Trồng thanh long sạch đón đầu thị trường đẳng cấp
Bình Thuận xác định đây là hướng đi tất yếu và bền vững để nâng cao chất lượng và giá trị thanh long của địa phương.
Ngành nông nghiệp Bình Thuận đang khuyến khích nông dân sản xuất thanh long theo hướng an toàn.
Hiện nay, để tránh lệ thuộc vào thị trường truyền thống, nhiều nông dân ở tỉnh Bình Thuận đã mạnh dạn đầu tư trồng thanh long theo tiêu chuẩn an toàn GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Ngành nông nghiệp Bình Thuận xác định đây là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng và giá trị của loại nông sản lợi thế này của địa phương.
Gia đình ông Nguyễn Quốc Nguyên Vũ ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam gắn bó với nghề trồng thanh long từ hơn 20 năm qua. Nhận thấy giá cả thanh long canh tác theo lối truyền thống lên xuống thất thường, 3 năm trước, ông Vũ đã quyết định chuyển hướng qua sản xuất thanh long sạch.
Trang trại thanh long sạch Phúc An của ông Vũ hiện có 25 ha đã cho thu hoạch xuất đi các nước New Zealand, Hàn Quốc và Cananada... Ông Vũ vừa xúc tiến trồng thêm 20 ha, nâng tổng diện tích thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP của trang trại lên 45 ha.
“Người trồng nên chủ động làm cho thanh long đạt chất lượng cao hơn, từ đó nâng giá thành sản phẩm lên bằng cách sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc theo hướng hữu cơ. Sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn sẽ không phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống”, ông Vũ cho biết.
Quy trình sản xuất GlobalGAP đòi hỏi kỹ thuật cao và có sự quản lý nghiêm ngặt, từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch và đóng gói xuất khẩu. Theo quy trình này, vườn canh tác GlobalGAP hoàn toàn khác với vườn bình thường. Diện tích đất trong vườn phân ra thành từng khu, từng lô theo thứ tự có đánh số cụ thể để dễ dàng chăm sóc và quản lý cũng như truy nguyên nguồn gốc khi có sự cố dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc mầm bệnh xảy ra.
Tại trang trại Sơn Trà, huyện Hàm Thuận Nam, với diện tích hơn 20 ha, các nhân công chăm sóc vườn theo một kế hoạch bài bản. Các công đoạn làm vườn như bón phân, cắt cành, tưới nước... đều được người phụ trách kỹ thuật ghi chép cẩn thận theo từng khu vực và quy trình chặt chẽ.
Anh Nguyễn Hữu Phương, quản lý kỹ thuật tại Trang trại Sơn Trà cho biết, thanh long sạch trồng và chăm sóc khó hơn, trong khi các thị trường khó tính luôn đòi hỏi yêu cầu chất lượng từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển. Tuy nhiên khi đáp ứng được các yêu cầu này, sản phẩm thanh long sẽ có giá cao hơn.
Hiện nay, ngoài 2 trang trại lớn có tiếng là Hoàng Hậu và Rau quả Bình Thuận, hơn 10 trang trại khác ở tỉnh Bình Thuận cũng đang đẩy mạnh sản xuất thanh long sạch cho hiệu quả kinh tế cao, đáng kể đến như Gia Thành, Phúc An, Sơn Trà... Hầu hết sản lượng làm ra đều được xuất qua các thị trường khó tính như Đức, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... với giá ổn định xấp xỉ trên dưới 30.000 đồng/kg.
Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 220 ha thanh long trồng theo tiêu chuẩn. Ngành nông nghiệp địa phương định hướng, từ nay đến năm 2020 phải tập trung sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn an toàn để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Mới đây, Chính phủ Australia cũng vừa chấp nhận cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long Việt Nam. Điều này đã mở ra thêm cơ hội cho người trồng thanh long sạch.
Kỹ sư Phạm Hữu Thủ, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, để xuất thanh long vào thị trường Australia phải cần có nguồn gốc xuất xứ rất rõ ràng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác kiểm dịch, kiểm soát côn trùng. “Sở đang tiếp tục vận động bà con nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và GlobalGAP”, Kỹ sư Phạm Hữu Thủ thông tin.
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 27.000 ha thanh long, sản lượng khoảng nửa triệu tấn/năm, nhưng chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Nhìn vào bức tranh chung, diện tích sản xuất thanh long theo hướng an toàn GlobalGAP còn ít so với tiềm năng hiện có. Nhưng đứng trước xu thế hội nhập, đây là hướng đi vững chắc. Những nông dân tiên phong thay đổi tập quán, mạnh dạn đầu tư canh tác theo hướng nông nghiệp an toàn, đang mở ra hướng đi mới cho loại nông sản lợi thế này của tỉnh Bình Thuận./.
Related news
Năm ngoái, xuất khẩu gạo đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua với chưa tới 5 triệu tấn. Nhưng năm nay, lượng gạo sẽ tăng mạnh và có thể cao hơn gần 1 triệu tấn
Với niềm đam mê con vật lạ, một người đàn ông ở Quảng Nam đã thành công với mô hình nuôi chồn hương và chim công kết hợp, thu về hơn 200 triệu đồng/năm.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, sau 9 năm đàm phán, trái thanh long Việt Nam đã chính thức lên đường sang Australia vào chiều 20/9 với lô hàng đầu