Triển Vọng Nghề Chăn Nuôi Gà Bán Công Nghiệp Thả Vườn Đồi
Phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung theo hình thức bán công nghiệp đang là sự lựa chọn của nhiều hộ gia đình, giúp duy trì và ổn định nguồn cung sản phẩm ra thị trường. Từ hướng phát triển kinh tế này đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, điển hình là mô hình chăn nuôi gà bán công nghiệp kết hợp thả vườn đồi của gia đình bà Nguyễn Thị Thu thôn Cường Bắc, Xã Nam Cường, TP Yên Bái.
Trước đây, kinh tế gia đình bà Thu chủ yếu dựa vào việc buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập chỉ đủ để trang trải các chi phí trong gia đình. Việc buôn bán bấp bênh, thu nhập không đều đã khiến bà Thu nhiều đêm trăn trở. Nhận thấy, đất đai nhà mình rộng rãi, với tổng diện tích hơn 3ha lại có diện tích mặt nước gần 6.000 m2 cùng với đồi cây quanh năm có bóng mát, năm 2006 bà Thu bàn với gia đình gom góp toàn bộ vốn tích lũy được để xây dựng chuồng trại đầu tư vào chăn nuôi gà.
Ban đầu gia đình bà Thu chăn nuôi gà đẻ trứng, sau đó chuyển sang nuôi giống gà trắng thương phẩm. Song do giá cả trứng bấp bênh, tình hình dịch bệnh xảy ra nhiều, việc chăn nuôi không đem lại hiệu quả, nên gia đình bà đã dừng hoạt động từ năm 2011.
Cứ nghĩ đến khoản tiền đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại giờ lại bỏ không, đã thôi thúc bà Thu quyết tâm phải gây dựng lại chăn nuôi. Bà bắt đầu làm lại từ đầu từ việc học hỏi kiến thức chăn nuôi khoa học, đi đến đâu Bà Thu cũng chăm chỉ ghi lại những kinh nghiệm từ việc chăn nuôi gà.
Đầu năm 2013, được sự hỗ trợ một phần về kinh phí, con giống, thuốc thú y của Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, bà Thu đã mạnh dạn nhận 5.000 con gà ri lai của Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ về nuôi. Đến nay quy mô của trang trại đã lên tới 1,1 vạn con. Trong đó có khoảng 5.000 con chuẩn bị cho xuất bán, với cân nặng từ 2,5 kg đến hơn 3kg/con.
Kết hợp phương pháp chăn nuôi gà truyền thống là thả đồi rừng với phương pháp chăn nuôi hiện đại trong chuồng, bà Thu đã tiến hành chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp gà thả vườn đồi; trong đó đặc biệt quan tâm đến khâu kiểm soát vật nuôi. Toàn trang trại được rào chắn an toàn đảm bảo cách ly đàn gà khỏi các yếu tố nguy hại. Trong quá trình chăn nuôi, bà Thu cũng tuân thủ theo các yêu cầu kỹ thuật về môi trường, chuồng trại luôn đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ. Khu vực chuồng úm luôn đảm bảo có đủ ánh sáng và nhiệt độ phù hợp.
Theo bà Thu, yếu tố quan trọng nhất trong quá trình nuôi gà là phải luôn kiểm soát được sức khỏe của đàn vật nuôi, do đó bà Thu đặc biệt chú trọng đến việc thường xuyên theo dõi sức khỏe của đàn gà, khi có biểu hiện lạ được đưa ra cách ly theo dõi nhằm phát hiện nguyên nhân và có hướng xử lý kịp thời. Nhờ cách làm này mà đàn gà của trang trại luôn khỏe mạnh, có tỷ lệ sống và trưởng thành cao.
Theo tính toán của bà Thu mỗi lứa gà ri lai nuôi theo hình thức gà thả vườn đồi, từ khi mới nở đến khi xuất bán khoảng trên 3,5 tháng, trọng lượng mỗi con từ 2,5 kg trở lên, với giá bán trên thị trường khoảng 90.000 đến 100.000 đồng/kg như hiện nay thì sau khi trừ các chi phí bà có lãi trên 40.000 đồng/con.
Chăn nuôi gà thả vườn đồi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình bà Thu mà trang trại của bà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 3 đến 5 lao động trong xã với thu nhập từ 3, 5 đến 4 triệu đồng/tháng.
Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi gà thả vườn đồi của gia đình bà Thu, bà con nhân dân trên địa bàn thành phố Yên Bái đã đến học hỏi và được bà Thu nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ đó mà đã xuất hiện thêm nhiều gia đình mạnh dạn áp dụng phương pháp nuôi mới vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới trong chăn nuôi gà tại địa phương, giúp bà con nhân dân xóa đói, giảm nghèo tiến đến vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống gia đình sung túc.
Có thể bạn quan tâm
Vụ 1 năm nay, toàn huyện Núi Thành thả nuôi tôm trên diện tích 600ha (bằng 60% kế hoạch). Mặc dù các hộ thả nuôi tôm đúng lịch thời vụ nhưng do nguồn nước, con giống chưa đảm bảo nên đã có 29ha bị dịch bệnh.
So với các tỉnh ĐBSCL, Bến Tre có tổng đàn heo trên 500 ngàn con, với phẩm cấp giống khá tốt. Tuy nhiên, đa số sản xuất dưới hình thức nông hộ, quy mô còn nhỏ lẻ và mức độ đầu tư về cơ sở vật chất chưa cao, chưa có qui hoạch khu chăn nuôi riêng. Vì vậy, việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng luôn là vấn đề bức thiết. Trong đó, giải pháp an toàn sinh học luôn được chú trọng.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua thời tiết tại Đồng Nai thường xuyên có mưa lớn, độ ẩm cao nên sâu bệnh nấm hồng trên cây điều phát triển khá nhanh. Hiện toàn tỉnh có trên 1 ngàn hécta điều bị bệnh nấm hồng, tăng gần 500 hécta so với dịp cuối tháng 4-2012. Cây điều đang vào giai đoạn thu hoạch và chăm sóc sau thu hoạch.