Nuôi tôm VietGAP chắc ăn
Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Toàn Thắng ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có 29 thành viên với 43 ha nuôi tôm đạt chứng nhận VietGAP và Giám đốc Mai Văn Đấu cho biết, nhờ thế mà “chắc ăn”, bán được giá cao.
Thu hoạch tôm tại HTX Toàn Thắng. Ảnh: DL
Nuôi chắc ăn
Giám đốc Mai Văn Đấu giới thiệu kết quả nuôi tôm năm 2017: Thu hoạch được 162 tấn, bán hơn 14 tỷ đồng, lời 6,7 tỷ. Không phải toàn bộ diện tích nuôi tôm của HTX đạt kết quả cao mà có một số cũng bị dịch bệnh gây thiệt hại nhưng không đáng kể, nếu so với những năm trước chưa thực hiện tiêu chuẩn VietGAP. Cụ thể, có 3,5 ha bị thiệt hại ở vụ đầu nên lời rất ít, rút kinh nghiệm vụ sau làm tốt hơn mới tránh được thiệt hại. Bên cạnh, nhiều diện tích có năng suất cao để cả HTX đạt được năng suất bình quân 4 tấn/ha.
Những thành viên có diện tích nuôi tôm lớn là ông Phan Hoàng Diệp, Trang Chí Huỳnh, mỗi hộ hơn 3 ha. Những hộ này cũng có điều kiện tuân thủ chặt chẽ quy trình VietGAP nên thu lời cao, có những ao cho tiền lời 100 triệu đồng với 1.000 m2 mặt nước.
Theo các thành viên HTX, thay đổi căn bản nhất để nuôi tôm VietGAP đạt hiệu quả “chắc ăn” là mọi người tuân thủ nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. “Nuôi tôm không còn xả nước ra môi trường như trước nữa, nhất là khi tôm có dấu hiệu dịch bệnh thì được tiêu hủy ngay và xử lý gọn trong từng ao”, Giám đốc Đấu khẳng định. Tôm đã được nuôi trong hệ thống khép kín với ao nuôi - ao lắng kế tiếp nhau và xoay vòng: vụ này ao này nuôi xong thì ngừng nuôi để lắng lọc nước thật tốt cho vụ sau nuôi trở lại; ao kế bên vừa lắng lọc nước được đưa vào nuôi. Như thế, một năm chỉ lấy nước vào đồng nuôi tôm một lần để sử dụng cho quanh năm; cũng có lấy thêm những khi con nước tốt nhưng chỉ là phụ. Hiển nhiên, không có chuyện tùy tiện xả nước trong ao tôm ra môi trường như trước kia.
Bán giá cao
Đặc điểm nổi bật trong nuôi tôm VietGAP là các thành viên có sự đoàn kết nhất trí cao để tuân thủ lịch thời vụ. Kết quả thấy rõ nhất trong thực hiện VietGAP là “đến nay không còn hộ nghèo”, Giám đốc Đấu phấn khởi.
Đạt được tiêu chuẩn VietGAP, cũng nhờ Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng phối hợp hỗ trợ. Trước tiên là hỗ trợ về kiến thức qua đội ngũ cán bộ tư vấn thường xuyên có mặt giúp các hộ nuôi tôm thực hiện từng tiêu chuẩn, cách ghi nhật ký hàng ngày. Về quyền lợi, các thành viên HTX được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn áp dụng VietGAP, chi phí đánh giá chứng nhận VietGAP lần đầu. Bên cạnh, được cấp các bộ test kiểm tra nhiều chỉ tiêu môi trường như pH, kiềm, ôxy hòa tan, NH3, NO2, nhiệt độ...
Bộ tiêu chuẩn VietGAP có 104 chỉ tiêu. Trong đó, 16 chỉ tiêu về cơ sở pháp lý, 22 chỉ tiêu về chất lượng và an toàn thực phẩm, 27 chỉ tiêu về quản lý sức khỏe thủy sản, 19 chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, 20 chỉ tiêu về các khía cạnh xã hội. Khi thực hiện, những chỉ tiêu mà các thành viên HTX đã đạt được trước đó, chỉ cần duy trì theo quy định.
Tháng 10/2017, HTX Thủy sản Toàn Thắng chính thức đạt tiêu chuẩn VietGAP. Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert tổ chức đánh giá kết quả, số chỉ tiêu cần đánh giá là 85, đã đạt yêu cầu 95,3%; trong đó, chỉ tiêu loại A đạt 97%, chỉ tiêu loại B đạt 82,3%.
Với kết quả VietGAP, HTX Thủy sản Toàn Thắng đã ký hợp đồng cung cấp tôm nguyên liệu sạch cho Công ty CP Chế biến Thủy sản Út Xi với giá cao hơn thị trường 2.500 đồng/kg. Các thành viên HTX cam kết, tôm nuôi không nhiễm kháng sinh. Còn Công ty Út Xi cam kết thêm, cung cấp cho HTX Thủy sản Toàn Thắng mỗi năm 100 triệu đồng phục vụ công tác quản lý, duy trì tốt kết quả đã đạt được.
>> Đảm bảo cho việc nuôi tôm đạt tiêu chuẩn VietGAP bảo vệ môi trường là diện tích nuôi tôm phải nằm trong vùng quy hoạch, ao nuôi của các thành viên tương đối liền kề, cơ sở hạ tầng đảm bảo. Các thành viên cam kết thực hiện đầy đủ hướng dẫn của tư vấn, nếu có bệnh với tôm nuôi phải báo ngay với cán bộ chuyên môn để xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Sử dụng protein huyết tương dạng khô trong thức ăn thủy sản sẽ cải thiện năng suất và sức khỏe của vật nuôi.
Sau 7 tháng triển khai nuôi cá chim vây vàng và cá bớp tại đảo Lý Sơn, đến nay, đã có thu hoạch bước đầu mang lại hiệu quả.
Đây là tiền đề cho sự ra đời của nhà máy côn trùng quy mô công nghiệp đầu tiên tại Pháp trong năm 2018.