Trồng Tiêu Trên Trụ Cóc Rừng Ở Bình Thuận
Anh Nguyễn Đức Dũng (51 tuổi) ở thôn Tân Quang, xã Sông Phan, Hàm Tân (Bình Thuận) đã đưa gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng với mô hình trồng hồ tiêu trên trụ cây cóc rừng.
Gia đình anh Nguyễn Đức Dũng gắn bó với công việc trồng tiêu đã gần 15 năm nay, năm nào vườn tiêu 400 trụ cũng cho thu hoạch hơn từ 1,5 đến 2 tấn tiêu hạt. Anh Dũng tính toán: Với giá bán hiện tại 150.000 đồng/kg, năm nay vườn tiêu 400 trụ của gia đình anh cho thu hoạch trên 1,5 tấn, sau khi trừ chi phí, lãi gần 200 triệu đồng.
Ngoài các yếu tố cần cù, kiên trì của chủ vườn, sở dĩ vườn tiêu của anh Dũng luôn cho năng suất cao trước hết là do khâu chọn giống, kỹ thuật trồng và biết ứng dụng đầy đủ kinh nghiệm học hỏi từ những người trồng tiêu ở vùng Long Khánh, Đồng Nai. Anh Dũng cho biết: Giống tiêu được mua chọn lọc từ vườn ươm Bảo Chánh - Long Khánh, trồng theo mật độ 120 cây/1 sào; Sau 2 năm chăm sóc cây non thật kỹ, qua năm thứ 3 mới cho dây bò lên thân cây cóc rừng để tiêu bám trụ phát triển. Với đặc thù “nắng không ưa, mưa không chịu”, ngoài việc bón đầy đủ các loại phân hữu cơ theo từng quy trình sinh trưởng. Vườn tiêu của gia đình anh luôn được ủ gốc trong mùa nắng để giữ độ ẩm và lên líp để kịp thoát nước sau mỗi trận mưa, không để nước ứ đọng ở gốc cây là nguyên nhân chính gây ra bệnh thối rễ cây tiêu rất khó trị. Lợi thế là vườn tiêu của anh nằm cạnh dòng chảy sông Phan nên rất thuận cho việc tưới tiêu quanh năm. Anh cũng đã tận dụng đất phù sa ven sông để làm bầu trụ và đất ươm cho những dây tiêu giống.
Nhớ lại nhiều năm trước đây, trên mảnh đất này, anh Dũng đã trồng thử nhiều loại cây khác tuy cũng đạt hiệu quả kinh tế nhưng đến khi được giới thiệu, nghiên cứu, so sánh, anh đã đi đến quyết định dốc vốn đầu tư, chọn cây tiêu làm cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Ngay từ những vụ thu hoạch đầu, cả nhà mừng rỡ vì thu nhập từ cây tiêu cao gấp 3 lần so với các loại cây trồng trước đây.
Một trong những sáng tạo của anh Dũng là dùng cây cóc rừng để làm nọc tiêu thay thế những trụ gỗ, trụ xi măng. Vì trụ gỗ không có nhiều vì rừng đã kiệt, còn dùng trụ gạch, xây xi măng lại phải đầu tư chi phí khá cao. Trong khi đó, cây cóc lại có sẵn trong nương rẫy, anh chỉ bỏ công chặt nhánh đem về trồng. Từng bước một tuy chậm nhưng đến nay tất cả 400 cây cóc dùng làm nọc tiêu phát triển xanh tốt, cây tiêu bám trụ nhanh và cho chất lượng hạt cao. Phát huy lợi thế sẵn có, năm 2010 anh Dũng tiếp tục mở rộng diện tích thêm 300 trụ. Nhờ chăm bón kỹ như vậy nên vườn tiêu năm nào cũng cho thu hoạch cao.
Related news
Nhiều vườn cây ăn trái như vú sữa, xoài, sa pô chê… ở Tiền Giang, Đồng Tháp… đang bị suy kiệt, lão hóa, thậm chí “chết đứng” do thối rễ, khô lá, chết nhánh, làm cho nhà vườn lo lắng. Theo một số nhà quản lý, do chủ vườn, thương lái “bắt” cây ra trái quá mức nên cây mới suy kiệt, chết. Còn các nhà vườn lại bảo cây chết là do bón nhầm phân giả, nên nguồn nước, đất vườn bị ngộ độc làm hại cho cây…
Dự án “Thử nghiệm mô hình nuôi cua đồng thương phẩm trong ao đất và ruộng lúa tại huyện Đất Đỏ”, do Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì thực hiện đã xây dựng được một quy trình công nghệ nuôi cua đồng phù hợp với điều kiện của tỉnh, giúp nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo có thể áp dụng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, nhờ tình hình thời tiết thuận lợi, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ nên nhiều tàu thuyền đã vươn khơi bám biển. Qua đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt hơn 52.000 tấn, bằng 61% kế hoạch năm 2013.