Trồng Nấm Rơm Làm Giàu

Đến xã Hậu Mỹ Trinh, một trong những địa phương có nghề trồng nấm rơm phát triển ở tỉnh Tiền Giang, bà con nơi đây nhắc ngay đến ông Trần Văn Chính, một trong những người thâm niên và thành công trong mô hình trồng nấm hiệu quả này.
Ông Chính kể, trước đây gia đình ông thuộc dạng hộ nghèo, chỉ có duy nhất cái nền nhà. Khi mới vào nghề ông Chính chỉ thuê 2 công đất (2.000 m2) và đi xin rơm về trồng. Đến nay, ông đã thuê hơn 150 công đất trồng nấm rơm. Năm 2010, ông trồng 3 vụ nấm, thu hoạch được hơn 9 tấn, trừ chi phí còn lãi 243 triệu đồng.
Theo ông Chính, trồng nấm rơm chỉ cần siêng năng, chịu khó chăm sóc từ khâu thu gom rơm rạ cho đến xử lý, tưới nước. Nấm cho thu hoạch mỗi ngày, với 150 công đất, có ngày thu lãi 20- 30 triệu đồng. “Vào những ngày cao điểm như ngày lễ, ngày rằm, giá nấm lên 70.000- 80.000 đ/kg. Còn hiện tại dao động trên dưới 40.000 đ/kg. Dù giá cả thế nào, người trồng nấm vẫn có lãi”, ông khẳng định.
Với thâm niên trồng nấm rơm gần 15 năm của mình, ông Chính vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm như sau: Trước hết cần phải chuẩn bị đất, sau đó vận chuyển rơm lên liếp chất thành lớp và tưới nước thấm đều cọng rơm, ủ khoảng 10- 15 ngày, chất rơm thành dòng khoai, ngang 25 cm, dài tùy theo khuôn viên đất rộng hay hẹp. Dùng meo rải lên mặt rơm và phủ thêm lớp rơm thứ hai, nhằm giữ ấm kích thích meo phóng tơ, 10 ngày sau cho thu hoạch. Bình quân mỗi bịch meo giống loại 100 gram cho 1 kg nấm thương phẩm. Trồng nấm không phải phun thuốc, chỉ cần mỗi ngày tưới nước một lần vào buổi chiều, hôm nào mưa thì không cần tưới.
Không chỉ làm giàu cho chính mình, ông Chính còn góp phần tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương. Ông còn là tổ trưởng tổ hợp tác trồng nấm của xã Hậu Mỹ Trinh với trên 30 thành viên.
Một trường hợp tương tượng như gia đình ông Chính đó là hộ ông Lý Diễm Phương, ấp Mỹ Tường A, xã Hậu Mỹ Trinh. Trước đây, gia đình ông Phương cũng thuộc dạng hộ nghèo, nhờ vay vốn trồng nấm rơm mà ông đã thoát nghèo. Theo ông Phương, chuyện thua lỗ đối với nghề trồng nấm rơm rất ít khi xảy ra. Thông thường, cứ một đồng vốn bỏ ra thì người trồng nấm sẽ thu vào 4 đồng lời. Mặt khác, chu kỳ quay vòng của đồng vốn trong trồng nấm rơm rất nhanh, bởi trồng nấm rơm thời gian thu hoạch rất ngắn, chỉ trong vòng 1 tháng là xong một vụ mùa. Hơn nữa, rơm sau khi trồng nấm được tận dụng dùng để trồng bầu, khổ qua cho thu hoạch rất cao.
Cũng nhờ mô hình trồng nấm mà tỷ lệ hộ nghèo của xã Hậu Mỹ Trinh mỗi năm giảm ít nhất 5%. Về mặt xã hội, nghề trồng nấm đã tạo công ăn việc làm và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, bởi 90% số rơm sau khi thu hoạch lúa đã được bà con sử dụng để trồng nấm, không phải đốt bỏ như trước đây.
Ông Đặng Hoàng Hơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hậu Mỹ Trinh cho biết, ngành nông nghiệp và chính quyền xã đang hướng dẫn và giúp bà con phát triển nghề trồng nấm. Bên cạnh đó, địa phương còn khuyến khích trồng nhiều loại nấm khác như nấm bào ngư để tạo việc làm cho hộ không có nhiều đất SX.
Có thể bạn quan tâm

Hiện có một nghịch lý đang diễn ra là trong khi giá các loại thực phẩm từ thịt lợn, gà, trứng… xuất chuồng đều giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao. Nguyên nhân là các loại thực phẩm đã qua rất nhiều khâu trung gian mới có mặt trên thị trường.

Theo UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, từ tháng 2-2013 đến nay, nghêu nuôi ở khu vực biển Tân Thành có hiện tượng chết bất thường trên diện rộng, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho người dân nuôi nghêu. Theo nhiều người dân nuôi nghêu ở huyện Gò Công Đông, năm 2013, hoạt động nuôi nghêu của bà con ven biển Tân Thành gặp nhiều khó khăn do nghêu ốm, nhiều cát, giá nghêu sụt giảm mạnh trong khi nghêu nuôi các tỉnh phía Bắc liên tục đổ vào Nam với giá cả rẻ hơn cả nghêu nuôi tại địa phương. Trong vài tháng nay, giá nghêu thương phẩm chỉ ở mức 19.000-21.000 đồng/kg, giảm 10.000-12.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái. Đến khi nghêu chết, thương lái không mua hoặc mua với số lượng ít, nên người nuôi nghêu khó có thể thu hoạch để chạy bệnh.

Năm ngoái, nghêu nuôi khu vực ven biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) không có tình trạng chết hàng loạt như năm 2010 và 2011 nhưng niềm vui đó chưa trọn vẹn do nghêu giá thấp, khó tiêu thụ. Giờ đây, nghêu nuôi lại chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến hàng trăm tỷ đồng của nông dân trôi theo bọt nước.