Trồng rau sạch trong nhà lưới thu 20 triệu đồng mỗi ngày
Với hơn 5.000 m2 nhà lưới trang bị hệ thống tưới tự động, mỗi ngày, cơ sở rau an toàn Song Hành cung cấp cho thị trường khoảng 2 tấn rau sạch các loại, đem về doanh thu 15-20 triệu đồng.
Trong ảnh: Vườn su hào xanh mướt. Ảnh: Rau Song Hành.
Trước năm 2013, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xuất hiện một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh rau sạch, tuy nhiên, sản lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nắm bắt được thực tế này, chị Nguyễn Thị Hoàn, ở thị xã Quảng Yên quyết định thành lập cơ sở rau an toàn Song Hành nhằm cung cấp nguồn rau sạch cho thị trường, đồng thời, tạo thu nhập cho gia đình.
Sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ cho thuê một ha đất tại xã Tiền An, cộng với phần diện tích đất nông nghiệp thuê lại của các hộ dân trong vùng, chị Hoàn đầu tư mở nhà lưới trồng rau an toàn theo mô hình VietGAP.
Bước đầu, chị bỏ ra gần 8 tỷ đồng để xây dựng 5.300 m2 nhà lưới. Vườn trồng được trang bị hệ thống tưới phun tự động. Quy trình canh tác rau tại đây đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định từ chọn giống, gieo trồng, ươm hạt tới chăm sóc. Các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và bảo quản sau thu hoạch cũng được chú trọng. Với hơn 30 loại rau gồm rau ăn lá; rau củ, quả; rau thủy canh; rau mầm; dưa lưới…, mỗi loại đều được trồng theo lô và đánh số thứ tự để tiện theo dõi, chăm sóc.
Giàn dưa leo sai quả của cơ sở. Ảnh: Rau Song Hành.
Nhờ được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP, các loại rau cho chất lượng đồng đều, sản lượng cao. Với 5.300 m2 canh tác, mỗi ngày, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 2 tấn rau an toàn, mang về doanh thu 15-20 triệu đồng, thời vụ cao điểm có thể đạt 30 triệu đồng. Không chỉ được bán tại 8 cửa hàng, đại lý rau an toàn của công ty trên địa bàn, sản phẩm của cơ sở còn mở rộng ra thị trường TP Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả…
Mỗi ngày, cơ sở cung cấp cho thị trường 2 tấn rau sạch các loại. Ảnh: Rau Song Hành.
Sau thành công bước đầu, cơ sở của chị Hoàn tiếp tục đầu tư hơn 3 tỷ đồng để trồng rau xà lách thủy canh theo công nghệ hiện đại. Theo phương pháp này, rau trồng thủy canh sẽ giảm sâu bệnh, nguồn dinh dưỡng cho cây cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngoài ra, do không sử dụng bất kỳ loại phân hóa học nào trong quá trình trồng nên rau thành phẩm luôn đảm bảo an toàn.
Có thể bạn quan tâm
Trở về quê hương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng trai trẻ Võ Văn Tiếng đã khẳng định mình khi quyết tâm khởi nghiệp bằng cách làm lúa sạch
“Nuôi heo bằng trà xanh Tea-ton” chính là tên dự án khởi nghiệp của Lê Nguyễn Hoài Thương (SN 1995) - SV lớp Quản trị kinh doanh K10 Trường ĐH Yersin Đà Lạt
Việc cải tạo những vùng đất cát hoang hóa để trồng rau đã giúp nông dân xã Điền Lộc, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) rủng rỉnh tiền tiêu…