Trồng Cà Tím Xuất Khẩu
Nông dân xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu) đang rất phấn khởi khi cuối cùng, họ đã tìm được hướng đi mới góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Đó là trồng cây cà tím thay thế những đám rau tạp các loại.
HƯỚNG ĐI MỚI
Ông Nguyễn Văn Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bưng Riềng cho biết: Tình cờ tôi được biết một hộ gia đình bên Hồ Tràm (xã Phước Thuận, Xuyên Mộc) trồng 2 hécta cà tím cho Công ty Duyên Hải (TPHCM) để xuất khẩu sang thị trường Nhật. Tôi về cho trồng thử nghiệm trên một mảnh ruộng nhỏ, sau khi cây cho trái, chúng tôi mời chuyên gia Nhật về kiểm tra. Họ về lấy mẫu trái và mẫu đất đi xét nghiệm, sau khi có kết quả, họ cho biết đất ở Bưng Riềng rất thích hợp cho cây cà tím và gật đầu đồng ý bao tiêu sản phẩm.
Sau đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã đứng ra làm trung gian trong hợp đồng trồng cà tím giữa Công ty Duyên Hải và bà con nông dân ở Bưng Riềng. Hợp đồng 3 bên - 4 nhà (3 bên là người nông dân, người thu mua và đại diện địa phương, 4 nhà là nông dân, chính quyền, doanh nghiệp và nhà khoa học) đã được ký kết. Sau khi ký hợp đồng, Công ty Duyên Hải trực tiếp cung cấp hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho bà con.
Cà tím thực ra đã được trồng phổ biến khắp nơi, nhưng ở Bà Rịa thì ít ai trồng nên ban đầu bà con gặp không ít khó khăn. Cũng may, đây không phải loại cây khó chăm sóc. Bên cạnh đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh cử hẳn một kỹ sư xuống, hàng ngày hướng dẫn bà con cách chăm sóc, từ việc bón phân, sử dụng thuốc đến xử lý sâu bệnh theo tiêu chuẩn VietGAP nên cây phát triển rất tốt và đang cho thu hoạch với năng suất khá cao. Hiện nay toàn xã Bưng Riềng đã có hơn 7 hécta cà tím.
CƠ HỘI THOÁT NGHÈO
Chúng tôi đến thăm vườn cà tím của ông Phạm Đức Tụ ở ấp 3, xã Bưng Riềng khi ông vừa hái trái trong ngày xong. Hôm nay ông hái trên diện tích 3 sào được gần 90 ký cà. Chỉ vào chiếc rổ nhựa đựng đầy những trái cà vỏ tím sẫm, bóng mượt và khá đều, ông Tụ nói: Trồng cà tím chẳng khác mấy so với cây bắp, khoai lang, khoai mì. Sau khi ngâm hạt từ 2 – 3 ngày thì nảy mầm, lấy ra gieo vô bầu, thời điểm này phải chú ý nhiệt độ, thích hợp nhất là từ 25 - 30oC. Khoảng 1 tháng sau, khi cây lên cao chừng 20cm mới trồng ra đất.
Theo ông Tụ, phải chú ý việc làm đất cho tơi xốp, làm rãnh thoát nước. Trồng mật độ vừa phải, 1.000 cây/ha. Trồng cà tím cũng không mất nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư ít, lợi hơn các cây màu khác. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 2 tháng, nếu chăm sóc tốt thì tuổi thọ của cây có thể đến 7 - 8 tháng, còn không cũng được 4 - 5 tháng.
Trò chuyện với bà con, được biết, thị trường Nhật rất khó tính. Họ yêu cầu trái phải đạt các tiêu chuẩn về kích cỡ (dài 5 - 6 cm, 30 - 35 trái/kg), màu sắc phải trơn láng… nên việc quan sát để thu hoạch trái đúng lúc rất quan trọng. “Ban đầu bà con chưa quen nên thường để trái dài 8 – 9 cm mới hái (cũng có một số bà con nghĩ để lớn hơn một chút cho thêm ký, thêm tiền), họ chê nên bán không được giá. Hiện nay thì bà con đã có kinh nghiệm trong việc này rồi”, ông Thiết cho biết.
Vào mỗi sáng thứ 7, trụ sở UBND xã Bưng Riềng lại tấp nập người ra vào. Đó là những nông dân đang theo học lớp trồng rau sạch do Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức.
“Với giống cây trồng mới như cà tím, khi các hộ xin tham gia mô hình, thì Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật khảo sát, phối hợp thực hiện, giám sát chặt chẽ để kịp thời hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật trong suốt quá trình gieo trồng thử nghiệm”, ông Nguyễn Văn Thiết cho biết.
Theo bà con, cà tím sau khi trồng khoảng 2 tháng là bắt đầu thu hoạch liên tục 4 - 6 tháng. Nếu chăm sóc tốt, có thể thu khoảng 40 tấn quả/ha. Với giá bán “xô” 6.500 đồng/kg, một ha có thể thu 260 triệu đồng, trong đó chi phí chỉ chừng 30 triệu. Có điều, bên công ty thu mua họ đặt ra yêu cầu quá cao. Nếu đạt yêu cầu loại 1 thì trái phải đúng kích cỡ, màu sắc, trọng lượng (dài 5 cm, nặng 3 gram).
Nhà ông Thiết vụ này trồng 3 sào, trung bình hái 1 ngày được ngót 100 kg, nhưng chọn mãi cũng chỉ được gần 10 kg loại 1, còn đa số loại 2. Loại 1 giá 10.000 đồng/kg, còn loại 2 khoảng 6.000 đồng/kg. Thêm nữa là nếu phân loại thì những trái quá to, sâu hay vỏ sần sùi đều bị loại. Cho nên ông Thiết chấp nhận giải pháp là bán “xô”. Như vậy cũng tạm chấp nhận được mặc dù vẫn hơi bị ép.
Anh Nguyễn Văn Hiển, 32 tuổi, ở ấp 2, trồng hơn 3 sào cà tím, cho biết: Tôi thấy mặc dù cây này cũng bị các loại bệnh phổ biến như sâu đục trái, rầy xanh, rầy trắng, bệnh héo xanh, phấn trắng, thối trái... nhưng trồng, chăm sóc cũng đơn giản, lại được hỗ trợ miễn phí về kỹ thuật, đầu ra ổn định nên kết quả rất khả quan. Đến nay trung bình mỗi ngày tôi hái khoảng 25 kg/sào. Cứ 2 ngày bên công ty xuống thu mua 1 lần. Mỗi lần như vậy tôi bán cho họ chừng 150 kg, thu ngót triệu bạc
Related news
Huyện Krông Búk có tổng diện tích 35.867,71 ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp chiếm 80%. Điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của huyện thích hợp với cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày có giá trị kinh tế cao.
Các tài liệu nghiên cứu về hành tây đã cho thấy, để đạt năng suất hành tây khoảng 30 tấn/ha thì cần 116kg N + 44kg P205 + 144kg K20.
Ông Lê Văn Phước Tưởng ở ấp 2, xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh cho biết, gia đình ông nuôi 3.000 m2 ao cá sặc rằn thu lãi gần 50 triệu đồng/năm.