Trang Trại Vịt Giời
Đến trang trại của anh Hoàng Văn Công ở thôn Bạch Nao (xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy trên ao từng đàn... vịt giời đang bơi lội thoả thê.
Thấy động, đàn vịt bay vút lên. Cứ tưởng bay mất, nhưng không, chỉ một lát chúng lại bay về, sà xuống ao. Trong một cái chuồng ở góc ao, chúng tôi còn thấy cả một đôi thiên nga (ngỗng trời).
Hỏi ra mới rõ, thấy khu đất có diện tích 1 ha này vốn là đất xấu, cấy lúa không hiệu quả, nên từ năm 1993 Công đã xin thuê của xã để cải tạo, đào ao thả cá. Cứ thế đắp đổi, lời lãi từ cá được bao nhiêu anh lại dồn vào đầu tư. Đến năm 2006 thì trang trại có được diện mạo như ngày nay, bao gồm hệ thống chuồng trại, nhà ở, mặt nước và vườn cây.
Từ ngoài nhìn vào, lúc đầu chúng tôi cứ ngỡ đây cũng chỉ là một mô hình V.A.C bình thường, lợn trên cá dưới. Nhưng không phải thế. Toàn bộ hệ thống chuồng trại của vợ chồng Công được dùng để nuôi 9 loại chim hoang dã, có đăng ký với cơ quan kiểm lâm hẳn hoi, là gà lôi trắng; công Ấn Độ; trĩ đỏ; cu gáy; cu ngói; vịt giời; le le; cuốc và sâm cầm. Hỏi mua giống ở đâu, Công bảo:
- Trước đây em đã nuôi cò, vạc, diệc... nhưng thấy hiệu quả kinh tế không cao nên mới chuyển sang nuôi các loại chim. Mua của những người đánh bẫy, của kiểm lâm. Khi mua của kiểm lâm thì được cấp giấy tờ chứng nhận xuất xứ. Em mua về nuôi, gây cho đẻ rồi ấp trứng bằng máy. Hiện nay trang trại của em có 50 cặp vịt giời bố mẹ. Vịt giời cái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 12 - 15 trứng. Tỷ lệ ấp bằng máy nở khoảng 90 - 95%.
Như vậy nếu chỉ tính trung bình 1 năm, 1 vịt giời cái đẻ 2 lứa, bình quân 25 trứng, thì trang trại của anh cho ra đời khoảng 1.000 con vịt giời. Loại này giá bán rất cao. Vịt trưởng thành giá thấp nhất cũng 800.000 - 900.000 đ/con, lúc cao 1,2 - 1,5 triệu đ/con.
Cũng giống như vịt giời, le le cũng được anh nuôi đẻ rồi ấp trứng bằng máy, chim trưởng thành có giá bình quân 800.000 đ/con. Trang trại của Công nhiều nhất là cu gáy (gáy ta). Hiện anh có khoảng 1.000 đôi cu gáy bố mẹ. Nói “khoảng” là vì không thể đếm chính xác được. Gáy ta đẻ rất mắn. Mỗi tháng 1 gáy mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 trứng. Đẻ mắn vậy nhưng loại này ấp trứng lại rất vụng, vì vậy Công nghĩ ra cách lấy trứng gáy ta cho gáy Pháp ấp.
Gáy Pháp ấp trứng khéo hơn, tỷ lệ nở cao hơn. Gáy ta ra ràng có giá bán từ 800.000 - 2 triệu đ/con, có con đẹp, khách đã trả tới 5 triệu. Ngoài cu gáy, trang trại của Công còn có 500 đôi cu ngói. Cu ngói nhỏ hơn cu gáy một chút, có vành khuyên ở cổ, và cũng đẻ mắn như cu gáy. Trứng cu ngói đẻ ra cũng được Công lấy cho cu Pháp ấp, và cũng có tỷ lệ nở rất cao.
Các loại vịt giời, cu gáy, cu ngói đều được Công thu trứng để cho ấp máy hoặc cho cu Pháp ấp. Chỉ riêng loài cuốc là được cho “tự do”. Loại cuốc mà Công nuôi trong trang trại là cuốc sen. Hiện anh có khoảng 300 đôi cuốc sen bố mẹ. Chúng được thả ở một khu riêng, được tự do làm tổ, đẻ trứng và tự ấp, chủ trang trại chỉ thu cuốc con. Cuốc sen đẻ 4 mùa, mỗi lứa một cuốc mái đẻ 2 trứng.
Lần đầu tiên chúng tôi được nhìn kỹ những con sâm cầm ở trang trại của Hoàng Văn Công. Xung quanh loài chim này rất lắm chuyện đồn thổi, rằng chúng là loài chim phương Bắc, chuyên ăn... nhân sâm, nên mới có tên gọi là sâm cầm. Mùa đông phương Bắc rất lạnh, nên chúng di cư đến ta, nhiều nhất là đến Hồ Tây (Hà Nội). Cũng vì cái tiếng “ăn sâm” này mà chúng được coi là loài chim đặc biệt quý. Mỗi năm, dân các vùng quanh Hồ Tây phải mang tiến vua mấy chục đôi.
Tiếng là tiến vua mấy chục đôi nhưng thực ra phải hàng trăm đôi, vì chim tiến phải nộp lên huyện, huyện nộp lên tỉnh. Qua mỗi cấp, ngoài chim tiến còn phải cống cho quan huyện, quan tỉnh, nếu không sẽ bị hạch sách đủ điều rằng chim xấu, chim gầy...
Đồn là chim ăn sâm, nhưng dân gian bảo nó chỉ là một loại chim nước rất bình thường, bà con vẫn gọi là con cốc vộc. Thức ăn của cốc vộc là các loại từ tôm tép, cá nhỏ cho đến châu chấu cào cào chứ sâm đâu mà ăn. Công bảo, thấy nó hay hay thì mua về nuôi. Trang trại của anh hiện có 20 đôi sâm cầm cũng bắt đầu đẻ. Mỗi năm 1 sâm cầm mái đẻ 2 lứa như vịt giời.
Ngoài chim thịt được coi là một thứ đặc sản ở các nhà hàng cao cấp, khách của trang trại Hoàng Văn Công còn rất nhiều người đến mua các loại chim về làm giống. Và đều được cấp giấy phép ghi rõ nguồn gốc xuất xứ.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 25/7, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau một thời gian tạm lắng, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi thuộc 4 xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè), Phước Thạnh (thành phố Mỹ Tho), Phú Kiết và Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo) của tỉnh Tiền Giang. Tổng số gia cầm mắc bệnh gồm 16.300 con chim cút, 330 con gà và 5 con vịt.
Trong vài năm trở lại đây, cây dong riềng đã và đang khẳng định ưu thế của mình trong việc giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả. Từ chỗ chỉ được canh tác và chế biến tại một số thôn, xã của huyện Yên Sơn thì nay đã phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Lực Hành, Xuân Vân, Kiến Thiết, Nhữ Hán (Yên Sơn); Kim Bình, Vinh Quang, Linh Phú (Chiêm Hóa); Thượng Lâm, Lăng Can (Lâm Bình)...
Để khơi dậy ý chí vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo bền vững cho bà con nhân dân, mấy năm trở lại đây Đảng ủy, chính quyền xã Sầm Dương (Sơn Dương) tích cực khuyến khích bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống cây con có giá trị kinh tế cao vào trồng và chăn nuôi mang lại hiệu quả tích cực.