“Treo Ao Tôm” Chờ Bảo Hiểm Bồi Thường
Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước nhưng hiện nông dân ở “vựa tôm” phải đối mặt với nguy cơ phá sản khi tôm nuôi liên tiếp bị thiệt hại, nợ tiền đại lý thức ăn, nợ ngân hàng, đẩy hàng loạt hộ vào cảnh khốn đốn.
Trước đó, được sự vận động từ các cấp, các ngành của tỉnh Cà Mau, hàng trăm nông dân đã mua bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) nhằm giảm bớt tổn thất khi có thiệt hại xảy ra cho tôm. Tuy nhiên, đến khi nông dân bị thiệt hại thì đơn vị bán thí điểm BHNN ở Cà Mau là Công ty Bảo Minh Cà Mau (thuộc Tổng Công ty CP Bảo Minh, gọi tắt Bảo Minh - PV) lại tìm đủ lý do để kéo dài các khoản bồi thường hợp đồng (HĐ) BHNN.
Cũng như bao nông dân khác ở địa phương, ông Nguyễn Văn Hiền (Việt kiều Thụy Điển), trú tại xã Hòa Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau được chính quyền địa phương vận động tham gia mua BHNN. Và bây giờ ông Việt kiều này cũng “dính” vào món nợ không dễ đòi từ Bảo Minh. Nói về số tiền Bảo Minh còn nợ tiền bồi thường BHNN của mình, ông Hiền lắc đầu: “Mình chân ướt chân ráo biết chi chuyện BHNN, nhưng khi được chính quyền địa phương vận động tham gia nên bỏ tiền ra mua BHNN. Ai dè, mọi lời hứa êm tai của đơn vị bán thí điểm BHNN đã nhanh chóng theo gió bay”.
Theo lời ông Hiền, đầu năm 2013, ông bỏ ra 25 triệu đồng mua BHNN từ Công ty Bảo Minh Cà Mau cho 3 đầm tôm (diện tích khoảng 10.000m²). Tháng 1-2013, ông Hiền thả con giống xuống đầm, hơn 1 tháng tôm chết hết. Ông liên hệ với ngành chức năng làm đầy đủ các thủ tục, gửi đến Bảo Minh Cà Mau. Hồ sơ gửi đi hơn 2 tháng, nhưng tiền bồi thường (khoảng 240 triệu đồng) vẫn bặt tăm.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa (67 tuổi), ngụ ấp Bùng Binh, xã Hòa Thành, TP Cà Mau, có 3 hầm nuôi tôm công nghiệp, nhưng giờ phải treo đầm. “Hết tiền để tái đầu tư rồi. Tôm thì chết, còn nợ thì tứ phía không biết xoay sở ra sao. Mấy hôm nay đại lý bán thức ăn cứ thúc trả tiền, tôi hứa khi nào lấy được tiền bồi thường BHNN thì trả. Nhưng chắc lâu lắm”, ông Nghĩa nói. Số tiền bồi thường HĐ của ông Nghĩa khoảng 40 triệu đồng, nhưng bị Bảo Minh “ngâm” gần 4 tháng qua. Tương tự, ông Trần Văn Ngoán, ngụ ấp Cái Ngang cũng bị Bảo Minh nợ bồi thường HĐ khoảng 70 triệu đồng.
Ông Vương Chí Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thành, TP Cà Mau cho biết, toàn xã có 84 hộ dân tham gia mua BHNN, với 136 HĐ (diện tích 54ha trong tổng số 216ha nuôi tôm công nghiệp của địa phương). Tính đến nay đã có 116 HĐ bị thiệt hại, nhưng phía Bảo Minh chỉ mới bồi thường 19 HĐ.
Related news
Thời gian gần đây, cụm từ chuyển đổi đất sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông) sang trồng màu đã không ít lần được một số nhà chuyên môn lẫn lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhắc đến. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: “chuyển sang trồng màu, ai lo đầu ra cho nông dân?
Thời điểm này, nhiều hộ nuôi con đặc sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rơi vào cảnh nợ nần, thua lỗ vì giá một số loại con đặc sản xuống thấp hoặc không có đầu ra.
Hiện nay, tại các vùng nông thôn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho người dân chưa đạt được yêu cầu đề ra. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó khá nhiều hộ nông dân nghèo gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước khi làm thủ tục xin giấy CNQSDĐ.