Trồng Chanh Chùm Thoát Nghèo
Với vốn ban đầu 50 triệu đồng ông Huỳnh Thanh Dũng ở ấp Bình Quới, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới – An Giang mua 2.000 gốc chanh tàu chùm về trồng.
Lúc đầu nhiều người trong xóm nói ra nói vào không hiệu quả. Thế nhưng, mấy năm gần đây cây chanh đã chứng minh cho nhiều người thấy và bất ngờ. Trồng chanh giúp ông Dũng mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.
Trước đây cây chanh thường được nông dân trồng xen chứ không ai trồng chuyên canh. Bởi chanh chẳng cho hiệu quả là mấy, bán giá thấp. Ông Dũng từng suy nghĩ như vậy. Cho đến khi có người bạn chuyên bán giống cây trồng ở Bến Tre giới thiệu có giống chanh tàu chùm mới nhập về, thuyết phục mua nên ông Dũng mạnh tay mua về trồng thử trên đất phía sau nhà 2.000 gốc với giá lúc đó là 22.000 đồng/gốc. Cây giống lúc mới mua về chỉ có một thân trơ trọi, có mấy lá nhỏ xíu lơ thơ. Ông trồng 2 bên bờ vườn mà chẳng ai ngó tới.
Toàn bộ công sức thời gian, ông đều tập trung vào cây xoài và thửa ruộng nhà. Nhưng rồi 2 năm sau cây chanh phát lên, trái ra oằn cây, phải dùng cây tre chống đỡ nhánh. Vườn chanh của ông nay được 4 năm tuổi, thương lái vô mua không đủ bán. Đó là lúc chanh có giá từ 9.000-12.000 đồng/kg. Một năm ông Dũng thu trên 200 triệu đồng.
Ngó qua thấy xoài khó ăn, ông chẳng ngại ngần đốn hết, tập trung chăm sóc chanh. Chanh lúc này cũng đã phủ rộng kín vườn, mỗi cây có tán rộng tới 5m2. Bình quân 1 cây chanh thu được từ 50-100 kg trái/năm. Cây chanh chỉ chăm sóc 1 lần cho thu hoạch suốt năm và chi phí phân, thuốc chẳng bao nhiêu. Ông chỉ tốn tiền giống đầu tư một lần.
Ông Dũng cho biết: Cao điểm thu hoạch rộ vào khoảng tháng 2-3, lúc đó trái thuận mùa rất sai, ông phải thuê từ 10-15 người hái chanh mới kịp cân bán cho bạn hàng. Giá chanh bán tại vườn lúc hút hàng lên đến 25-26 ngàn đồng/kg. Đứng trong vườn chanh trĩu quả, ông Dũng cho biết, tích lũy từ việc chăm sóc hàng ngày và học qua sách vở nên ông biết xử lý chanh cho trái nhiều mùa nghịch, giá cao.
Ưu điểm của giống chanh này không giống cùng loại chanh tàu khác, trái mọc rải rác và riêng lẻ. Chanh tàu chùm trái mọc thành từng chùm như đúng tên gọi của nó. Một cuống mọc ra cả chùm trái, bình quân mỗi chùm 5-10 trái, có chùm sai oằn tới 15 trái. Giống này mỏng vỏ, nước nhiều và vị chua rất đậm đà, hơn hẳn loại chanh núm, vỏ dày, ít nước. Ông dự tính sẽ chiết cành, bán giống để tăng thu nhập, dù giá chanh hiện đang xuống giá chỉ còn 5.000- 6.000 đồng/kg tại vườn nhưng mỗi ngày lái đến hái 500 kg, tính ra thu nhập của gia đình ông cũng được 2,5 triệu đồng.
Không chỉ thu nguồn lợi đáng kể từ chanh, ông Dũng còn trồng xen chuối già, mỗi năm thu nhập thêm hơn 100 triệu đồng. Trái chanh không phải lo đầu ra bởi lúc nào cũng dễ bán, thương lái đến tận vườn thu mua bán về TP.HCM, ra Hà Nội và xuất sang Trung Quốc.
Related news
29 tuổi, chị Nguyễn Thị Lan (thôn 8, xã Thiệu Khánh, TP.Thanh Hoá) đang sở hữu một trang trại rộng gần 3 mẫu, doanh thu 700-800 triệu đồng/năm.
Vừa qua, tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (An Thái Trung, Cái Bè) đã diễn ra Hội nghị triển khai Quy chế quản lý đàn cá tra bố mẹ chọn giống. Đồng chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Nguyễn Văn Trọng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, cùng hơn 30 đại biểu là lãnh đạo Sở NN&PTNT, chi cục thủy sản, trung tâm giống và các cơ sở sản xuất giống có nhận đàn cá tra chọn lọc của 10 tỉnh vùng ĐBSCL.
Trồng hoàn toàn tự phát và tiêu thụ quá dễ dàng với giá trị kinh tế cao nên người dân xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã ồ ạt phá bỏ vườn cây ăn quả -chủ yếu là bưởi và cam để trồng dó trầm. Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn...