Triển Vọng Mô Hình Thâm Canh Lúa IR64 Tại Xã Na Ư
Là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên, diện tích đất sản xuất lúa nước của Na Ưchỉ có 67ha; trình độ thâm canh, áp dụng KHKT vào sản xuất của người dân còn hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây lúa, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Chính vì vậy, vụ đông xuân 2012 - 2013, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên đã triển khai mô hình thâm canh giống lúa IR64 và kết quả đem lại rất khả quan. Từ đó, góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức của người dân, khi lâu nay bà con vẫn cho rằng đồng đất ở Na Ư chỉ sản xuất được vụ mùa, còn vụ đông xuân có làm cũng chẳng được thu…
Ông Ly Nềnh Vàng, Phó Chủ tịch UBND xã Na Ư cho biết: Được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên triển khai mô hình thâm canh giống lúa IR64 vụ đông xuân tại xã, chính quyền địa phương phối hợp với cán bộ trạm, cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể vận động nhân dân đăng ký tham gia. Tuy nhiên, để thay đổi được nếp nghĩ chỉ làm được một vụ lúa nước trong năm của người dân thì không dễ.
Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên trong xã phải đăng ký tham gia trước để bà con học tập và làm theo. Trên mô hình 3,5ha có 13 hộ thuộc các bản Con Cang, Na Ư và Hua Thanh tham gia. Bà con không chỉ được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà còn được cán bộ của Trạm trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh lúa nước từ ngâm, ủ giống, làm đất, gieo hạt đến việc phát hiện và phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây lúa.
Trong quá trình thực hiện, cán bộ khuyến nông xã và cán bộ của trạm thường xuyên kiểm tra tiến độ, đôn đốc bà con chăm sóc đúng kỹ thuật theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Nhờ đó cây lúa phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, bông trỗ tập trung và có khả năng chống đổ, chịu sâu bệnh khá. Kỹ thuật chăm sóc giống lúa này khá đơn giản, dễ làm và phù hợp với điều kiện canh tác của bà con.
Ông Và Xìa Dế, bản Na Ư cho biết: Gia đình tôi có 5.000m2 tham gia trồng lúa IR64 vụ đông xuân theo mô hình thâm canh của Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên. Những năm trước, vụ đó gia đình tôi bỏ hoang, đợi đến vụ mùa mới bắt đầu sản xuất. Khi tham gia mô hình, được cán bộ kỹ thuật tập huấn, tôi mới biết chăm bón làm thế nào để đúng kỹ thuật như khi lúa bao nhiêu ngày mới được bón phân, bao nhiêu ngày mới được tỉa giặm, làm cỏ. Hay như khi lúa mắc bệnh thì phải biết chính xác lúa mắc bệnh gì để sử dụng thuốc phòng trừ cho hiệu quả, chứ từ trước đến giờ chúng tôi chỉ làm bằng kinh nghiệm mà thôi.
Tuy nhiên, thời tiết vụ đông xuân vừa qua diễn biến bất thường, việc điều tiết nước tưới cho cây lúa trong từng giai đoạn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số hộ dù tham gia mô hình nhưng chưa thực sự đầu tư chăm sóc lúa nên đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng chung của mô hình. Đánh giá kết quả thực hiện mô hình cho thấy, năng suất lúa trung bình đạt 45 tạ/ha. Trừ chi phí đầu tư, công lao động, cho lãi hơn 78 nghìn đồng/ngày công lao động.
Bà Trần Thị Hồng, Trạm phó Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên cho biết: Với năng suất mô hình đem lại ở xã vùng cao như Na Ư là điều rất khả quan. Bởi không chỉ giúp người dân thấy được sản xuất lúa nước vụ đông xuân vẫn cho thu hoạch, đem lại lợi nhuận kinh tế mà còn góp phần lựa chọn cơ cấu giống trong sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ kỹ thuật canh tác của bà con.
Related news
Ngày 10/1, UBND huyện Sông Hinh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất và điều hành nguyên liệu mía, sắn niên vụ 2011-2012, triển khai nhiệm vụ niên vụ 2012-2013.
Bến Tre là một trong 3 tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về diện tích trồng cây ăn quả. Trong đó, một số cây trồng đã có “thương hiệu” như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, nhãn... Đây cũng là nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh và được quy hoạch phát triển, ổn định sản xuất đến năm 2020.
Nhằm giúp nông dân có định hướng nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn”, từ tháng 3 - 2011 đến tháng 3 - 2013.