Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Gà Ai Cập Ở Hà Nội
Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì (Hà Nội) vừa triển khai thí điểm mô hình nuôi gà Ai Cập siêu trứng tại xã Tả Thanh Oai. Đây là giống gà siêu trứng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, tốn ít thức ăn, chất lượng trứng cao. Mô hình này đang mở ra triển vọng làm giàu cho người nông dân trên địa bàn.
Gia đình ông Nguyễn Trọng Chữ, thôn Siêu Quần, một trong những hộ đầu tiên đăng ký tham gia nuôi thí điểm gà Ai Cập với số lượng 1.000 con. Đến nay, sau hơn 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống của đàn gà đạt 100%, trọng lượng trung bình từ 1,4 - 1,5 kg/con. Ông Chữ cho biết, trước đây gia đình đã nhiều năm nuôi gà Lương Phượng, song với quy trình thông thường, gà dễ bị bệnh nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang nuôi gà Ai Cập theo hướng an toàn sinh học, được hỗ trợ vaccine tiêm phòng và quy trình chăm sóc khoa học nên gà phát triển tốt.
Tương tự, anh Nguyễn Gia Việt, thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai cũng mạnh dạn chuyển từ nuôi gà ta và gà lai sang nuôi 500 con gà đẻ Ai Cập. Theo anh Việt, gà Ai Cập dễ chăm sóc, tiêu tốn thức ăn thấp, phù hợp với chăn nuôi theo cả quy mô công nghiệp và bán công nghiệp. "Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đàn gà Ai Cập sẽ đẻ lứa đầu tiên. Hiện, giá bán trứng gà Ai Cập khoảng 3.500 - 4.000 đồng/quả nên chúng tôi rất hy vọng vào thành công của mô hình" - anh Việt bày tỏ.
Xã Tả Thanh Oai có tổng đàn gia cầm, thủy cầm lớn nhất huyện Thanh Trì với gần 100.000 con. Những năm vừa qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm phát triển mạnh khiến cho nhiều hộ chăn nuôi lo lắng. Chính vì vậy, mô hình chăn nuôi gà Ai Cập theo hướng an toàn sinh học là hướng đi nhằm chuyển đổi phương thức chăn nuôi cho người nông dân. Mô hình này có sự tham gia của 6 hộ dân với tổng số 3.980 con gà. Tham gia mô hình, các hộ dân được UBND huyện Thanh Trì hỗ trợ 50% con giống, 50% thức ăn đến khi đạt 5 tháng tuổi, 100% thuốc thú y và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.
Ông Lê Đình Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tả Thanh Oai cho biết, qua đánh giá ban đầu, đến nay tỷ lệ hao hụt của gà Ai Cập rất thấp, trọng lượng đạt tối thiểu 1,4 kg/con. Đặc biệt, mỗi năm gà đẻ từ 180 - 220 quả trứng, chất lượng trứng ngon, giàu dinh dưỡng nên giá bán cao. Ước tính mỗi con gà cho thu nhập 650.000 - 800.000 đồng/năm. Do đó, mô hình này đang mở ra hướng làm giàu cho nhiều hộ dân.
Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn của nhiều hộ dân hiện nay là đầu ra cho sản phẩm, nhất là khi mở rộng mô hình, sản lượng trứng nhiều. Đồng thời, việc quy hoạch diện tích chuồng trại từ 100 - 150m2, đảm bảo thoáng mát theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cũng rất khó khăn và kinh phí lớn, từ 75 - 80 triệu đồng/trại. Do đó, các hộ dân kiến nghị, huyện, xã cần có chính sách hỗ trợ đầu tư và tạo điều kiện vay vốn cho các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất.
Related news
Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn ngoại thuộc quy mô nhất huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) của anh Trịnh Quốc Huy, sinh năm 1958, ở thôn 1 Bình Hòa, xã Cẩm Bình, mới thấy rõ được tiềm năng to lớn của đất đai vùng sơn cước khi được đầu tư đúng hướng.
Với ý chí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh Trần Văn Lãng ở xóm 12, xã Kim Định (huyện Kim Sơn - Ninh Bình) đã đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm linh chi đem lại hiệu quả kinh tế cao với trên 200 triệu đồng/vụ.
Vụ đông này, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) trồng được khoảng 90 ha ớt, tập trung ở 2 xã: Nguyên Giáp 35 ha, Hà Thanh 35 ha.