỉ năng suất vượt trội so các năm trước mà tôm được giá. Trong số 23 hộ có khoảng 15 hộ năng suất đạt 4,5 - 5 tấn/ha. Đặc biệt, hộ ông Hồ Quý Công thả nuôi trên diện tích 1.000m2, thu hoạch 1,1 tấn (năng suất 11 tấn/ha). Số còn lại có thấp hơn nhưng không ai bị lỗ. Tôm loại 60 - 80 con/kg giá 103.000 đồng/kg. Nhiều hộ lãi ròng hơn 300 triệu đồng/ha. Một số hộ nuôi diện tích lớn như các ông Mai Phước Chín, Hồ Văn Hai… trúng đậm.
Thả nuôi 25 vạn con giống trên diện tích 3.200m2, chỉ trong hơn 3 tháng, ông Mai Phước Binh - Chi hội trưởng Chi hội Nuôi tôm Trường Định - thu hoạch 2,7 tấn, trị giá hơn 270 triệu đồng. Trừ chi phí, ông có trong tay 120 triệu đồng. Không giấu niềm vui, lão nông này cho biết: Chưa khi nào bà con nuôi tôm thu nhập kỷ lục như vậy, quả là vụ tôm trúng đậm. Thu nhập cao, ai nấy mạnh dạn đầu tư nuôi tiếp vụ 2, dự kiến thu hoạch vào khoảng rằm tháng 7 tới.
Nói về vụ tôm đạt năng suất kỷ lục kể từ trước đến nay, ông Binh đúc kết: 3 yếu tố có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của vụ tôm. Một là, hộ nuôi chủ động vốn đầu tư. Ngay từ đầu vụ, hộ nào cũng được Phòng Giao dịch Hòa Sơn, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hòa Vang giải ngân cho vay vốn.
Nhiều hộ vay từ 50 - 200 triệu đồng. Có vốn, ai nấy triển khai xử lý ao hồ rất chu đáo, đầu tư nuôi quy mô thâm canh, con giống mua từ Ninh Thuận về chất lượng rất bảo đảm; thức ăn cho tôm và việc phòng trừ dịch bệnh đầy đủ, chu đáo hơn. Hai là, quá trình nuôi áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật do Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm phối hợp Trường CĐ Thủy sản Bắc Ninh chuyển giao.
Lớp đào tạo nghề nuôi tôm triển khai ngay tại ao hồ, là cơ hội để người nuôi tôm nắm bắt đầy đủ quy trình kỹ thuật. Ba là, việc nuôi tôm có sự quan tâm rất lớn từ chính quyền các cấp và cơ quan chức năng. Trước đây, điện phục vụ chạy máy sục khí luôn yếu và chập chờn, nay đã được khắc phục. Bên cạnh đó, nuôi theo công nghệ hồ treo năng suất rất cao. Vụ vừa qua, hộ ông Hồ Quý Công, năng suất gấp đôi hộ khác do ông nuôi hồ kiểu này, tức là hồ ở vị trí cao, trải bạt, bơm nước vào nuôi.
Ông Binh cho biết thêm, các hộ năng suất thấp do mua con giống trôi nổi trên thị trường không bảo đảm chất lượng, quá trình nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật chưa đến nơi đến chốn. Trong số này có hộ ông Trương Đình Nam, nuôi 7.000m2 nhưng chỉ thu hoạch 2,3 tấn, vừa hòa vốn. Không phủ nhận thả nuôi con giống chất lượng kém, chưa áp dụng triệt để tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn, ông Nam quả quyết: Đây là bài học đắt giá. Từ nay, chất lượng con giống và quy trình kỹ thuật phải đặt lên hàng đầu.
Mở rộng vùng tôm
Ông Mai Phước Sắt, trưởng thôn Trường Định cho biết, mở rộng vùng tôm là yêu cầu bức thiết trong sản xuất hiện nay của nông dân địa phương. Nuôi tôm mỗi năm 2 vụ, năng suất như vụ này, người nuôi thu từ 1,2 - 1,3 tỷ đồng/ha, trừ chi phí lãi ròng 500-600 triệu đồng. Trong khi sản xuất lúa, cả hai vụ, năng suất cao lắm chỉ 10 tấn/ha, trị giá 50 triệu đồng, trừ chi phí lãi 10 triệu đồng là nhiều. Hiện tại, đất lúa của địa phương khoảng 80ha, trong đó khá nhiều diện tích chỉ canh tác một vụ. Từ lâu, bà con trong thôn đã có kiến nghị lên xã về việc chuyển đất lúa sang nuôi tôm, song chưa được phê duyệt.
Hiện tại, ở Trường Định, một bên đường bê-tông là hồ nuôi tôm, thu nhập rất cao, một bên là ruộng lúa đang bỏ hoang. Điều này đồng nghĩa với thực trạng, trên cùng một cánh đồng, nhiều hộ nuôi tôm đang giàu lên nhanh chóng, trong khi không ít gia đình sản xuất lúa quanh năm lâm vào cảnh túng thiếu. Việc triển khai dự án nuôi tôm quy mô công nghiệp tại thôn Trường Định thời gian tới là cần thiết. 40 - 50ha đất lúa được quy hoạch bài bản, xây dựng ao hồ nuôi tôm sẽ là bước đột phá có ý nghĩa nhất trong xây dựng nông thôn mới ở vùng quê này.
Có thể bạn quan tâm
Mấy vụ gần đây, nông dân ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) chủ động chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng dưa chuột, mang lại thu nhập hơn hẳn các loại rau màu khác.
Nông dân Võ Văn Quýt, 60 tuổi, nhà ở dưới chân sườn núi Cấm, ấp Ba Xoài, xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang) trồng trên 3.500 gốc xoài các loại. Mỗi năm, xoài cho ra trái 1 vụ chính, bắt đầu từ tháng 3 âm lịch và kéo dài 4 tháng. Nhờ tận dụng tối đa các ưu đãi của thiên nhiên và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Quýt xử lý xoài cho ra hoa, kết trái nghịch vụ vào khoảng tháng 10 âm lịch, bán được giá, thu được lợi nhuận cao.
Để góp phần thúc đẩy nghề nuôi lợn rừng phát triển bền vững, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án khảo nghiệm nuôi lợn rừng sinh sản tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát thuộc Chương trình khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ. Dự án khảo nghiệm với 2 mục tiêu chính: Đánh giá sự thích nghi của lợn rừng đã được thuần hóa nguồn gốc Thái Lan tại huyện Bát Xát; cho phối giống tạo ra giống thuần chủng có chất lượng cao.