Prices / Mô hình kinh tế

Triển Vọng Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Ao Đất Ở An Giang

Triển Vọng Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Ao Đất Ở An Giang
Author: 
Publish date: Tuesday. May 1st, 2012

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang vừa thực nghiệm thành công Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất ở tỉnh An Giang”. Dự án do Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trường đại học Cần Thơ thực hiện tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP.Long Xuyên). Kết quả, sau 6 tháng nuôi, thu hoạch đạt hơn 1 tấn tôm càng xanh, giá bán từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, trừ chi phí đạt lợi nhuận 100 triệu đồng (1 lời 1), mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm càng xanh trong ao đất.

Mục tiêu dự án nhằm xây dựng thành công mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất, góp phần đa dạng loài và mô hình nuôi, tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu, nâng thu nhập cho người nuôi thủy sản. Nếu thực nghiệm thành công, tỷ lệ sống của tôm càng xanh nuôi sẽ đạt dao động từ 20-28%; trọng lượng tôm càng xanh từ 20-120 gram/con; năng suất tôm từ 2,8- 3,2 tấn/héc-ta. Để trang bị kiến thức cho nông dân, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh thâm canh trong ao đất cho 60 kỹ thuật viên và nông dân 3 địa phương: TP.Long Xuyên, Thoại Sơn và Châu Phú, giúp nông dân biết phân loại hình thái, đặc tính sinh trưởng, kỹ thuật nuôi trong ao… 

Địa điểm thực hiện ưu tiên chọn các xã hoàn thành nông thôn mới, để tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xã điểm. Đồng thời, thực nghiệm xây dựng 3 mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh trong ao đất tại TP.Long Xuyên, huyện Thoại Sơn và Châu Phú. Địa điểm thực hiện ưu tiên chọn các xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, là: Vĩnh Phú (Thoại Sơn), Khánh Hòa (Châu Phú), Mỹ Hòa Hưng (TP.Long Xuyên). Các hộ được chọn để xây dựng mô hình phải có ao đạt diện tích 3.000-4.000 m2/ao, sâu 1,8-2,4m, chủ động nguồn nước, đủ nhân lực quản lý tốt và chăm sóc ao nuôi, hộ nuôi có tâm huyết với nghề và có số vốn nhất định. Tổng kinh phí dự án hơn 416 triệu đồng, trong đó nguồn hỗ trợ từ sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh gần 304 triệu đồng, còn lại kinh phí của hộ nông dân tham gia.

Bước đầu, mô hình thực nghiệm tại ao của anh Lê Phước Dư, ấp Mỹ An 1, xã Mỹ Hòa Hưng (TP.Long Xuyên). Được Trường đại học Cần Thơ hỗ trợ con giống và kỹ thuật, Sở Khoa học và Công nghệ An Giang hỗ trợ kinh phí, anh Dư đầu tư ao, thả nuôi 9.000 con giống, trên diện tích 3.500m2, diện tích mặt nước 3.000 m2, độ sâu ao hơn 2 mét, mật độ thả nuôi 30 con/m2 ao, có bố trí quạt nước liên tục. Thức ăn cho tôm trong giai đoạn đầu có hàm lượng đạm 45%, các tháng sau thức ăn có hàm lượng đạm 40%. 

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, tôm tăng trưởng tốt, sau 6 tháng nuôi, anh Dư thu hoạch được 1,12 tấn tôm càng xanh, tôm có trọng lượng bình quân 37con/kg (20-100gram/con), giá bán xô 180.000 đồng/kg, loại con 50-100gram 250.000 đồng/kg. Tổng chi phí đầu tư khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế này cho thấy, đây là mô hình có khả năng nhân rộng, tỷ suất lợi nhuận cao và là giải pháp hiệu quả trong điều kiện ao nuôi cá tra bỏ trống. 

Anh Dư cho biết: “Trước đây tôi nuôi cá tra không hiệu quả, lỗ đứt vốn. Nay lấy ao đó nuôi tôm càng xanh thấy rất hiệu quả, không hao hụt, không dịch bệnh và cũng không tốn công lao động nhiều (chỉ cần 1 nhân công/ao). Tôm ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp và kèm cá cơm biển, cá đồng, trong khi đó thị trường tiêu thụ lại rộng. So cá tra lúc được giá, nuôi tôm mặc dù lợi nhuận không cao bằng nhưng chắc ăn hơn. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục thả nuôi thêm 7.000m2 nữa”.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Dương Nhật Long, việc phát triển nuôi tôm càng xanh là nhằm để tận dụng diện tích ao nuôi cá tra và cũng nhằm đa dạng các mô hình thủy sản ở An Giang. Trong điều kiện phát triển thủy sản như hiện nay, thực tế cho thấy tôm càng xanh có giá trị tốt, rất dễ tiêu thụ trên thị trường. Kết quả mô hình cho thấy, khả năng phát triển trong điều kiện ao dưới dạng ao nuôi thương phẩm (thâm canh) mật độ cao.

Trong bối cảnh hơn 50% diện tích ao nuôi cá tra chuyển sang nuôi các loại cá khác hoặc bị bỏ không, thì kết quả thực nghiệm mô hình dự án nuôi tôm càng xanh trong ao đất hết sức thiết thực và cần thiết. Theo Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao có hiệu quả về kinh tế, tăng nguồn thu nhập cho nông dân. Dự án thành công sẽ chuyển giao kết quả cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhân rộng đại trà trên địa bàn.

Related news

Giá Nghêu Ở Tiền Giang Tăng Cao, Nông Dân Phấn Khởi Giá Nghêu Ở Tiền Giang Tăng Cao, Nông Dân Phấn Khởi

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, cho biết nông dân vùng nuôi nghêu xuất khẩu ven cửa Tiểu thuộc các xã Tân Thành, Tân Điền (Gò Công Đông) đang phấn khởi bởi nghêu thịt đang có giá cao, hứa hẹn một vụ nuôi mới bội thu.

Tuesday. May 1st, 2012
Nửa Công Bầu, Lãi 20 Triệu Đồng Nửa Công Bầu, Lãi 20 Triệu Đồng

Nhiều nông dân có kinh nghiệm thường cho rằng bầu là giống khó “ăn” vì thường bị héo dây và thối rễ. Nay có giống bầu lai F1 Delta Queen 334 do Cty Liên doanh hạt giống Đông Tây cung cấp có khả năng chống úng tốt, cho năng suất và chất lượng vượt trội, đang mở hướng đột phá cho nông dân nghèo vùng lũ đầu nguồn

Tuesday. May 1st, 2012
Cải Tiến Mới Về Kỹ Thuật Trồng Dâu Hạ Châu Của Một Nông Dân Cải Tiến Mới Về Kỹ Thuật Trồng Dâu Hạ Châu Của Một Nông Dân

Dâu Hạ Châu là một trong nhiều giống cây ăn trái đặc sản được nhà vườn Cần Thơ chọn lọc và nhân giống. Trước đây, Dâu Hạ Châu có tên là Dâu miền dưới, do giống dâu này có phẩm chất vượt trội (thơm, ngọt) hơn các giống dâu khác, vì vậy chúng được Cụ thân sinh của ông Lê Văn Bảy (Bảy Ngữ) chọn lọc, ươm trồng từ hạt vào những năm 1960.

Tuesday. May 1st, 2012