Triệu phú nuôi cá bè ở cù lao Thới Sơn
Ông Huỳnh Văn Nhàn ở xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang năm 2017.
Thới Sơn là xã cù lao nằm giữa sông Tiền, quanh năm bốn bề sóng vỗ, thiên nhiên ưu đãi. Nhận thấy điều kiện tự nhiên thích hợp phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, đặc biệt là nuôi thủy sản dưới hình thức lồng bè, ông Huỳnh Văn Nhàn đã học tập kinh nghiệm, tìm hiểu qui trình kỹ thuật và đầu tư nuôi cá lồng bè.
Để có vốn chăn nuôi, ông Nhàn mạnh dạn vay ngân hàng 80 triệu đồng để nuôi cá bè. Năm 2014, ông Huỳnh Văn Nhàn đóng 1 lồng nuôi thử nghiệm. Thấy nuôi có lãi, hoàn vốn nhanh, ông đã phát triển thêm số lượng, qui mô nuôi, đến nay ông đã có 11 lồng bè nuôi cá trên sông Tiền, đoạn qua khu vực thành phố Mỹ Tho.
Theo ông Huỳnh Văn Nhàn, cá bè có thể nuôi mỗi năm 2 vụ. Cá bè dễ nuôi nhưng cần chú trọng áp dụng kỹ thuật như: chọn giống tốt, chăm sóc tích cực, phòng trừ bệnh, theo dõi chất lượng nguồn nước trên sông để có biện pháp xử lý phù hợp …
Với 11 lồng bè, mỗi năm đạt sản lượng cá thương phẩm trên 100 tấn cung ứng cho thị trường, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 330 triệu đồng từ nuôi cá lồng bè. Nhờ nghề nuôi cá lồng bè, ông Huỳnh Văn Nhàn đã có thu nhập ổn định, trở thành triệu phú nông thôn vùng ven thành phố Mỹ Tho.
Nhận thấy cách làm hiệu quả của ông Huỳnh Văn Nhàn, nhiều hộ dân trong khu vực cũng nghiên cứu, đầu tư phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên sông Tiền. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có gần 1.200 lồng bè nuôi cá trên sông Tiền, tập trung nhiều nhất khu vực xung quanh cù lao Thới Sơn.
Bản thân ông Nhàn cũng tích cực chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi thành công cho hàng chục hộ dân trong ấp cùng phát triển nghề nuôi cá bè trên sông Tiền, giúp bà con tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài nuôi cá lồng bè, ông Nhàn còn đầu tư trồng dừa xiêm xanh theo mô hình chuyên canh trên qui mô gần 9.500 m2 đất canh tác, trồng 2.000 m2 bưởi da xanh... Với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình ông Huỳnh Văn Nhàn thu lãi trên 500 triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Nhàn còn là tấm gương vì cộng đồng ở địa phương. Hưởng ứng chủ trương của cấp ủy, chính quyền, hàng năm, ông đóng góp trên 10 triệu đồng giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách neo đơn cũng như góp phần tu sửa cầu đường nông thôn, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương và đổi mới diện mạo nông nghiệp - nông thôn tại xã cù lao Thới Sơn.
Ông Nguyễn Hoàng Đảm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho đánh giá cao mô hình làm ăn trên đất cù lao Thới Sơn của ông Huỳnh Văn Nhàn. Đây là mô hình kinh tế mới, phù hợp điều kiện đất chật người đông cũng như cụ thể hóa chủ trương xây dựng nền nông nghiệp đô thị ở những vùng ven mà thành phố Mỹ Tho đang hướng tới. Vừa làm kinh tế giỏi vừa hết lòng vì cộng đồng - suy nghĩ và việc làm của nông dân Huỳnh Văn Nhàn rất đáng khen ngợi
Có thể bạn quan tâm
Đây là tiền đề cho sự ra đời của nhà máy côn trùng quy mô công nghiệp đầu tiên tại Pháp trong năm 2018.
Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Toàn Thắng ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có 29 thành viên với 43 ha nuôi tôm đạt chứng nhận VietGAP
Akva Group là một trong những tập đoàn rất mạnh về ứng dụng công nghệ vào ngành thủy sản và rất nổi tiếng bởi các sáng tạo công nghệ.