Trồng Nấm Rơm Lợi Nhuận Cao Ở Hậu Giang
Giá nấm rơm tươi được thương lái thu mua tại chỗ là 24.000 đồng/kg và luộc là 40.000 đồng/kg, đã thu hút khá nhiều nông dân tham gia chất nấm sau khi thu hoạch lúa Hè thu. Huyện Long Mỹ được xem là nơi có nhiều hộ trồng nấm rơm trong tỉnh và những hộ này đã thu được lợi nhuận khá cao.
Anh Lâm Chí Cường, ở ấp 3, xã Xà Phiên, bộc bạch: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau, nhà có vài công ruộng không đủ chi tiêu cho gia đình. Thấy giá ổn định, thị trường tiêu thụ dễ nên tôi bắt tay vào nghề trồng nấm. Từ khi trồng nấm cuộc sống gia đình bớt vất vả. Thời gian trồng tương đối ngắn, từ lúc ủ rơm đến thu hoạch khoảng 35 ngày, giá bán hiện tại là 24.000 đồng/kg, tăng 2.000-4.000 đồng/kg so cùng kỳ. Do thời tiết thuận lợi, với 30 công rơm chất đợt này cho năng suất đạt gần 900kg, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng”.
Theo anh Cường, nấm rơm dễ trồng và được chất quanh năm, vì thế nguồn rơm nguyên liệu có sẵn ở địa phương không đủ để đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, rơm được thương lái chở đến nhà dân để bán với giá 3 triệu đồng/ghe, nhưng người trồng nấm vẫn có lời vì giá nấm thương phẩm tương đối cao. Với kinh nghiệm 8 năm trong nghề chất nấm, cứ sau khi thu hoạch lúa là anh tận dụng rơm nhà và mua thêm chất 2-3 đợt.
Bên cạnh sử dụng sân bãi của gia đình, anh còn thuê, mượn thêm đất của các hộ lân cận để chất. Tuy nhiên theo anh Cường, để nấm rơm bán được giá, ngoài phụ thuộc yếu tố thị trường, thời tiết làm nấm trúng hay thất thì cũng phải biết canh thời điểm, nhất là dịp rằm hàng tháng vì người đi chợ mua nhiều.
Điểm thuận lợi ở xã Xà Phiên là có nhiều điểm thu mua nấm rơm nên bà con sau khi thu hoạch nấm không sợ bị thương lái ép giá. Anh Bùi Văn Nhiên, thương lái thu mua nấm rơm ở ấp 3, gắn bó với nghề gần 3 năm nay. Một ngày anh mua từ 300-400kg nấm tươi từ người dân đem cân lại cho đại lý cũng có lời vài trăm ngàn đồng/chuyến.
Anh Nhiên tâm sự: “Qua nhiều năm trong nghề tôi thấy nấm rơm đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân ở đây cũng đang chuyển hướng vào mô hình này. Tôi cũng vậy, ngoài làm lúa, mua nấm còn trồng nấm để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.
Nghề trồng nấm rơm ở huyện Long Mỹ thời gian qua không chỉ cải thiện cuộc sống gia đình mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn nên ngày càng được người dân nhân rộng. Dù được xem là nghề phụ, nhưng trồng nấm lại có thu nhập khá cao so với làm lúa.
Anh Trần Duy Hải, ở ấp 3, xã Xà Phiên, cho biết: “Hàng ngày tôi chỉ phụ giúp gia đình chăm sóc đồng ruộng nên thời gian nhàn rỗi khá nhiều. Nhờ sự hướng dẫn cách trồng của những người đi trước và bây giờ tôi cũng đã chất thành công. Đợt vừa rồi, tôi chất 20 công rơm, cho thu hoạch gần 700kg nấm, giá bán 24.000 đồng/kg, có lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng”.
Không chỉ có những hộ chất nấm bán được giá, mà tại các chợ như Long Mỹ, Vị Thanh giá nấm cũng ở mức khá cao. Chị Thủy, một tiểu thương tại chợ Long Mỹ, cho biết: Giá nấm rơm tại chợ hiện còn 35.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so tuần trước do đang vào mùa thu hoạch rộ.
Nấm rơm được người dân chở ra bán nhiều, nhưng sức mua tại chợ giảm không đáng kể. Nhưng theo dự đoán, không bao lâu nữa, sau khi hết mùa thu hoạch lúa, lượng rơm rạ dùng cho chất nấm không còn, nguồn cung thiếu hụt thì giá cả sẽ nhảy vọt lên.
Theo Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, hàng năm trên địa bàn huyện có cả ngàn hộ tham gia chất nấm rơm, tập trung nhiều ở xã Long Phú, Thuận Hòa, Thuận Hưng, Xà Phiên… Dù chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi sau mùa thu hoạch, nhưng đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao đối với nông hộ.
Thời gian qua, ngành cũng đã phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp người dân trồng nấm cho năng suất, chất lượng cao. Trên địa bàn huyện cũng có nhiều cơ sở chế biến nấm rơm và ở mỗi xã đều có đại lý thu mua nên sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ khá thuận lợi…
Có thể bạn quan tâm
Thực tế là, trong khi chưa có quốc gia nào trên thế giới thực hiện BH thủy sản thì tại ĐBSCL, Nhà nước đã thực hiện thí điểm thành công. Tuy nhiên, việc có tiếp tục được hết thời gian thí điểm hay không, có thể triển khai ra diện rộng hơn hay không... lại là một câu chuyện khác.
Ngoài việc vươn khơi đánh bắt hải sản dài ngày trên biển, hiện nay người dân thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) mở thêm một nghề mới đó là nghề nuôi cá vược trên đoạn sông Gianh chảy qua địa phương. Nghề nuôi cá vược tuy mới mẻ nhưng kỳ vọng sẽ mở ra một hướng làm ăn mới giúp người dân nơi đây có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống...
Gần 100 năm về trước, khi lần đầu tiên đưa cây nho về trồng thử nghiệm ở Ninh Thuận, chắc chắn người Pháp cũng không thể ngờ được rằng loại cây trồng "khó tính" lại ưa thích và sinh sôi phát triển mạnh mẻ ở vùng đất "đầy nắng lắm gió" này.