Trình diễn kỹ thuật bón vùi phân bằng máy sạ cụm
Sạ cụm hay cấy kết hợp bón vùi phân là kỹ thuật hiệu quả cần được nhân rộng trong sản xuất để thay thế dần phương pháp sạ lan và bón phân thông thường.
Máy sạ cụm có thể thực hiện nhiều chức năng cùng lúc, như sạ lúa theo cụm, bón vùi phân và phun thuốc phòng cỏ dại. Ảnh: Trung Chánh.
Bón vùi sâu phân bón, đặc biệt phân đạm là biện pháp hiệu quả để giảm sự bốc hơi phân bón, giảm mất đi thành phần dinh dưỡng, gia tăng hấp thụ phân bón, tăng hiệu suất sử dụng phân của cây.
Sáng ngày 20/01/2022 tại thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú – An Giang, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cùng Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang tổ chức trình diễn bón vùi phân đầu trâu bằng máy sạ cụm Sài Gòn Kim Hồng.
Phân bón sử dụng trong mô hình là NPK với đầy đủ trung vi lượng cho cây lúa do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ, với 2 chủng loại: “Đầu trâu tăng trưởng” cho bón thúc 1 và bón thúc 2, và “Đầu trâu chắc hạt” cho bón đón đòng. Đây là 2 loại phân được sản xuất bằng công nghệ ure hóa lỏng, dành riêng cho phương thức bón phân thông qua các thiết bị cơ giới, như Drone, máy cấy, máy sạ cụm…
Toàn bộ diện tích ruộng trình diễn được sạ cụm kết hợp đồng thời với phun thuốc diệt mầm bằng máy sạ cụm “3 trong 1” nhập khẩu từ Hàn Quốc của Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng (vừa sạ, vừa bón phân vùi, vừa phun thuốc diệt mầm).
Trên diện tích 1,5 ha ruộng trình diễn được bố trí 6 nghiệm thức khác nhau về lượng phân bón “Đầu trâu tăng trưởng” và phương pháp bón của chủng loại phân này:
- Nghiệm thức 1 (đối chứng): Toàn bộ lượng phân được bón vãi trên mặt đất theo thời gian sinh trưởng phát triển của ruộng lúa (theo cách bón vãi, bón phun bằng bình phun mang vai hiện nay).
- 5 nghiệm thức còn lại: Lượng phân bón “Đầu trâu tăng trưởng” sử dụng cho mô hình giảm dần từ nghiệm thức 2 đến nghiệm thức 6 và được bón vùi đồng thời với quá trình sạ; lượng phân bón “Đầu trâu chắc hạt” cũng được bón vãi trên mặt đất theo thời gian sinh trưởng phát triển của ruộng lúa (theo cách bón vãi, bón phun bằng bình phun mang vai như lâu nay).
Thông qua mô hình trình diễn, các đơn vị tổ chức muốn chứng minh trên diện tích rộng và khuyến cáo nông dân, ngoài lợi thế và hiệu quả cao của ruộng lúa sạ cụm (giảm giống, giảm phân, giảm sử dụng thuốc BVTV, tăng năng suất và chất lượng lúa, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do giảm sử dụng thuốc BVTV…), thì việc bón vùi phân “Đầu trâu tăng trưởng” và phun thuốc diệt mầm đồng thời với quá trình sạ cụm sẽ cộng hưởng thêm các lợi thế sau:
1/ Về bón vùi phân kết hợp đồng thời với sạ cụm
- Giảm thất thoát phân, đặc biệt là phân đạm do bốc hơi hoặc trôi theo dòng nước nếu gặp mưa lớn ngay sau khi bón phân.
- Kích thích rễ lúa ăn sâu, giúp hạn chế lúa đổ, ngã, đồng thời tăng khả năng chịu hạn cho ruộng lúa nếu gặp hạn, mặn cuối vụ (đông xuân).
- Tiết kiệm được chi phí công lao động do giảm số lần bón phân (1 - 2 lần/vụ).
2/ Về phun thuốc diệt mầm kết hợp đồng thời với sạ cụm
- Tiết kiệm được chi phí công lao động do kết hợp đồng thời với sạ cụm.
- Giảm được độc hại cho người sản xuất do khỏi phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV.
Các lợi thế trên đã được Viện Lúa ĐBSCL chứng minh thông qua thực hiện nhiệm vụ Bộ Nông nghiệp – PTNT giao trong khuôn khổ của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) giai đoạn 2, năm 2020: “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác lúa bằng máy cấy kết hợp bón phân trong sản xuất lúa bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long”.
Kết quả thực hiện cho thấy:
- Cơ giới hóa bằng máy cấy kết hợp vùi phân đã làm gia tăng hiệu quả kinh tế một cách thực sự do giảm lượng phân bón, công lao động bón phân, chi phí thuốc BVTV và tăng năng suất lúa, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế. Cụ thể giảm lượng phân bón 10 – 20N, tăng hiệu quả kinh tế hơn 6,0 triệu đồng/ha trong vụ Đông Xuân và hơn 3,2 – 4,0 triệu đồng/ha trong vụ Hè Thu so với cấy máy bón phân thông thường (bón vãi 3 – 4 lần).
- Cơ giới hóa bằng máy cấy kết hợp vùi phân giúp giảm số lần bón phân (1 – 2 lần/vụ); phân được vùi sâu trong đất đảm bảo cung cấp đủ cho cây lúa trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, cây lúa hấp thu phân hiệu quả hơn, giảm lượng phân bón thất thoát do bốc hơi, hoặc thải ra nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường.
Có thể nói, sạ cụm hay cấy kết hợp bón vùi phân là kỹ thuật hiệu quả cần được khuyến cáo nhân rộng trong sản xuất để thay thế dần phương pháp sạ lan và bón phân thông thường. Bón vùi sâu phân bón, đặc biệt phân đạm là biện pháp hiệu quả để giảm sự bốc hơi phân bón, giảm mất đi thành phần dinh dưỡng, gia tăng hấp thụ phân bón, tăng hiệu suất sử dụng phân của cây trồng.
Related news
Ở ĐBSCL, tất cả 5 giống lúa OM vừa được bình chọn triển vọng năng suất cao, phẩm chất gạo tốt có khả năng phát triển lúa gạo hàng hóa xuất khẩu.
Chịu khó tìm tòi kỹ thuật trồng nấm, Tổ hợp tác Trồng nấm Bình Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã tận dụng nguồn phụ phẩm tại chỗ, tạo việc làm cho hàng chục hộ dân.
Đó là giống mít ruột đỏ cam đào Thanh Thanh của ông Trần Thanh Thanh ở xã Hoà Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.