Nông Nghiệp Tây Ninh 5 Năm Tới
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011-2015 của UBND tỉnh Tây Ninh trình kỳ họp thứ hai -HĐND tỉnh khoá VIII cho biết, 5 năm qua (2006-2010), sản xuất nông - lâm - thuỷ sản của tỉnh tiếp tục duy trì được tăng trưởng cao trong điều kiện khó khăn và thách thức do dịch bệnh và thời tiết. Giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 6,6%, vượt mức tăng bình quân hằng năm đã đề ra (KH: 5,5-6%). Chất lượng sản xuất hàng hoá ngày càng nâng lên; khoa học- công nghệ được nhân rộng; phát huy được lợi thế, hiệu quả về đất đai. Trồng trọt gắn với thị trường tiêu thụ. Năng suất các loại cây trồng đều tăng. Chăn nuôi có khởi sắc hơn, chăn nuôi trang trại với mô hình công nghệ mới được hình thành. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân hằng năm 12%; nuôi trồng thuỷ sản phát triển theo hướng tập trung, sản lượng bình quân hằng năm tăng 22,6%. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển với hơn 2.400 trang trại nông - lâm - thuỷ sản. Tỷ lệ cơ giới hoá trong nông nghiệp đạt 50%. Công tác lâm nghiệp, tập trung công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. 5 năm qua (2006-2010) cả tỉnh trồng được 2.805 ha rừng, bình quân hằng năm trồng được 560 ha, trồng 4 triệu cây phân tán. Đến năm 2010, diện tích đất có rừng 45.308 ha (chưa kể diện tích khoanh nuôi rừng tái sinh: 10.354 ha), nâng tỷ lệ độ che phủ tự nhiên đạt 40,1% (KH: trên 40%). Công tác thuỷ lợi, quản lý thuỷ nông từng bước được cải tiến, phục vụ tưới an toàn cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ chế biến cho một số nhà máy công nghiệp.
Từ những kết quả đạt được trong 5 năm qua, UBND tỉnh đề ra mục tiêu phát triển nông-lâm-thuỷ sản trong 5 năm tới (2011-2015): Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao; từng bước hình thành nền nông nghiệp sạch; hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng nông thôn mới có kinh tế phát triển theo hướng gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại.
Giá trị sản xuất nông-lâm-thuỷ sản tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2011-2015 là 5,5%; dự kiến đến năm 2015 tỷ trọng nông- lâm -thuỷ sản trong GDP đạt 18-19%; tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt từ 20% trở lên; 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Định hướng phát triển nông- lâm-ngư nghiệp trong thời gian tới là đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Phát triển các mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất. Tiếp tục mở rộng việc ký kết hợp đồng đầu tư và thu mua sản phẩm nông nghiệp giữa nhà doanh nghiệp với nông dân. Quy hoạch lại đất trồng lúa; hình thành vùng lúa cao sản chất lượng cao; bảo đảm an ninh lương thực; phát triển các vùng chuyên canh rau sạch; khuyến khích phát triển cây cao su; duy trì vùng nguyên liệu và năng suất cây mía. Tập trung tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu các cây công nghiệp. Diện tích gieo trồng một số cây trồng chính như sau: lúa: 120.000 ha, mì: 30.000 ha, mía: 30.000 ha, cao su: 75.000 ha.
Phát triển ngành chăn nuôi theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp bảo đảm an toàn về dịch bệnh. Tập trung nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh; phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; tổ chức lại và hiện đại hoá cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm.
Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 3 loại rừng: rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tập trung công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Duy trì quỹ đất lâm nghiệp khoảng 70.000 ha. Tiếp tục giao nhận khoán toàn bộ diện tích rừng hiện có; đẩy mạnh trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức mọi thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi thuỷ sản hồ Dầu Tiếng đi đôi với bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Phát triển nuôi trồng ven sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, kênh chính Đông, kênh chính Tây.
Có thể bạn quan tâm
Những cơn mưa trái mùa liên tục đổ xuống đúng thời điểm ĐBSCL thu hoạch rộ lúa ĐX, nông dân phải chạy đôn chạy đáo tìm thợ gặt vì không thể cắt bằng máy.
Kết quả các mẫu nước cho thấy, độ mặn tại vùng nuôi dao động trong khoảng 32-34‰, trong ngưỡng cho phép đối với nước nuôi trồng thủy sản. Riêng mẫu nước gần bờ thu tại Vũng Mắm có độ mặn thấp hơn so với các mẫu khác, chỉ 27‰
Chính phủ Hà Lan và các nhà tài trợ nước này vừa ký kết với Bộ NN-PTNT “Dự án hợp tác công tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại VN” trị giá gần 1,4 triệu EURO. Đây là dự án tài trợ lớn, tạo cú hích cho ngành cao cao VN phát triển.