Chàng trai trẻ đất "sen hồng" khởi nghiệp từ… lúa sạch
Trở về quê hương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng trai trẻ Võ Văn Tiếng (26 tuổi, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã khẳng định mình khi quyết tâm khởi nghiệp bằng cách làm lúa sạch, nói không với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Trong ảnh: Chàng trai Võ Văn Tiếng bên cánh đồng sản xuất “lúa sạch”.
Xuất ngũ năm 2010, chàng trai trẻ đất “sen hồng” đã dành thời gian để cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bà con nông dân khắp các vùng từ Nam ra Bắc để tìm hướng lập nghiệp cho bản thân. Khi đó chàng trai tuổi 21 đã hun đúc ý chí phải sản xuất bằng được “lúa sạch” khi ngoài thị trường đang tràn ngập các sản phẩm chứa đầy chất độc hại. Như tìm được hướng đi cho bản thân, Tiếng bắt đầu tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm sản xuất lúa theo cách “thuần nông” của ông cha từ xa xưa.
Quay về quê hương, mang theo bao tâm huyết, Tiếng thuyết phục gia đình và mọi người xung quanh ủng hộ cho mô hình “mới mà cũ” của mình. Nhưng tất cả những gì Tiếng trình bày, chỉ nhận được cái lắc đầu, ngoảnh mặt của gia đình, thậm chí có người còn cho rằng anh bị tâm thần. Quyết tâm không bỏ cuộc, năm 2014 anh Tiếng tiến hành thực hiện mô hình “lúa sạch” trong sự nghi ngờ của nhiều người, thậm chí nhiều ý kiến trái chiều từ địa phương.
Khởi đầu, Tiếng sản xuất trên 1,7ha lúa của gia đình với giống lúa Nàng Hoa 9. Mùa vụ đầu tiên, năng suất lúa chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha, trong khi năng suất lúa phổ biến bấy giờ khoảng 6 - 10tấn/ha. Không nản chí, Tiếng tiếp tục cải tạo đất bằng cách cày xới xong tiến hành bón phân chuồng và cho đất “nghỉ” 2 tháng để bổ sung dinh dưỡng.
Bắt đầu mùa vụ mới, Tiếng triển khai mô hình “cá – lúa – vịt”, không phân, không thuốc. Dùng biện pháp canh tác đắp bờ bao lửng xung quanh, cho nước vào ruộng và thả cá, vịt để tiêu diệt các loại sâu bệnh. Năm 2016, chàng trai trẻ cùng với mô hình sản xuất lúa sạch “Tâm – Việt” đã đoạt giải nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp năm 2016” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ thu hút được các bạn trẻ, mô hình “lúa sạch” của Tiếng còn thu hút được cả những người nông dân khó tính nhất. Ông Nguyễn Văn Bùi (64 tuổi, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Trước đây tôi từng làm công tác cán bộ nông nghiệp của xã, sau đó trải qua việc sản xuất rau sạch tại TP Hồ Chí Minh, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức sử dụng phân hữu cơ.
Sau khi nghe Tiếng trình bày về mô hình trồng lúa “sạch tận gốc”, tôi – rất mê”. Thế là, ông Bùi khăn gói về cánh đồng “Tâm – Việt” để “chung lưng đấu cật” cùng nhóm của Tiếng với hi vọng những sản phẩm sạch sẽ đi khắp thị trường trong và ngoài nước. Điều khiến cho nhiều người hưng phấn chính là không dừng lại ở việc sản xuất “lúa sạch”, Tiếng còn nuôi “cá sạch” (thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha).
Đến nay, sau nhiều vụ canh tác, Tiếng rút ra nhận định: Mặc dù năng suất lúa canh tác chỉ đạt khoảng 60% so với diện tích của các ruộng lúa lân cận. Nhưng bù lại giá thành sản phẩm cao hơn so với gạo thường. Đặc biệt, Tiếng tự đi xay xát gạo và đóng bao bì thương hiệu, hút chân không, bảo quản theo tiêu chuẩn HACCP, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, có giá thành từ 28.000 – 32.000đ/kg.
Chia tay chúng tôi, Tiếng chia sẻ: “Tới đây, mô hình “lúa sạch” sẽ cho ra thị trường chuỗi giá trị trong nông nghiệp lúa gạo khép kín, từ gieo trồng, thu hoạch, đến xay xát, đóng gói và buôn bán qua mạng nữa”.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp về minh bạch khái niệm sữa hiện nay và cam kết mạnh mẽ của Bộ Y tế sau 2 năm việc giải quyết nhập nhèm tên sữa
Chương trình “Sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền
Ngày 10.3, cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) thông báo, cơ quan này đang cân nhắc nhập khẩu khoảng 800.000 tấn gạo theo chương trình của chính phủ