Trồng Măng Tây Trên Giá Thể Phân Trùn
Hợp tác xã nông nghiệp Xanh (Đơn Dương - Lâm Đồng) đã trồng măng tây trên giá thể phân trùn quế ở các xã Hiệp Thạnh, Liên Nghĩa, Bình Thạnh của huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), đạt lợi nhuận lên đến 500 triệu đồng/ha/năm.
Ông Vũ Viết Hưng, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Xanh cho biết: Từ tháng 12/2012, HTX của ông đã đưa hạt giống cây măng tây từ Mỹ về trồng thực nghiệm trên 500m2 tại xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng. Hạt giống được gieo ươm trên giá thể phân trùn quế (sản xuất từ Bình Phước) sau 45 ngày mới đưa ra trồng đất vườn ngoài trời. Theo hướng dẫn từ bên cung cấp giống, trên từng luống đất phải được cày ải để diệt cỏ rồi xới lại tơi xốp và bón lót phân trùn quế (thay thế phân chuồng) từ 10 - 15 ngày trước khi xuống trồng măng tây.
Kết quả hạt giống măng tây trong vườn ươm HTX (rộng 50m2), đạt tỷ lệ sống khoảng 95%; khi đưa ra trồng ngoài trời, tỷ lệ phát triển xanh tốt khoảng hơn 90%. Với ông Vũ Viết Hưng, đây là những tỷ lệ “chưa như ý” vì lần đầu tiên trồng trên đất Hiệp Thạnh, chưa cân đối “đạt chuẩn” về quy cách trồng, về lượng nước tưới và lượng bón phân trùn quế “tương thích” với từng thời điểm nhiệt độ, thời tiết khác nhau.
Tuy nhiên, sau 3,5 tháng bước vào thu hoạch “măng tây bói”, HTX của ông Hưng đã khắc phục những “lỗi” chăm sóc “đầu tay”, từ đó đã dần hoàn chỉnh một quy trình cho đến thời kỳ thu “măng tây rộ” mùa đầu tiên kể từ tháng 6/2013 này. Theo đó, trên 1ha trồng khoảng 20 ngàn cây măng tây. Trồng từng luống đất đắp cao 20cm, chiều rộng mỗi luống trên dưới 1m, đào rãnh thoát nước giữa các luống. Bón lót khoảng 1 tấn phân trùn quế (thay thế khoảng 2 tấn phân chuồng). Măng tây sau gần 1 tháng tuổi, cứ 7 ngày bón tưới phân trùn quế qua lá 1 lần. Cứ vậy, từ 6 tháng tuổi trở đi, măng tây thu hoạch hàng ngày trên 1 ha đạt trên dưới 100kg.
Tính đến thời điểm 6/2013, HTX nông nghiệp Xanh đã xây dựng được vùng nguyên liệu măng tây trên 8 ha ở các địa bàn Hiệp Thạnh, Liên Nghĩa, Bình Thạnh của huyện Đức Trọng, trong đó 5 ha đang giai đoạn kinh doanh. Người trồng măng tây liên kết với HTX với tỷ lệ nguồn vốn đối ứng giống, phân bón 50%; còn lại tỷ lệ 50% sẽ trả dần cho HTX trong thời gian 6 tháng thu hoạch. Toàn bộ sản phẩm măng tây đều được HTX bao tiêu xuất khẩu sang các nước Thụy Sĩ, Đài Loan, Thái Lan, giá mua ổn định cả năm 30 ngàn đồng/kg.
Cân đối trên 1 ha trồng măng tây cho thấy, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 110 triệu đồng (giống, phân, hệ thống tưới, công làm đất…). Đến 6 tháng sau bước vào thời kỳ kinh doanh, mỗi ngày thu 100kg, bán được 3 triệu đồng, nhân một tháng đạt tổng thu 90 triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí và công lao động, mỗi tháng còn đạt lãi 50 triệu đồng. Như vậy mỗi năm thu hoạch liên tục 10 tháng, đạt tổng lãi 500 triệu đồng/ha măng tây.
Dự kiến đến tháng 8/2013, HTX nông nghiệp Xanh (Đơn Dương) sẽ bước vào mùa thu hoạch măng tây trên tất cả 8/8 ha. Trước khi trồng măng tây, những diện tích đất này trồng các cây bắp, đậu, lúa… hiệu quả kinh tế rất thấp. Lợi thế của cây măng tây là mua hạt giống về trồng lần đầu tiên, sau đó từ 3 - 5 năm, thu hoạch bộ rễ lên để tạo hom nhân giống đại trà. Trồng, thu hoạch đến 15 năm sau mới đưa hạt giống măng tây mới về thay thế giống cũ. HTX cho biết, thị trường xuất khẩu măng tây có tiềm năng rất lớn, nên luôn mời gọi nông dân các vùng Đức Trọng, Đơn Dương hợp tác để có thể mở rộng vùng nguyên liệu lên đến 50 ha.
Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Xanh, ông Vũ Viết Hưng, nói: “Trên đất Đơn Dương, Đức Trọng, cây măng tây trong thời gian 3,5 tháng, có thể trồng xen canh, thu hoạch với nhiều loại cây rau ngắn ngày như bắp sú, cải thảo, xà lách… Măng tây sinh trưởng trên giá thể phân bón trùn quế ở đây đã chứng tỏ là cây chịu hạn dài ngày, kháng bệnh tốt, rất ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, được thị trường tiêu thụ từ nước ngoài có những phản hồi tích cực…”.
Related news
Tình hình nuôi tôm biển của Bến Tre hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên tôm đã bùng phát và thiệt hại không nhỏ, nhưng nhìn chung kinh tế thủy sản trong tỉnh không ngừng phát triển cả nuôi trồng, đánh bắt và chế biến xuất khẩu.
Về xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, hỏi thăm “ông Phi dúi” tức Đào Duy Phi, gần như ai cũng biết.
Sau nhiều năm nghiên cứu, điều tra, bằng phương pháp chọn lọc cá thể kết hợp chọn lọc hỗn hợp từ các giống bản địa của tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận, Bộ môn Cây thực phẩm (Viện Cây lương thực- cây thực phẩm) đã chọn tạo thành công 2 giống bí xanh mới mang tên số 1 và số 2.