Trang Trại Vẫn Gặp Khó Khăn
hống kê của Sở NN - PTNT Hà Nội bình quân mỗi trang trại chỉ sử dụng 2,58ha, quá nhỏ bé. Toàn thành phố có 960.000 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 3.200 hộ, nhóm hộ phát triển theo mô hình kinh tế trang trại với tổng diện tích đất sử dụng là trên 8.000 ha.
63% chủ trang trại là nông dân, còn lại là bộ đội phục viên, cán bộ nghỉ hưu. Số chủ trang trại được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp, hầu hết chưa qua đào tạo nghiệp vụ quản lý, không có định hướng rõ ràng. Phần đa khởi điểm chỉ là người có một số ít vốn, một ít đất đai trong tay, làm theo phong trào.
Vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại hiện nay cũng đang gặp khó. Vốn vay từ nguồn ngân hàng được giải quyết dựa vào tài sản thế chấp có giới hạn, chưa đáp ứng đủ yêu cầu đầu tư, phát triển trang trại của nông dân. Thống kê trong tổng vốn đầu tư phát triển 2.208 trang trại là 561 tỷ đồng thì nguồn vốn vay ngân hàng chỉ chiếm 16,6%. Trong khi đó, giấy chứng nhận kinh tế trang trại do chính quyền địa phương cấp lại không có giá trị pháp lý để thế chấp vay vốn.
Chính vì vậy sự phát triển của trang trại trên địa bàn thời gian qua phụ thuộc vào khả năng “tự bơi” của nông dân. Bơi giỏi đến đâu đầu tư, tự phát triển đến đó dẫn đến quy mô trang trại không đồng đều. Phần lớn trang trại 2-3 ha nhưng cũng có trang trại diện tích vài chục ha, thậm chí quy mô cả trăm ha.
Thành phố cũng đã có chính sách về vay vốn nhưng thủ tục còn phức tạp, nhiêu khê. Anh hùng Lao động Nguyễn Đắc Hải, chủ trang trại ở xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) tâm sự rằng trang trại của anh sau nhiều lần mở rộng quy mô đã có tổng diện tích lên đến 60 ha. Nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất của trang trại khoảng vài chục tỷ đồng, tuy nhiên hiện mới chỉ vay được gần 2 tỷ đồng, rất thiếu vốn. Trang trại làm theo kiểu quảng canh sẽ không có hiệu quả trong khi thâm canh số tiền đầu tư cho 1 ha bình quân phải khoảng 500 triệu đồng.
Đã thế, hơn 20 năm nay phần đất này của anh chỉ được ký hợp đồng 5 năm 1 lần nên xây dựng được phương án vay vốn lớn là rất khó khăn, đầu tư bài bản khó thực hiện. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất trang trại thuê của UBND các xã, hợp tác xã hiện cũng khó khăn nên các trang trại chưa yên tâm đầu tư sản xuất.
Mặc dù đã có chính sách đất đai (Quyết định số 05/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội) quy định thời gian sử dụng đất phát triển kinh tế trang trại tối thiểu là 20 năm và được UBND các huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại nhưng đến nay mới có khoảng 1,4% trang trại được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, tương đương với khoảng 30/3.207 trang trại.
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, cho rằng cần quy hoạch sử dụng đất làm trạng trại cụ thể cho từng vùng để định hình phát triển cũng như định hình các vùng chuyên môn hoá sản xuất, vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến để giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm cho trang trại.
Còn theo ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, giải bài toán khó của trang trại phải theo xu hướng phát triển bền vững, hiệu quả. Trước mắt cần đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lâu dài trên toàn bộ quỹ đất hiện có của các trang trại; cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh cho các trang trại có đủ điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi để họ yên tâm sản xuất. Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình đầu tư sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế trang trại và hỗ trợ vốn vay để họ mở hướng làm ăn mới.
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm giá nông sản, dự báo thông tin thị trường, TP Hà Nội khuyến khích các hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các trang trại nhằm tạo điều kiện thành lập hợp tác xã. Ngoài ra cũng khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với các trang trại, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trong thời gian tới Sở NN - PTNT sẽ phối hợp với các Sở ban ngành trên Thành phố tổng hợp, thống kê, lập quy hoạch phát triển kinh tế trang trại; thành lập trung tâm xúc tiến thương mại và dành nguồn ngân sách từ 5-7 tỷ đồng để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền của ngành; xây dựng chương trình đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho chủ trang trại, đồng thời đẩy mạnh liên kết để các trang trại có thể tự chủ trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, gắn kết giữa nhà nước - nhà sản xuất - nhà chế biến và tiêu thụ.
Related news
Những ngày xuân ấm áp này, ở Hà Nam, bà con nông dân đang tranh thủ xuống đồng, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào khung thời vụ gieo cấy. Còn ít ngày nữa mới đến lịch gieo cấy bằng mạ, song hiện nay nhiều địa phương đã triển khai gieo sạ theo phương pháp cải tiến bằng nông cụ sạ hàng.
Nghề nuôi trồng thủy sản đã mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân ở Phú Yên. Tuy nhiên vì chưa áp dụng đúng kỹ thuật nên thời gian gần đây dịch bệnh trên thủy sản nuôi thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi và kinh tế của địa phương.
Năm 2012 là năm khó khăn cho nghề nuôi tôm sú ở Cà Mau. Không chỉ dịch bệnh tràn lan mà giá cả bấp bênh, môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng… Trước những yếu tố bất lợi đó, những chủ trương, giải pháp mới đã kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cùng với nhiều sáng kiến của người dân đã đưa nghề nuôi tôm bước sang giai đoạn mới.