Triển Vọng Sản Xuất Hạt Lai Bền Vững
Hiện nay, sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước mới chỉ đáp ứng được 25-27% nhu cầu sản xuất.
Vì vậy, những thành công từ Dự án "Sản xuất hạt giống lúa lai F1" giai đoạn 2011-2013 do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện đã góp phần mở rộng diện tích lúa lai thương phẩm, tiến tới chủ động sản xuất hạt giống trong nước.
Tăng quy mô sản xuất
Ông Nguyễn Thanh Lâm-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Khi Bộ NNPTNT có quyết định phê duyệt Dự án "Sản xuất hạt giống lúa lai F1" giai đoạn 2011-2013, giao Trung tâm Khuyến nông chủ trì, chúng tôi đã chủ động cùng các đơn vị chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc triển khai mô hình đạt hiệu quả. Đến năm 2012, diện tích sản xuất trong dự án đạt 993/990ha kế hoạch; năng suất bình quân đạt 29,2 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 2.907 tấn (đạt gấp 1,46 lần kế hoạch).
Dự án được tổ chức tại các tỉnh: Lào Cai, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Nội, Thanh Hóa, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Nam, Đăk Lăk, Cần Thơ. Các tổ hợp sản xuất gồm TH3-3, TH3-4, nhị ưu 838, LC25, VL20, bác ưu 903 KBL, HYT 108, CT16, LC212, VL20. Thực tế tại hầu hết các điểm sản xuất cho thấy, giống bố mẹ được điều chỉnh thời kỳ trỗ khá trùng khớp, cộng với các trà lúa được chăm sóc, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt là điều kiện để năng suất, sản lượng hạt giống lúa lai F1 đạt cao.
Đặc biệt do chủ động về khung thời vụ, theo dõi sát sao tình hình sinh trưởng phát triển, phát sinh gây hại của sâu bệnh, được phòng trị kịp thời nên các trà lúa đều không bị ảnh hưởng, thiệt hại do sâu bệnh. 7.198 hộ nông dân trực tiếp tham gia dự án được lựa chọn có trình độ, kỹ năng sản xuất và tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất, hướng dẫn, chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật.
Qua khảo sát một số mô hình trong dự án triển khai tại Nam Định cho thấy, tuy sản xuất hạt lai F1 là công nghệ mới, phức tạp đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu kỹ thuật nhưng việc sản xuất thành công là một hướng phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Đào Viết Tâm- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Nam Định chia sẻ: Hiệu quả từ mô hình sản xuất giống lúa lai F1 rất rõ, nhưng để tăng quy mô sản xuất, đòi hỏi các đơn vị tham gia dự án ngoài chuyển giao công nghệ cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch và cam kết hỗ trợ thiệt hại khi rủi ro để nông dân yên tâm sản xuất.
Để sản xuất hạt lai phát triển bền vững
Theo tính toán sơ bộ hiệu quả kinh tế từ dự án mang lại, 1ha sản xuất đã nâng cao hiệu quả so với lúa cấy đại trà là 16,250 triệu đồng, tăng thu nhập gấp 1,9-2,0 lần cho người sản xuất (so với sản xuất lúa thương phẩm), cá biệt có hộ thu nhập gấp 3 lần.
Tuy nhiên, trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, việc lựa chọn vùng, điểm sản xuất thật sự khắt khe về đất đai, điều kiện khí hậu thời tiết vùng ổn định. Mặt khác, người nông dân tham gia sản xuất phải dày công, am hiểu quy trình.
Mục tiêu kế hoạch dự án trong 3 năm (2011-2013) là: Xây dựng 84 mô hình với diện tích thực hiện 2.970ha; năng suất đạt 20-30 tạ/ha, bảo đảm chất lượng; Tổ chức sản xuất 7.500 tấn hạt giống lúa lai F1; Tập huấn kỹ thuật cho 23.640 hộ nông dân trực tiếp tham gia mô hình...
Trước thực tế hiện nay, phần lớn giống lúa lai đưa vào gieo cấy phải nhập từ nước ngoài nên giá bán cao, tăng chi phí đầu vào cho nông dân, ông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: Dự án "Sản xuất hạt giống lúa lai F1" giai đoạn 2011-2013 do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai đã góp phần mở ra triển vọng cung cấp nguồn giống lúa lai, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Song, đề nghị Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn tới các hộ, nhóm hộ, các doanh nghiệp cũng như khuyến khích các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, tạo ra các tổ hợp lúa lai mới có năng suất cao, chất lượng tốt.
Related news
Tháng 8/2012, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang hỗ trợ nông dân nuôi thí điểm cá chạch lấu hay còn gọi là cá chạch bông. Sau gần một năm thực hiện, bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển mới cho nông dân trong nghề nuôi thủy sản nước ngọt.
Năm 1984, ông Phạm Quang Hành ở thôn Hòa Bình, xã Hùng Sơn (Thanh Miện - Hải Dương) nuôi thử 5 đàn ong để lấy mật bồi dưỡng sức khoẻ.
Châu Thành (Tiền Giang) được xem là “vương quốc rau” của tỉnh và đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên triển khai mô hình sản xuất rau an toàn. Thế nhưng, qua hơn 10 năm từ khi mô hình đầu tiên được triển khai quá trình xây dựng vùng rau an toàn vẫn loay hoay tìm hướng đi.