Trồng Bí Đỏ Lấy Hạt Cho Thu Nhập Cao
Tác giả:
Ngày đăng: 17/06/2012
Trong thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã áp dụng mô hình trồng bí đỏ lấy hạt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 6 lần so với trồng bắp.
Năm 2010, sau khi biết Công ty TNHH Việt Nông giới thiệu mô hình trồng bí đỏ lấy hạt tại xã Đắk Lua, anh Trần Chung Kính ở ấp 9 đã mạnh dạn chuyển đổi 1 sào bắp sang trồng bí đỏ lấy hạt. Sau 3 tháng kể từ lúc xuống giống, nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, anh đã thu hoạch được 37 kg hạt bí khô. Với giá công ty mua là 600 ngàn đồng/kg, anh Kính đã lãi khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thấy hiệu quả, anh tiếp tục chuyển 4 sào bắp sang trồng bí đỏ lấy hạt nghịch vụ và anh vừa thu hoạch được khoảng 80 kg hạt khô.
Anh Kính cho biết: “Trồng bí đỏ lấy hạt không quá khó như nhiều loại cây khác nhưng phải thao tác khéo léo và đúng quy trình. Cán bộ kỹ thuật của công ty xuống hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thu hoạch nên rất yên tâm. Vào vụ chính, trung bình mỗi sào thu được từ 37 - 38 kg hạt khô. Còn vụ nghịch thì thu được khoảng 20 kg hạt khô/sào, giá công ty mua cũng thấp hơn, chỉ 400 ngàn đồng/kg. Công ty có khuyến cáo bà con không sản xuất vụ nghịch. Tôi thấy hiệu quả nên tự trồng, tính ra vẫn còn lời gấp 3 lần so với bắp. Còn vụ chính, hiệu quả gấp 6 - 7 lần”.
Không chỉ anh Kính mà nhiều nông dân khác ở Đắk Lua rất phấn khởi trước hiệu quả của giống cây này mang lại. Có thể nói, trồng bí đỏ lấy hạt là hướng đi mới để nâng cao thu nhập cho bà con xã Đắk Lua. Anh Nguyễn Thành Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã, nhận định: “Trồng bí đỏ lấy hạt là mô hình khá mới mẻ đối với bà con ở đây nhưng đem lại lợi nhuận cao, đặc biệt là vào vụ chính (vụ đông - xuân). Theo khảo sát của Công ty Việt Nông, vùng đất này rất hợp để trồng bí đỏ lấy hạt. Hiện nay diện tích trồng bí khoảng 10 hécta. Ở đây, tất cả các loại cây lấy hạt đều cho thu nhập cao hơn lúa và bắp, đặc biệt là cây bí đỏ. Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị công ty hỗ trợ cho bà con mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập”.
Được biết theo hợp đồng, công ty hỗ trợ tiền giống, bạt che và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con. Ngược lại, bà con cần tuân thủ các kỹ thuật trồng cây và bán hạt bí đã được phơi khô cho công ty.
Có thể bạn quan tâm
Mía Rớt Giá, Tái Diễn Điệp Khúc Trồng Rồi Chặt
Chi phí đầu tư tăng cao, nhưng giá mía lại sụt giảm khiến người trồng mía ở ĐBSCL lỗ nặng. Điệp khúc trồng mía rồi lại chặt tái diễn.
17/06/2012
Sầu Riêng Ri 6 Lên Ngôi
Tổ được thành lập vào năm 1999, có 16 hộ tham gia, về sau số lượng ngày một tăng lên. Đến nay, có 34 hộ, sản xuất trên 30 hecta. Tất cả các thành viên trong tổ đều thực hiện cải họ cây sầu riêng, vươn lên phát triển kinh tế.
17/06/2012
Dành 345 Triệu Đồng Mua Cá Giống Thả Bổ Sung Nguồn Lợi Thủy Sản Ở Dak Lak
Năm 2013, tỉnh Dak Lak trích ngân sách 345 triệu đồng mua 129.650 con cá giống các loại thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn 8 huyện: Lak, Krông Ana, Ea Súp, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Pak và Ea Kar.
17/06/2012