Prices / Tin thủy sản

Triển vọng từ cá khế vằn

Triển vọng từ cá khế vằn
Author: Phương Ngọc
Publish date: Saturday. December 15th, 2018

Cá khế vằn (cá bè đưng, bè vàng, bè nghệ) là loài có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Hiện nay nước ta đã có thể chủ động được nguồn giống nhờ kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo, mở ra triển vọng phát triển mô hình nuôi thương phẩm loài này.

Cá khế vằn tên tiếng Anh là Golden trevally  Ảnh: Internet

Giá trị kinh tế cao

Cá khế vằn tên tiếng Anh là Golden trevally, tên khoa học là Gnathanodon speciosus, thuộc giống Gnathanodon, họ Carangidae (cá khế), bộ Perciformes. Đây là đối tượng cá biển có giá trị kinh tế cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, ít bệnh và đặc biệt có khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường một số khu vực đầm, phá có biên độ độ mặn dao động lớn.

Cá khế vằn có thân cao, hình quả trám, dẹp hai bên, trán dốc phía trên mắt tạo thành hình cong. Vây lưng thứ hai có 1 tia cứng và 19 - 20 tia mềm. Gốc vây hậu môn ngắn hơn gốc vây lưng. Vây ngực hình lưỡi liềm. Đường bên phía trước cong đến mút cuối vây ngực. Phần thẳng bắt đầu từ dưới tia vây mềm 6 - 7 của vây lưng thứ hai. Cá thể trưởng thành có nhiều đốm đen trên thân.

Trên thế giới, cá khế vằn phân bố ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới như Ấn Độ - Thái Bình Dương, Australia, Philippines… Ở Việt Nam, cá phân bố ở vùng biển miền Trung và Đông Nam Bộ. Hiện, cá khế vằn là đối tượng cá biển đang được phát triển nuôi nhiều ở một số vùng biển như Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang… Cá có thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Lâu nay, việc nuôi thương phẩm cá khế vằn dựa vào nguồn giống đánh bắt ngoài tự nhiên, tuy nhiên nguồn giống này đang ngày càng khan hiếm, kích cỡ không đồng đều và có hiện tượng chết hàng loạt khi mới thả nuôi.

Mở rộng cơ hội

Cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng... là những loài cá biển chủ yếu được nuôi ở Khánh Hòa và nhiều tỉnh trên cả nước. Mặc dù đã chủ động được nguồn giống nhưng do nuôi đã nhiều năm nên gần đây những giống cá này thường xảy ra nhiều dịch bệnh. Vì vậy, nhiều hộ nuôi muốn chuyển sang đối tượng nuôi mới, trong đó có cá khế vằn. Nắm bắt được nhu cầu này, kỹ sư Lê Thị Như Phượng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phượng Hải (Nha Trang, Khánh Hòa) đã tiến hành và thành công trong việc sinh sản nhân tạo cá khế vằn.

Ý tưởng sản xuất cá khế vằn đến với kỹ sư Phượng tình cờ từ sự gợi ý và đặt hàng của các hộ nuôi thủy sản huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 2015, một số ngư dân bắt được giống cá bè vàng ngoài tự nhiên và thả chung các lồng nuôi tôm. Sau 1 năm, cá phát triển tốt, trọng lượng đạt 0,8 - 1 kg/con, giá bán trung bình 120.000 - 150.000 đồng/kg, dịp lễ Tết giá bán cao hơn 200.000 đồng/kg. Nhận thấy đây là loài cá có nhiều tiềm năng phát triển, một số ngư dân đã gợi ý kỹ sư Phượng tìm hiểu gây giống loài cá này.

“Qua tìm hiểu, tôi thấy trên thế giới chưa có cơ sở nào sản xuất nhân tạo giống cá khế vằn, trong khi đó đây lại là con cá địa phương của tỉnh Khánh Hòa, tương lai sẽ có nhiều tiềm năng để phát triển. Đặc biệt loài cá này dễ nuôi, có thể sống trong vùng nước lợ, nguồn thức ăn dễ tìm, có thể sử dụng thức ăn công nghiệp, chính vì thế có thể nuôi ở quy mô lớn”, kỹ sư Phượng nói.

Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện hành trình này, kỹ sư Phượng gặp phải không ít khó khăn, nhất là vấn đề thu thập nguồn cá bố mẹ. Chị phải lặn lội đến từng bè cá, gom từng con một, thuyết phục người dân không bán cá, không ăn cá bố mẹ và đồng ý trả giá cao. Nhiều khi, còn phải thuê cả một chuyến ghe ra biển chỉ để thu mua một con cá bố, mẹ. Ròng rã gần nửa năm mới thu được 170 cặp bố mẹ, kỹ sư Phượng bắt đầu tiến hành nuôi và nghiên cứu sản xuất các loại thức ăn phù hợp cho cá. Sau 1 năm, các cặp cá giống phát triển thành thục được cho sinh sản nhân tạo bằng cách thử nghiệm tiêm kích dục tố với các liều lượng khác nhau. Sau nhiều lần thử nghiệm, các cặp cá bố mẹ đã sinh sản hơn 15 triệu cá bột. Từ đó, doanh nghiệp đã ươm nuôi được hơn 400.000 con cá giống đạt kích cỡ 4 - 6 cm/con; xuất bán cho nhiều hộ nuôi ở tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế....

Để tiếp tục phát triển giống cá khế vằn, kỹ sư Phượng chia sẻ, đơn vị đang hợp tác với các nhà khoa học để nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh sản cơ bản của cá. Thời gian tới sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo cá khế vằn, sau đó sẽ chuyển giao cho bà con; đồng thời tìm hiểu thị trường tiêu thụ và vùng nuôi hợp lý để phát triển giống cá này.

>> Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Chủ tịch Liên Hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật Khánh Hòa nhận định: “Việc chủ động được nguồn cá giống nhân tạo sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi, hơn nữa với xu hướng nghề nuôi biển ngày càng phát triển. Cá khế vằn là một đối tượng nuôi đang được phát triển ra nhiều địa phương”.


Related news

Độc đáo đặt xà di bắt cá rô miền Tây Độc đáo đặt xà di bắt cá rô miền Tây

Gần đây phát minh rất độc đáo của nhiều người dân là dùng xà di bỏ mồi vào dụ bắt cá rô, tuy rất đơn giản mà đem lại hiệu quả cao.

Saturday. December 15th, 2018
Nâng cao hiệu quả mô hình rươi - lúa Nâng cao hiệu quả mô hình rươi - lúa

TT Khuyến nông Quảng Ninh triển khai thử nghiệm mô hình “Canh tác rươi - lúa hữu có bổ sung rươi giống”. Đến nay, mô hình phát triển tốt, hứa hẹn hiệu quả cao

Saturday. December 15th, 2018
Người nuôi cá bớp và giấc mơ gắn kết du lịch biển Người nuôi cá bớp và giấc mơ gắn kết du lịch biển

Tiếp cận xu hướng làm ăn theo thời cuộc mới xây dựng được một mô hình kinh tế theo hướng nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch, làm giàu từ biển.

Saturday. December 15th, 2018