Trồng Táo Xanh Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Ở Ninh Phước (Ninh Thuận)
Được triển khai từ tháng 8/2012 tại xã Phước Sơn (Ninh Phước - Ninh Thuận) trên diện tích 2,5 ha, mô hình trồng táo xanh theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả trong việc “sạch hóa” nông sản, là hướng đi phù hợp, tạo chỗ đứng tin cậy trên thị trường.
Mô hình do Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh triển khai, với sự tham gia của 10 hộ dân ở hai thôn Ninh Quý 1 và Ninh Quý 3. Ngoài việc được hướng dẫn chi tiết quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn của VietGAP, các hộ còn được hỗ trợ một phần vật tư nông nghiệp và tập huấn về cách sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Thành (thôn Ninh Quý 3) cho biết: “Tôi tham gia mô hình với diện tích 2 sào, được hướng dẫn thực hiện và ghi chép cụ thể từng thời điểm bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc như thế nào,… Mặc dù tổng chi phí đầu tư có cao và quy trình phức tạp hơn nhưng qua nửa năm thực hiện, tôi thấy cây táo ít sâu bệnh, lượng thuốc phải dùng cũng ít hơn, năng suất táo thì đạt hơn, sạch và an toàn hơn.” Ông Thành cũng cho biết thêm, mặc dù quy trình này khá chặt chẽ nhưng rất dễ làm, không hề khó khăn như mọi người vẫn nghĩ. Các hộ nông dân ngoài mô hình cũng rất quan tâm, học hỏi cách làm mới này. Quy trình sản xuất nông sản theo VietGAP quản lý và đảm bảo an toàn ở tất cả các khâu từ chuẩn bị làm đất đến bảo quản sau thu hoạch, thông qua 4 tiêu chuẩn: kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc. Do vậy, sản phẩm đưa ra thị trường không chỉ mang tính an toàn mà còn có khả năng truy nguyên nguồn gốc khi xuất hiện vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xã Phước Sơn hiện có trên 250 ha táo, chiếm hơn ¼ diện tích táo toàn tỉnh nên nếu mô hình này được nhân rộng thì đây sẽ là vùng nguyên liệu táo sạch, hoạt động sản xuất và thu nhập của nông dân sẽ ổn định. Tuy nhiên, vấn đề người trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP đang băn khoăn là đầu ra của sản phẩm. Ông Dương Thanh Tùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Sơn cho biết: Hiện tại, các hộ tham gia mô hình này vẫn tự bán sản phẩm thông qua thương lái trên địa bàn, với giá ngang bằng giá táo loại thường, tức dao động quanh mức 10.000 đồng/kg, tùy kích cỡ và mẫu mã.
Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ quả táo như nước ép, táo sấy khô, mứt táo, rượu táo,… chưa nhiều. Quả táo xanh Ninh Thuận chủ yếu dùng ăn tươi, sản xuất và tiêu thụ tự do, chưa có bao bì nhãn mác. Táo thu hoạch chưa qua sơ chế nên thời gian bảo quản ngắn, chỉ khoảng 4 ngày.
Được biết, hiện Hội Nông dân tỉnh cùng với Sở Khoa học và Công nghệ đang xúc tiến xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Táo xanh Ninh Thuận. Đây sẽ là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm táo sạch ra thị trường trong và ngoài nước. Khi ấy, cây táo xanh sẽ thật sự trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương với hiệu quả kinh tế bền vững.
Related news
Ngư dân khai thác tôm hùm giống tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết, hiện nay, giá tôm hùm giống cuối vụ đạt 200 nghìn đồng/con, tăng 50 nghìn đồng/con so với cùng kỳ năm 2012.
Ngày 4/6/2013, tại khu nuôi tôm công nghiệp 200 ha ấp Long Thạnh, xã Long Toàn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Duyên Hải và bà con ngư dân xã Long Toàn tham dự tổng kết Mô hình trình diễn nuôi cá chẽm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, bà con tập trung xuống giống đồng loạt từ đầu tháng 5 đến ngày 25-5-2013 để né rầy, sâu bệnh và thời tiết. Nhưng thực tế, cho đến bây giờ, bà con ở Ba Tri, Bình Đại và Giồng Trôm mới chỉ dọn đất và chờ “mưa già”, vì nước còn mặn.